Như VietTimes đã từng thông báo, mùa giải này Sint-Truidense đưa về 10 tân binh, tiền đạo người Nhật Yuma Suzuki là cái tên cuối cùng mà HLV Brys chờ đợi. Như vậy, trong đội hình đội bóng Bỉ đang có 16 cầu thủ hàng tiền vệ và tiền đạo.
Những cái tên cạnh tranh
Trong đó có 8 cái tên sẽ tranh 2 suất đá tiền đạo cánh, hoặc đá hộ công của Công Phượng, đó là Wolke Janssens, Nelson Balongo (người Bỉ), Kosuke Kinoshita (người Nhật Bản), Duckens Nazon (người Haiti), Yohan Boli (người Bờ Biển Ngà), Nguyễn Công Phượng (người Việt Nam), Alan Goncalves Sousa (người Brazil), và Yuma Suzuki (người Nhật).
Trong trận đấu đầu tiên, HLV Brys đã chơi với sơ đồ 3-4-3, De Bruyn, Nelson Balongo và chân sút người Brazil Alan Sousa đá chính trên hàng công. Vị trí trung phong cắm trận này được mặc định cho cầu thủ người Bỉ 20 tuổi được chính Sint-Truidense đào tạo từ nhỏ. Nelson Balongo đã từng tập luyện và thi đấu trong vòng áo U17 và U19 Sint-Truidense trước khi lên đá cho đội 1.
Trong đội hình Sint Truiden, Công Phượng là người được định giá thấp nhất và bất lợi nhất về thể hình, thể lực. Ảnh CLB.
|
Hết hiệp 1, tiền đạo cánh phải Alan Sousa là người được thay ra. Chân sút 22 tuổi chuyển tới CLB Sint-Truidense từ CLB Vejle Boldklub của Đan Mạch.
Sau 70 trận cho CLB này, anh đã ghi 21 bàn thắng và có 15 đường kiến tạo thành bàn. Nhưng người vào thay lại là cầu thủ trẻ 19 tuổi người Bỉ Hamza Masoudi.
Phút 73, Sint-Truidense lại tiếp tục thay tiền vệ cánh phải Acolatse là một cầu thủ người Hà Lan gốc Ghana, người chơi cho Sint-Truidense theo dạng cho mượn từ Club Brugge. Người vào thay lại là cầu thủ trẻ Yohan Boli (người Bờ Biển Ngà). Mọi hy vọng CP15 sẽ vào thay tiền đạo cánh trái De Bruyn nhưng rốt cuộc đã không được HLV Brys thực hiện.
Người mới đến
Với việc Sint Truiden đã trao cho Suzuki chiếc áo số 9 thì đây chính là cầu thủ sẽ đá vị trí hộ công trong sơ đồ 3-5-2 hoặc đá cánh khi đội bóng Bỉ đá với sơ đồ 3-4-3. Sở dĩ Suzuki chưa thể ra sân trong đội hình Sint Truiden trận khai mạc vì anh mới tới Bỉ và chưa có thời gian làm quen CLB mới.
Thành tích của Suzuki trong màu áo Kashima Antlers chơi ở J-League rất ấn tượng. Trong 4 năm, Suzuki đã thi đấu 97 trận, ghi được 27 bàn thắng trong đó mùa giải năm ngoái đá 32 trận ghi được 11 bàn thắng. Thể hình của cầu thủ Nhật Bản này cũng tốt hơn CP 15 cao 1m82 nặng 75 kg (Công Phượng cao 1m68, nặng 65 kg).
Giới chuyên môn Bỉ còn cho rằng Sint Truiden chỉ là bến trung chuyển để tuyển thủ quốc gia Nhật Bản Suzuki chuyển đến các CLB lớn hơn. Tuyển thủ quốc gia Nhật bản sẽ đá được khá nhiều vị trí trên hàng công và thích nghi được nhiều sơ đồ chiến thuật.
Để dễ so sánh, người viết cung cấp thông tin Công Phượng cũng từng sang Nhật chơi bóng ở CLB Mito Hollyhock nhưng chỉ được chơi 5 trận (1 trận đá chính, 4 trận từ ghế dự bị) ở J2-League (giải hạng Hai) và tất nhiên là chưa ghi được bàn nào.
80 phút ngắn ngủi tại J2-League thật quá nhỏ bé với 4.552 phút của Suzuki tại J1-League, nên việc tuyển thủ quốc gia người Nhật đến sau nhưng khoác áo số 9 còn Công Phượng đến trước nhưng chỉ được trao áo số 15 là điều dễ hiểu.
Thể hình của cầu thủ Nhật Bản này cũng tốt hơn CP 15 cao 1m82 nặng 75 kg (Công Phượng cao 1m68, nặng 65 kg). Ảnh CLB.
|
Chỉ còn đường tiến
Quan sát trận đấu giữa Sint-Truidense và Royal Excel Mouscron chúng tôi đánh giá tốc độ của bóng đá Bỉ khá cao. Các cầu thủ phải đỡ bóng bước 1 chuẩn xác và có ngay ý đồ xử lý bóng, nếu không sẽ bị đối phương ập vào tranh cướp bóng ngay.
Giải Bỉ có khá nhiều cầu thủ da màu đến từ châu Phi nên lối chơi đôi khi cũng có phần ngẫu hứng nhưng những pha va chạm mạnh thường xuyên xẩy ra.
Trong đội hình Sint Truiden, Công Phượng là người được định giá thấp nhất và bất lợi nhất về thể hình, thể lực. Vì thế việc cạnh tranh một suất trên hàng công của Sint Truiden sẽ khốc liệt hơn. Chỉ có sự quyết tâm vượt bậc thì CP15 mới có hy vọng được ra sân bằng không chen được chân vào danh sách được thi đấu và xỏ giày vào các đấu trường ít danh giá hơn cũng là điều quá tốt lúc này.