Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, cho biết hiện nay khi kết nối LTE (mạng 4G) tại Việt Nam thường hao pin smartphone. Theo ông, bản thân công nghệ LTE không gây hao pin điện thoại so với 3G, lý do chính là mạng 4G mà các công ty viễn thông đang triển khai chưa được tối ưu. Việc này các kỹ sư Qualcomm đang phối hợp cùng các nhà mạng để tối ưu, sắp tới khi 4G triển khai rộng rãi sẽ đạt tốc độ cao nhất và không gây hao pin điện thoại.
Ông Thiều Phương Nam - Ảnh: H.Đ |
Trong buổi báo cáo tổng kết của Qualcomm năm 2016 diễn ra tại TP.HCM sáng 10/1, ông Thiều Phương Nam cho biết Qualcomm đang giúp tất cả các bên trong việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam, bao gồm nhà hoạch định chính sách, mạng di động, nhà sản xuất thiết bị lẫn nhà làm nội dung.
Đối với các nhà làm chính sách, Qualcomm đang tư vấn nhiều vấn đề, chẳng hạn phải cung cấp thêm băng thông cho mạng 4G, và cả 5G sắp tới nhằm bảo đảm tốc độ kết nối tối ưu. Trong đó, có thể dành giải tần số 2.300MHz-2.600MHz cho dịch vụ mạng tốc độ cao.
Đối với các nhà mạng, bên cạnh việc cần tối ưu 4G để tiết kiệm pin cho smartphone như đã nói ở trên, ông Nam cho biết cũng đang tư vấn làm sao để người dùng chấp nhận sử dụng mạng 4G, và chuyển đổi nhiều người đang dùng từ 2G lên 4G. Vì mạng 4G, vốn được các nhà mạng đầu tư hàng tỷ USD, cần được tận dụng tối ưu trong quá trình triển khai.
Cùng với việc tất cả các mạng đang đồng loạt triển khai mạng LTE tại nhiều thành phố lớn, các smartphone sử dụng được 4G cũng đang được bán rộng rãi tại Việt Nam. Năm 2015, tỷ lệ smartphone dùng 4G chỉ ở mức 15% so với tổng smartphone toàn thị trường, nhưng đến năm 2016, tỷ lệ này lên đến 65%. Thêm vào đó, theo ông Nam, nhiều smartphone dưới 2 triệu đồng hiện nay tại Việt Nam cũng đã được hỗ trợ 4G.
Có mặt trong sự kiện sáng 10/1, ông Patrick Tsie - Giám đốc cấp cao phụ trách tiếp thị công nghệ Qualcomm – cũng giới thiệu về vi xử lý Snapdragon mới nhất của hãng. Ông Patrick cho biết vi xử lý mới sẽ được tích hợp trên nhiều dòng smartphone cao cấp sắp ra mắt thời gian tới.
Chipset Snapdragon 835 sử dụng công nghệ 10nm - vi xử lý đầu tiên dùng công nghệ này. Chipset mới của Qualcomm không chỉ dùng cho smartphone mà có thể dùng cho các thiết bị VR, ô tô, máy tính Windows.
Ông Patrick cho biết với công nghệ 10nm, chipset mới của Qualcomm có kích thước nhỏ hơn so với vi xử lý dùng công nghệ 25nm. Điều này sẽ làm cho smartphone mỏng nhẹ hơn, đồng thời tiết kiệm pin và nâng cao các hiệu năng xử lý của thiết bị.
Snapdragon 835 có kích thước nhỏ hơn so với Snapdragon 820/821 - hai chipset thế hệ trước - Ảnh: H.Đ |
Snapdragon 835 cho khả năng tiết kiệm pin hơn 25% so với các smartphone chạy Snapdragon 820/821. Với công nghệ mới, pin thiết bị có thể kéo dài thêểm giờ cho một ngày sử dụng so với thông thường. Bên cạnh đó, chipset mới cũng được tích hợp công nghệ sạc nhanh 4.0, cho phép sạc 5 phút dùng thêm 5 giờ.
Tương tự, vi xử lý mới của Qualcomm sẽ gia tăng khả năng xử lý đồ họa cho các thiết bị VR lên 25% so với thế hệ vi xử lý trước. Vi xử lý này cũng hỗ trợ Tango - công nghệ tăng cường thực tế ảo của Google, vốn được tích hợp trên các smartphone của Lenovo và Asus mới được giới thiệu gần đây.
Snapdragon 835 cũng gia tăng khả năng xử lý VR, chẳng hạn khi người đeo thiết bị quay sang trái phải thì thiết bị sẽ đáp ứng tức thời, gia tăng khả năng trải nghiệm thực tế của người dùng.
Khi được sử dụng trên smartphone hay các thiết bị tương tự, vi xử lý của Qualcomm sẽ gia tăng khả năng chụp ảnh và quay video. Camera sẽ được tăng cường khả năng ổn định hình ảnh khi chụp, quay, đồng thời hỗ trợ việc zoom quang của máy mượt mà hơn. Việc lấy nét cũng được tăng cường, nhanh và chính xác hơn. Camera xử lý noise (nhiễu ảnh) tốt hơn.
Để bảo vệ an toàn cho smartphone, vi xử lý mới có thể thực hiện các khả năng khóa máy bằng vân tay, mắt ,giọng nói, khuôn mặt. Với mức độ an toàn này, dữ liệu trên máy sẽ được bảo vệ an toàn, cùng với đó các smartphone tích hợp khã năng thanh toán cũng sẽ bảo mật hơn.
Theo ICTNews