Được thiết kế bởi Cục Thiết kế Trang bị Hàng hải Rubin và chế tạo tại Công ty Chế tạo máy phương Bắc (nhà máy đóng tàu Sevmash), tàu ngầm lớp Borei được phát triển nhằm thay thế các tàu ngầm lớp Typhoon thuộc Dự án 941 và lớp Delta IV thuộc Dự án 667 BDRM. Đây là kế hoạch đầu tiên mà Nga tiến hành nhằm tăng cường sức mạnh cho hải quân nước này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
"Nói cách khác, tàu ngầm lớp Borei đại diện cho một sự tái sinh hạm đội tàu ngầm thời Liên Xô; một số tàu ngầm thuộc lớp này đang được xây dựng một phần từ thân của các tàu ngầm lớp Akula và Akula III", một sĩ quan hải quân Mỹ bình luận.
Tàu ngầm mới trên có chiều dài 170m, đường kính thân khoảng 13m và thủy thủ đoàn là 107 người, trong đó có 55 sĩ quan. Tàu này có thể lặn tới độ sâu tối đa khoảng 450m và có tốc độ khi ngập nước khoảng 15m/s. Borei có thân đặc và hoạt động trên cơ chế thủy động lực học nhằm làm giảm tiếng ồn băng tần rộng và sử dụng động cơ đẩy thủy lực. Động cơ đẩy thủy lực cũng làm giảm tiếng ồn của tàu và cho phép nó có một “tốc độ yên lặng” chiến thuật cao hơn và tăng khả năng cơ động. Điều này làm cho loại vũ khí này của Nga khó bị phát hiện hơn.
Theo trang mạng Công nghệ-Hải quân, tổng chi phí cho chiếc tàu ngầm lớp Borei đầu tiên là 713 triệu USD, trong đó việc nghiên cứu và phát triển chiếm 280 triệu USD. Trong khi đó, chi phí của một chiếc tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ khoảng 2 tỉ USD.
Tàu ngầm chiến lược lớp Borei có thể mang 12-16 quả tên lửa đạn đạo Bulava (RSM-56) với 6-10 đầu đạn hạt nhân cho mỗi tên lửa - mỗi đầu đạn tương đương lượng nổ 100-150 kiloton. Như vậy, mỗi tàu ngầm có tổng số 72-196 đầu đạn. Tên lửa đạn đạo Bulava có tầm bắn trên 8.300km.
Phân tích các tên lửa liên lục địa Bulava, Trung tá Hải quân Mỹ Tom Spahn kết luận: “Giống tàu ngầm Borei, tên lửa Bulava cũng đại diện cho một bước tiến đáng kể trong công nghệ của Nga. Tương tự như phiên bản trên đất liền, tên lửa Topol-M SS-27, có thể bảo vệ trước các hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo-phòng thủ tên lửa của phương Tây, Bulava có khả năng thực hiện một loạt các giai đoạn cơ động với tầm bay khác nhau và có các biện pháp đối phó cũng như nghi binh để tự bảo vệ trước các hành động đánh chặn. 10 đầu đạn siêu thanh, cơ động được điều khiển độc lập của loại tên lửa này được bảo vệ chống lại cả sự phá hủy về mặt vật lý và xung điện từ để đảm bảo rằng chúng có thể chạm vào mục tiêu mà vẫn nguyên vẹn”.
Khả năng tác chiến chống tàu ngầm của tàu ngầm lớp Borei cũng rất ấn tượng. Nó được trang bị 6 ống phóng ngư lôi với 6 tên lửa RPK-2 Viyuga (SS-N-15). Theo trang mạng Công nghệ-Hải quân, "mỗi tên lửa SS-N-15 có tải trọng như một ngư lôi Type-40 hoặc bom chìm hạt nhân 90R. Tên lửa này có thể tấn công tàu ngầm đối phương trong phạm vi 45km trong khi di chuyển với tốc độ Mach 0,9 (tương đương 0,9 lần tốc độ âm thanh)”.
Hiện có 3 chiếc tàu ngầm lớp Borei hoạt động trong Hải quân Nga. Chiếc đầu tiên, K-535 Yuriy Dolgorukiy, được đưa vào biên chế tháng 1/2013 và hiện đang phục vụ trong Hạm đội Biển Bắc của Nga. Chiếc thứ 2, Vladimir Monomakh, được đưa vào hoạt động trong tháng 12/2014, dự kiến sẽ phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương trong năm nay. Chiếc tàu ngầm còn lại, Alexander Nevsky, đi vào hoạt động trong tháng 12/2013, gần đây đã tiến hành phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava ở bán đảo Kamchatka.
Tổng cộng, Hải quân Nga có kế hoạch xây dựng 8 chiếc tàu ngầm loại này (và có thể thêm 2 chiếc nữa) năm 2020. Chiếc tiếp theo trong lớp này, Knyaz Vladimir, được thiết kế nằm trong dự án 955A Borei II. Nó có thể được trang bị thêm 4 ống tên lửa bổ sung (nâng tổng số tên lửa nó có thể mang lên đến 20 quả) và hiện đang được xây dựng. Theo Đài RT, chiếc tàu ngầm phát triển sau sẽ có thân và buồng lái nhỏ hơn, các tín hiệu âm thanh được cải thiện và có độ ồn thấp. Chiếc thứ 5, Knyaz Oleg, được đặt lườn tại xưởng đóng tàu Sevmash vào tháng 7/2014.
Những chiếc tàu ngầm lớp Borei này sẽ phục vụ ít nhất tới năm 2040. Ông Tom Spahn từng nhận xét rằng đây là một loại tàu ngầm rất ấn tượng. Ông cũng lưu ý rằng "tàu ngầm lớp Borei sở hữu những thứ tốt nhất trong công nghệ tàu ngầm hiện đại, bao gồm độ ồn âm thanh thấp và sử dụng động cơ thủy lực tương tự như tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ".
Một chuyên gia trong lĩnh vực tác chiến chống ngầm lưu ý rằng Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể xây dựng một tàu ngầm hạt nhân có khả năng tránh được sự phát hiện của Mỹ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết hiện Nga đã gặp khó khăn về tài chính để hoàn thiện hạm đội tàu ngầm trên.
Theo: Báo Tin tức