Kho vũ khí của Ukraine đã cạn sạch, tất cả phụ thuộc vào sự "thay máu" của các đồng minh phương Tây?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các vũ khí trang bị do Nga sản xuất của Ukraine đã cạn kiệt hoàn toàn và giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào vũ khí trang thiết bị do các đồng minh nước ngoài cung cấp, đặc biệt là pháo binh từ phương Tây.
Mỹ và Anh bắt đầu viện trợ thăm dò các hệ thống pháo phản lực nhiều nòng cho Ukraine vì kho vũ khí do Liên Xô trước đây chế tạo đã cạn kiệt (Ảnh: AP).
Mỹ và Anh bắt đầu viện trợ thăm dò các hệ thống pháo phản lực nhiều nòng cho Ukraine vì kho vũ khí do Liên Xô trước đây chế tạo đã cạn kiệt (Ảnh: AP).

Theo hãng tin Pháp AFP từ Washington ngày 9/6, dẫn các nguồn tin quân đội Mỹ, kể từ ngày 24/2 đến nay, các nước phương Tây đã huy động để hỗ trợ Ukraine đang đòi hỏi vũ khí và đạn dược, đồng thời lại tránh bất kỳ động thái nào có thể được coi là khiêu khích của Nga.

AFP chỉ ra rằng, điều mà các nước phương Tây không nói rõ là họ cũng lo ngại các vũ khí tối tân của Mỹ và phương Tây sẽ rơi vào tay quân đội Nga. Do đó họ quay sang các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu còn sở hữu vũ khí và đạn dược tiêu chuẩn của Liên Xô. Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia này cũng đã cạn kiệt kho dự trữ. Một nhà chỉ huy quân sự nói với AFP rằng các kho vũ khí của châu Âu do Nga sản xuất “đã biến mất khỏi Trái đất".

AFP cho biết, đó là lý do tại sao Mỹ và các đồng minh NATO khác quyết định bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine trước nguy cơ mở rộng xung đột hoặc bị rò rỉ công nghệ. Bước đầu tiên sẽ cung cấp vũ khí như lựu pháo, tiếp theo là các trang thiết bị tiên tiến như hệ thống phóng tên lửa cơ động cao nhiều nòng M142 HIMARS.

Một chỉ huy quân sự khác của Mỹ giải thích rằng các đồng minh đang cố gắng phối hợp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cho phép các lực lượng Ukraine nhận được "một lượng đạn dược liên tục ổn định" cũng như các linh kiện thiết bị và vũ khí hạng nhẹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace tuyên bố cung cấp cho Ukraine ba dàn phóng tên lửa M270 do Mỹ chế tạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace tuyên bố cung cấp cho Ukraine ba dàn phóng tên lửa M270 do Mỹ chế tạo.

AFP cho rằng, các trang thiết bị của phương Tây dường như đang đến Ukraine từng ít một vì các đồng minh muốn đảm bảo rằng Kyiv có thể nhận được nó một cách an toàn hoàn toàn và hạn chế nguy cơ các kho vũ khí và đạn dược này bị Nga phá hủy.

Tin cho biết, vì thế Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine theo từng đợt. Đợt mới nhất bao gồm 4 hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS.

Một người phụ trách quân đội thứ hai của Mỹ cho biết: "Chúng tôi muốn duy trì nguồn cung cấp trang thiết bị liên tục".

Bản tin của AFP phân tích, đối với Washington, lô thiết bị đầu tiên được cung cấp chủ yếu có tác dụng thử nghiệm nhằm đảm bảo công nghệ của hệ thống phóng tên lửa cơ động cao này sẽ không bị rơi vào tay đối phương và người Ukraine có thể sử dụng thiết bị đắt tiền và nhạy cảm này một cách thận trọng. Nhưng điều đó sẽ không ngăn Lầu Năm Góc chuẩn bị cho đợt viện trợ quân sự tiếp theo.

Theo báo cáo, nhiều hệ thống tên lửa cơ động cao hơn và đạn dược của chúng đã được bố trí từ trước ở Đức. Một nguồn tin quân sự khác của Mỹ cho biết nếu trải nghiệm với 4 hệ thống đầu tiên khả quan, chúng sẽ được gửi tiếp đến Ukraine. Nguồn tin này cũng chỉ ra rằng Washington đã loại trừ việc cung cấp cho Kyiv các máy bay không người lái chiến đấu tầm xa MQ-1C Gray Eagle do General Atomics chế tạo như dự kiến.

Ukraine hy vọng các dàn phóng tên lửa nhiều nòng sẽ giúp họ đối phó được với pháo binh Nga.

Ukraine hy vọng các dàn phóng tên lửa nhiều nòng sẽ giúp họ đối phó được với pháo binh Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace hôm thứ Hai (6/6) cũng thông báo sẽ chuyển giao cho Ukraine các bệ phóng tên lửa nhiều nòng MLRS M270 do Mỹ sản xuất và cung cấp các đạn tên lửa có tầm bắn 80 km. BBC đưa tin bước đầu London sẽ cung cấp ba dàn M270 cho Kyiv.

Ông Wallace nói, các hệ thống MLRS mạnh mẽ “sẽ cho phép những người bạn Ukraine tự vệ tốt hơn trước các cuộc bắn phá bừa bãi bằng pháo tầm xa, thứ mà quân đội Nga đã sử dụng để tùy tiện san bằng các thành phố. Do Nga thay đổi chiến thuật, Anh cũng thay đổi sự ủng hộ đối với Ukraine”. Ông Wallace nhấn mạnh, Vương quốc Anh đi trước các nước khác trong việc cung cấp vũ khí quan trọng cho quân đội Ukraine. Trong những tuần tới, các binh sĩ Ukraine sẽ được đào tạo tại Anh để vận hành M270. Vì hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng M270 được sản xuất tại Mỹ, Vương quốc Anh phải được sự chấp thuận của Mỹ trước khi chúng có thể được chuyển giao cho Ukraine. Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Thủ tướng Anh Johnson đã thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Mỹ Biden vào thứ Tư tuần trước (1/6).

Cách đây chưa đầy một tuần, Mỹ đã quyết định hỗ trợ Ukraine 4 hệ thống phóng tên lửa đa năng cơ động cao M142 (HIMARS), đây là phiên bản cải tiến của M270 với khả năng cơ động linh hoạt hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov đã cảm ơn sự trợ giúp của Anh và Mỹ, nói rằng M270 và HIMARS đã giúp quân đội Ukraine thực hiện bước đầu tiên và là một bước nhảy vọt trong việc đẩy lùi quân đội Nga.

Chiến sự ở thành phố Severodonetsk đang diễn ra ác liệt.

Chiến sự ở thành phố Severodonetsk đang diễn ra ác liệt.

Trong khi đó, hôm thứ Năm (9/6), Ukraine và Nga đã xảy ra một trận chiến đẫm máu để giành giật thành phố Severodonetsk ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi trận chiến ở Severodonetsk là "một trong những trận chiến khó khăn nhất". Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thành phố ở vùng Donbass này. Ba tháng rưỡi trước, Nga đã phát động cuộc chiến tranh chống Ukraine, nhưng không lật đổ được chính quyền của Zelensky hay chiếm được thủ đô Kyiv trong những ngày đầu chiến tranh, hiện nay quân đội Nga đã chuyển trọng tâm sang đánh chiếm vùng Donbass.

Đêm ngày 8/6, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia: “Trên nhiều phương diện, số phận Donbass của chúng ta sẽ được quyết định ở Severodonetsk”.

Quân đội Ukraine hôm 9/6 tuyên bố đang tiến quân trong cuộc giao tranh ác liệt trên đường phố ở Severodonetsk, nhưng cho biết họ cần thêm hỏa lực pháo binh để phòng thủ trước hỏa lực mạnh hơn của Nga. Cả hai bên đều tuyên bố đã gây ra thương vong nặng nề cho bên kia.

Severodonetsk và thành phố Lysychansk ở bên kia sông Donets là những thành trì cuối cùng do Ukraine kiểm soát trong tỉnh Luhansk. Đầu tuần này, phía Nga cho biết quân đội của họ và lực lượng ly khai thân Nga đã kiểm soát 97% Luhansk.

Ông Oleksiy Danilov, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Ukraine nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng các lực lượng Nga đang tập trung toàn bộ hỏa lực vào khu vực Severodonetsk. Ông nói. "Họ pháo kích chúng tôi cả ngày lẫn đêm".

Petro Kusyk, người chỉ huy Tiểu đoàn Tự do của Vệ binh Quốc gia Ukraine, nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng quân đội Ukraine đã kéo quân đội Nga vào cuộc chiến trên đường phố để loại bỏ lợi thế pháo binh của quân đội Nga.

Kusyk nói hôm 8/6: “Đó là một thành công. Chúng tôi đã phản công và ở một số khu vực, chúng tôi có thể đẩy lùi họ một hoặc hai dãy phố. Ở những khu vực khác, họ đã đẩy lùi chúng tôi, nhưng chỉ một hoặc hai khu nhà".

Kusyk nói rằng quân đội của ông "chịu một tai họa" là thiếu các hệ thống vũ khí phản pháo cần thiết để chống lại pháo binh Nga. Nhưng ông nói thêm: "Ngay cả khi không có những hệ thống này, chúng tôi vẫn đang hoạt động khá tốt. Chúng tôi có lệnh phải giữ vững trận địa của mình và chúng tôi đang kiên trì. Thật không thể tin được rằng các bác sĩ đang cứu sống các thương binh trong tình hình không có thiết bị phù hợp".

Ông Oleksandr Stryuk, Thị trưởng Severodonetsk cho biết khoảng 100.000 dân thường đang bị mắc kẹt trong thành phố. Đó là khoảng một phần mười dân số của thành phố trước chiến tranh.

CNN cho rằng quân Nga đã hầu như kiểm soát được Severodonetsk.

CNN cho rằng quân Nga đã hầu như kiểm soát được Severodonetsk.

Theo một bản tin của CNN ngày 9/6, Nga đã gần đạt được một chiến thắng có tính cột mốc ở thành phố trọng điểm này. CNN cho biết cuộc chiến giành thành phố Severodonetsk đang diễn ra ác liệt, các quan chức địa phương cho biết Nga hiện đã kiểm soát phần lớn thành phố chủ chốt này.

Ông Serhiy Gaidai, người đứng đầu vùng Luhansk bên phía Ukraine, nói: “Chỉ cần chúng tôi có pháo tầm xa, có thể tiến hành đấu pháo với pháo binh Nga, các lực lượng đặc biệt của chúng tôi có thể tái kiểm soát thành phố này trong 2-3 ngày”.

Nhưng quân đội Ukraine ở Severodonetsk rõ ràng không có khả năng sớm nhận được viện trợ pháo tầm xa của phương Tây, vì vậy mục tiêu của họ phải giữ vững trong vài ngày nữa. Gaidai cho biết ông tin rằng Nga muốn chiếm toàn bộ thành phố vào cuối tuần, kịp cho Ngày Độc lập của Nga (12/6), nhưng họ đã không thể đạt được điều đó.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có ít nhất 4.253 dân thường đã thiệt mạng, 5.141 người bị thương và hơn 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.