Phần 1: Tỉ phú tỉ đô hỏi chuyện những tỉ phú tỉ đô khác: "Không có đường tắt đến thành công!"
David Rubenstein gặp Jeff Bezos năm 1995 tại văn phòng vô cùng khiêm tốn của Amazon ở Seattle. Kể từ đó, Jeff đã viết lại thế giới bán lẻ và khám phá không gian máy tính, trở thành người giàu nhất hành tinh, một trong những cá nhân nổi tiếng nhất. Giá trị thị trường của Amazon đã vượt quá 1 nghìn tỷ đô la, với hơn 840,000 nhân viên chính thức và bán thời gian vào đầu năm 2020, một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới.
Ngoài vai trò ông chủ Amazon, Jeff Bezos còn là người sáng lập hãng du hành vũ trụ Blue Origin và chủ sở hữu tờ Washington Post.
Jeff đã tiết lộ một vài bí mật trong cuộc phỏng vấn với David Rubenstein vào tháng Chín năm 2018: Sẵn sàng nắm lấy cơ hội và thất bại, tập trung vào dài hạn, đặt khách hàng lên trên hết, có giấc ngủ trọn đêm, không ra quyết định quan trọng quá sớm hay quá muộn trong ngày, và có cha mẹ luôn ủng hộ.
“Nếu chỉ cần đi theo công thức này là đủ thì có lẽ thế giới đã có nhiều Jeff Bezos và Amazon hơn. Tôi nghĩ rằng, còn có một vài bí kíp nữa – những thứ chỉ riêng Jeff Bezos mới có”, David Rubenstein kể lại.
Từ bỏ ước mơ trở thành nhà vật lý lý thuyết
David Rubenstein: Từ hồi còn nhỏ, ông đã là một học sinh thông minh đúng không?
Jeff Bezos: Tôi luôn học giỏi. Nhưng càng có tuổi, tôi càng nhận ra có biết bao dạng thông minh. Và cũng có bấy nhiêu kiểu ngu ngốc. Tôi đã gặp nhiều người có thể không được A+ trong các kì thi toán nhưng vô cùng thông minh.
Ông được chọn làm đại diện học sinh phát biểu trong lễ tốt nghiệp. Ông đã quyết định đến Princeton như thế nào?
- Tôi đã muốn trở thành một nhà vật lý lý thuyết, vì vậy tôi đến Princeton học. Tôi được nhận vào chương trình vật lý chất lượng cao, khởi đầu với khoảng 100 sinh viên. Đến giai đoạn vật lý lượng tử thì lớp chỉ còn khoảng 30 người.
Vậy là tôi theo chuyên ngành vật lý lượng tử, và tôi cũng lấy một số lớp học về khoa học máy tính và kỹ thuật điện tử, những môn tôi cũng yêu thích. Và rồi một ngày nọ, tôi không thể giải được một phương trình vi phân riêng phần.
Jeff Bezos từng là một học sinh giỏi và có ước mơ trở thành nhà vật lý lý thuyết xuất sắc. Ảnh: Getty
|
Tôi và bạn cùng phòng, Joe, một người rất giỏi toán vật lộn suốt 3 giờ đồng hồ mà không tìm ra đáp án. Cuối cùng, chúng tôi nhìn nhau qua chiếc bàn và cùng thốt lên “Yasantha”, bởi vì Yasantha là sinh viên thông minh nhất ở Princeton.
Chúng tôi sang phòng Yasantha nhờ giải hộ bài toán. Anh ta nhìn nó một lúc rồi nói “Cosine”. “Ý bạn là gì? Cosine là đáp án à”. “Đúng vậy, để tôi chỉ cho các bạn xem”. Anh ta viết đầy ba trang giấy các công thức tính toán. Mọi thứ hiện rõ và đáp án là Cosine.
Tôi hỏi, “Yasantha, bạn đã làm điều đó chỉ trong đầu thôi à?”. Anh ta trả lời, “Không, điều đó là không thể. Cách đây ba năm, tôi đã giải một vấn đề tương tự và tôi có thể kết nối vấn đề này đến vấn đề đó, và rồi câu trả lời hiển nhiên là Cosine.”
Đó là một khoảnh khắc quan trọng trong đời tôi, bởi vì đó là lúc tôi nhận ra tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà vật lý lý thuyết nổi trội.
Trong ngành vật lý lý thuyết, bạn phải là một trong 50 người hàng đầu trên thế giới, hoặc bạn sẽ chẳng làm được gì nhiều. Tôi nhanh chóng quyết định đổi sang chuyên ngành kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính.
Quyết định lớn bằng trái tim
Và rồi ông ra trường, đi làm cho một ngành thời thượng – tài chính?
