Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 20/1 cho biết, theo khảo sát mới nhất, gần 40% người dân Trung Quốc do các yếu tố như thu nhập giảm và việc nhiều nước vẫn thực hiện các biện pháp quản chế, đã từ bỏ ý định đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết, thay vào đó là du lịch trong nước.
Dịp Tết Quý Mão trùng với việc Trung Quốc bãi bỏ Chính sách “Zero Covid” cùng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, sự thịnh vượng do khách du lịch Trung Quốc mang lại mà một số quốc gia châu Á đang mong đợi giống như một tia chớp lóe lên rồi tắt. Bởi vì hầu hết du khách Trung Quốc chọn ở lại trong nước.
Từ các bãi biển ở Bali (Indonesia) đến các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Hokkaido (Nhật Bản), những người làm trong ngành du lịch cho biết họ chưa thấy những đoàn khách du lịch Trung Quốc rồng rắn kéo đến như trước khi dịch bệnh bùng phát.
Nhiều doanh nghiệp từng hy vọng ngành du lịch hồi sinh sau khi thời kỳ đại dịch kết thúc, Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế đi lại và loại bỏ nhu cầu cách ly kéo dài nhiều tuần, đã thất vọng. Tuy nhiên, lượng đặt chỗ cho các chuyến du lịch nước ngoài đang tăng vọt, cho thấy việc ngành này phục hồi chỉ là vấn đề thời gian.
Theo thống kê của trang web du lịch Trip.com, trong dịp Tết Nguyên đán, lượng người Trung Quốc đặt vé du lịch nước ngoài qua mạng đã tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trip.com cũng nhấn mạnh rằng thời điểm này năm ngoái, biên giới của Trung Quốc vẫn được kiểm soát chặt chẽ, đó là lý do tại sao có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc như vậy.
Du khách Trung Quốc ở Hội An, ngày 20/1/2023 (Ảnh: Lan Phương). |
Lượng khách Trung Quốc đặt phòng tới du lịch các nước Đông Nam Á tăng gấp 10 lần, trong đó Thái Lan trở thành lựa chọn hàng đầu, tiếp theo là Singapore, Malaysia, Campuchia và Indonesia. Các điểm du lịch nổi tiếng khác, chẳng hạn như Bali ở Indonesia và các hòn đảo nghỉ mát nhiệt đới ở Australia, đã bị hạn chế do thiếu các chuyến bay. Nhưng tình trạng này sẽ dần được cải thiện với sự gia tăng các chuyến bay.
"Tôi nghĩ khách du lịch Trung Quốc sẽ đến sớm nhất vào khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3", ông Sisdivachr Cheewarattaporn, Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Thái Lan nói và lưu ý rằng nhiều người Trung Quốc không có hộ chiếu, số lượng các chuyến bay hạn chế và các công ty du lịch vẫn chưa có sự chuẩn bị để xử lý các nhóm du lịch.
Ông nói với hãng tin AP rằng nguy cơ COVID-19 là một nhân tố quan trọng khác vì dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong bối cảnh Trung Quốc thay đổi chính sách chống dịch. "Mọi người có thể chưa chuẩn bị, hoặc họ có thể vừa mới chuẩn bị.”
Theo Bloomberg, một cuộc khảo sát thị trường với 1.058 người tại 49 thành phố ở Trung Quốc do Dragon Trail, một công ty tiếp thị du lịch Trung Quốc thực hiện từ ngày 4 đến ngày 7/1 cho thấy, gần 40% số người được hỏi không có kế hoạch đi du lịch nước ngoài trong năm nay, 54,9% trong số họ nói do bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế vì dịch bệnh và 54,2% lo lắng rằng việc đi du lịch sẽ ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình của họ, trong đó nêu bật ảnh hưởng rất lớn của COVID-19 đối với người dân Trung Quốc.
Ngoài ra, một báo cáo do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 17/1 cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm của các hạng mục như tiêu dùng cá nhân, tiết kiệm hộ gia đình và thu nhập từ tiền lương trong năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung năm 2022 của Trung Quốc chỉ ở mức 3%, là mức thấp kỷ lục thứ hai kể từ những năm 1970.
Hiện tại, Ma Cao và Hồng Kông dường như là những điểm đến được hoan nghênh nhất.
Chỉ vài ngày trước khi bắt đầu Tết Nguyên đán Quý Mão vào Chủ nhật (22/1) các điểm tham quan du lịch mang tính biểu tượng ở thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, chẳng hạn như Quảng trường Senado có lịch sử lâu đời và Di tích Nhà thờ Thánh Paul, đã chật cứng du khách nội địa. Các phòng đánh bạc của hai sòng bạc lớn gần như kín chỗ, với rất đông khách du lịch Trung Quốc ngồi quanh các bàn đánh bạc.
"Hàng ngày tôi bận đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi", Lý Hồng Tú, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm nói. Ông cho biết doanh số bán hàng đã phục hồi từ mức gần như không có gì vài tuần trước, đã tăng lên khoảng 70 đến 80% so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Kathy Lam du khách đến từ Thượng Hải nói, một phần vì dễ xin thị thực tới Ma Cao, nhưng cũng một phần vì lo ngại lây nhiễm COVID-19. "Tôi vẫn không dám đi du lịch nước ngoài", cô nói.
Ngay cả sau khi Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế, mối lo ngại về sự lây lan của virus vẫn khiến nhiều người muốn đón Tết ở nhà.
Trịnh Hiểu Lợi, một phụ nữ 48 tuổi, làm việc cho một công ty thang máy ở Quảng Châu, nói: "Những người lớn tuổi trong gia đình tôi không bị nhiễm bệnh và tôi không muốn mạo hiểm. Vẫn có khả năng tôi bị tái nhiễm các chủng virus đột biến khác."
Sau khi Hồng Kông nới lỏng các biện pháp phòng dịch, du khách Đại Lục kéo sang rất đông (Ảnh: Deutsche Welle). |
Châu Phi nằm trong danh sách lựa chọn đi du lịch của bà trước đại dịch, nhưng mặc dù rất muốn đi du lịch nước ngoài, bà nói: "Vẫn còn nhiều điều không chắc chắn, vì vậy tôi đành phải kiềm chế."
Cũng có những người trì hoãn các quyết định đi du lịch nước ngoài bởi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa đại dịch, nhưng các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia vẫn áp đặt xét nghiệm và các hạn chế khác.
Tùng Nhất Đào, một kế toán sinh sống ở Bắc Kinh cho biết: "Có vẻ như nhiều quốc gia vẫn không chào đón chúng tôi”. Ông cũng nói thêm rằng bản thân dự định đến các vùng cận nhiệt đới của Trung Quốc, chẳng hạn như đảo Hải Nam hoặc Tây Song Bản Nạp ở tỉnh Vân Nam, để tận hưởng thời tiết ấm áp thay vì ở lại chịu đựng thời tiết giá lạnh ở Bắc Kinh.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu