Khoảnh khắc lở tuyết chôn vùi trại leo núi Everest

Đoạn video ghi lại hình ảnh một trận lở tuyết do động đất mạnh 7,8 độ Richter gây ra bất ngờ đổ ập xuống khu trại nơi hàng chục người leo núi đang tập trung trên núi Everest.
Khoảnh khắc lở tuyết chôn vùi trại leo núi Everest

Video do một người leo núi người Đức quay và đăng tải lên YouTube, New Zealand Herald cho hay. Hình ảnh ban đầu trong video là cảnh rung chuyển do động đất, sau đó là tiếng ầm ầm của trận lở tuyết đang đổ xuống.

Người quay phim cùng bạn đồng hành la hét và chửi rủa khi nằm rúc vào nhau trong lều. Họ ra ngoài và nhìn thấy mọi thứ xung quanh đã bị chôn vùi dưới tuyết.

Động đất 7,8 độ Richter hôm 25/4 là trận mạnh nhất ở Nepal kể từ năm 1934. Nó còn làm rung chuyển các quốc gia láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh. Giới chức Bộ Du lịch Nepal ước tính có ít nhất 1.000 người leo núi, trong đó có 400 người nước ngoài, ở trại xuất phát khi trận động đất đầu tiên xảy ra.

Một nhà leo núi giàu kinh nghiệm cho biết, Dan Fredinburg, nhà điều hành Google, bị tuyết cuốn ra xa khỏi khu trại leo núi ở Everest hàng chục mét, còn khu trại như thể "bị bom san phẳng".

David Hamilton, 54 tuổi, người Anh, đã leo lên đỉnh Everest 7 lần và là người đứng đầu Jagged Globe, một công ty leo núi mạo hiểm có trụ sở ở Sheffield, hạt Nam Yorkshire, Anh. Ông cho biết, Dan Fredinburg, giám đốc điều hành cấp cao của Google, thành viên nhóm leo núi, thiệt mạng hôm 25/4.

Ông cho biết lúc tuyết lở họ như đang "ở giữa trung tâm vụ nổ." Đến phút chót, các thành viên khu trại chính mới nhìn thấy tuyết lở. Khu trại chính nằm ở dưới sông băng Khumbu.

"Một số người chạy kịp, một số khác tìm được nơi trú ẩn, nhưng Dan thì không. Cậu ấy ở ngay giữa vụ lở, bị cuốn đi 30-40 m rồi bị đập vào một tảng đá lớn. Một vài người khác bị thương nhẹ, nhưng đa phần mọi người bình an vô sự."

"Họ là những người cực kỳ may mắn. Vài căn lều bị thổi bay hơn 50 m. Nếu sự việc xảy ra sớm hơn vài tiếng nữa, khi mọi người đang nghỉ ngơi hoặc ngủ trong lều, mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn nhiều. Chắc chắn sẽ có thêm 40-50 người nữa thiệt mạng."

Daniel Fredinburg, nhân viên Google thiệt mạng trong vụ lở tuyết ở Everest. Ảnh:Telegraph

Daniel Fredinburg, nhân viên Google thiệt mạng trong vụ lở tuyết ở Everest. Ảnh:Telegraph

George Foulsham, 38 tuổi, nhà sinh học biển người Australia, người bị tuyết vùi, mô tả cảnh tượng "giống như một tòa nhà 50 tầng màu trắng" đổ lên người.

"Tôi chạy thục mạng còn tuyết lở đổ ập xuống người tôi. Tôi cố gắng đứng dậy, nó lại nhấn tôi xuống một lần nữa. Tôi không thở nổi, nghĩ rằng mình chết mất. Cuối cùng, tôi đứng dậy được, không tin rằng nó cuốn qua người tôi và tôi hầu như không xây xước gì."

Hiệp hội Cứu hộ Hymalaya có lều cứu thương tại khu trại và Hamilton nói rằng Rachel Tullet, nữ bác sĩ người Anh và những đồng nghiệp người Nepal và Mỹ của cô đã "làm việc tuyệt vời" trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

"Trại bị hư hại nặng trong khi họ phải chữa trị những người bị thương nặng, chỉ có 50% cơ hội sống sót kể cả khi được điều trị ở những bệnh viện lớn, đầy đủ dụng cụ. May thay, hai lều chính còn nguyên vẹn, và chúng tôi đưa người bị thương ra đó."

Những người bị thương sau đó được xuống một bệnh viện nhỏ ở làng Pheriche dưới chân núi.

"Nhiều người trong tình trạng rất nguy kịch. Bởi vì họ bị nhiều vết thương nghiêm trọng ở đầu do mảnh vỡ văng ra từ sức ép vụ lở tuyết." Một khu lều của người Trung Quốc gần đó cũng có người tử vong, nhưng giống năm ngoái, "hầu hết người thiệt mạng là người Sherpa. Chỉ có một số ít người leo núi phương Tây bị thương." Sherpa là nhóm dân tộc thiểu số sống ở phía đông Nepal, trên dãy Himalaya.

Những người Sherpa bị thương được đưa đi chữa trị. Ảnh:AP

Những người Sherpa bị thương được đưa đi chữa trị. Ảnh:AP

Tuy nhiên, gần 100 người leo núi nữa, vẫn kẹt trên khu trại 1 và 2 trên đỉnh núi. Không ai biết chuyện gì xảy ra với họ, còn tuyến đường xuống núi bị hư hại nghiêm trọng.

"Việc chăm sóc người bị thương được ưu tiên hàng đầu, nhưng tuyến đường bị hư hỏng nặng, còn SPCC, những bác sĩ chuyên chữa trị bệnh nhân trong tuyết lở, lại không có ở trại, theo tôi được biết. Khu lều của họ bị phá hủy hoàn toàn. Hiện có 50-60 người ở trại 1 đang bắt tay sửa lại con đường đi xuống."

"Không rõ còn chuyện gì nữa sẽ xảy ra, nhưng họ có những người hướng dẫn đủ kinh nghiệm và cho đến nay, họ vẫn đủ thực phẩm và nhiên liệu."

Lo ngại ngày một tăng đối với 13 thành viên khác của Jagged Globe, những người vẫn đang mất tích.

Simon Lowe, giám đốc quản lý Jagged Globe, cho biết họ đang ở Khu Dhaulagiri và chưa liên lạc về. "Chúng tôi cũng có một nhóm khác ở khu vực đó. Họ gọi về và nói không sao. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng, những người kia vẫn bình an vô sự."

Ông cho biết họ có điện thoại vệ tinh, nhưng rất có thể, không bắt được sóng để gọi về. "Chúng tôi có 4 nhóm vẫn đang mất tích cho tới ngày hôm qua, và có lẽ họ đang cố gắng thoát ra khỏi nơi mắc kẹt."

Năm ngoái, sông băng Khumbu lở, giết chết 16 người Sherpa. Lúc đó, Halmiton cũng có mặt. Ông có cảm giác như ngọn núi "nói rằng không được leo tiếp nữa."

Theo Halmiton, rất khó để những nhà leo núi bản địa dẫn đường cho đội cứu hộ lên đỉnh núi. "Người Sherpa rất mê tín. Tôi thấy là không người nào trong số họ muốn quay lại đỉnh núi sau vụ này. Tối qua, họ không muốn nghỉ qua đêm ở khu trại chính mà đi xuống Gorak Shep, cách đây vài dặm để ngủ. Họ đã quay trở lại sau trận lở tuyết năm ngoái, chuẩn bị quên nó đi và rồi chuyện này lại xảy ra. Đa số họ quan niệm, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên."

Theo: VnExpress