- Đúng vậy. Tôi đến New York và làm việc cho một quỹ đầu tư mạo hiểm do một người cực kỳ thông minh là David Shaw điều hành. Tôi bắt đầu ở đó khi mới chỉ có 30 người. Khi tôi rời đi, công ty có 300 nhân viên.
David vẫn là một trong những người thông minh nhất mà tôi từng gặp. Tôi đã học hỏi rất nhiều từ ông ấy. Tôi sử dụng rất nhiều ý tưởng và các nguyên tắc của ông ấy trong những lĩnh vực như nhân sự và tuyển dụng.
Ông đã là một ngôi sao ở đó. Tôi hiểu. Vậy điều gì khiến ông quyết định từ bỏ công việc đầy hứa hẹn trong lĩnh vực tài chính, để đi thành lập một công ty bán sách trên Internet? Ý tưởng đó đã đến từ đâu?
- Hồi đó là năm 1994. Rất rất ít người biết về Internet. Khi đó chỉ có các nhà khoa học mới sử dụng nó. Chúng tôi có dung Internet một ít ở D.E Shaw (quỹ đầu tư mạo hiểm mà Jeff Bezos làm việc khi đó), nhưng không nhiều.
Tôi tình cờ biết được một chi tiết là World Wide Web tăng trưởng 2.300 %một năm. Đó là năm 1994. Bất kỳ cái gì tăng trưởng nhanh đến thế đều sẽ trở nên to lớn. Tôi nhìn vào điều đó và kiểu như “Mình nên tìm ra một ý tưởng kinh doanh nào đó và triển khai nó trên Internet, và để Internet tăng trưởng xoay quanh chúng ta.”
Tôi lập một danh sách những sản phẩm mà tôi có thể bán online. Tôi bắt đầu xếp hạng chúng và tôi chọn sách. Ở khía cạnh nào đó, sách là một hạng mục rất bất thường bởi vì có nhiều đầu sách hơn bất kỳ thứ gì. Chẳng hạn, trên thế giới có 3 triệu loại sách in khác nhau. Do đó, ý tưởng nền tảng của Amazon là xây dựng một bộ sưu tập toàn cầu các loại sách. Nhà sách lớn nhất thế giới khi đó chỉ có 150 nghìn đầu sách.
Vậy đó là những gì tôi đã làm. Tôi thuê một team nhỏ, chúng tôi xây dựng phần mềm, và tôi chuyển đến Seattle.
Ông bảo với bố mẹ là sẽ bỏ công việc hấp dẫn, kiếm ra nhiều tiền và tương đối thành công ở David.E.Shaw. Ông bảo với vợ mình sẽ di cư sang đầu bên kia đất nước. Họ đã nói gì?
- Họ ủng hộ tôi ngay lập tức sau khi hỏi “Internet là gì?”. Với những người thân yêu, bạn đặt cược vào họ. Bạn không đặt cược vào ý tưởng, bạn đặt cược vào con người.
Khi tôi nói với sếp tôi, David Shaw, về kế hoạch này, chúng tôi đang đi dạo ở công viên Central. Sau khi lắng nghe một lúc lâu, David bảo tôi, “Tôi nghĩ anh đang có một ý tưởng tốt. Nhưng đó sẽ là ý tưởng tốt hơn cho những ai chưa có một công việc tốt.” Ông ấy thuyết phục tôi nghĩ về điều đó trong hai ngày trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đó là một trong những quyết định mà tôi đưa ra bằng trái tim mình, chứ không phải bằng cái đầu. Tôi chỉ đơn giản nói rằng, “Khi tôi 80, tôi muốn giảm thiểu tối đa những điều tiếc nuối trong đời mình.”
Hầu hết những điều hối tiếc của chúng ta là những gì mà chúng ta đã bỏ qua. Những gì mà chúng ta đã không chịu thử. Đó là con đường chưa từng ai đi. Đó là những gì ám ảnh chúng ta.
“Jeff Bezos, tôi cần một bộ cần gạt mưa”
Tôi nhớ là khi gặp ông lần đầu (năm 1995), ông bảo tôi rằng ông sẽ tự mình chuyển sách ra bưu điện...
- Tôi đã làm điều đó hàng năm trời. Tháng đầu tiên, tôi tự tay đóng gói bưu phẩm và quỳ trên sàn xi măng cứng, bên cạnh những người khác đang quỳ bên cạnh làm việc. Tôi bảo, “Anh có biết chúng ta cần gì không? Miếng đệm bảo vệ đầu gối. Việc này đang giết chết đầu gối của tôi.” Người đàn ông đang đóng đồ bên cạnh tôi đáp lại “Chúng ta cần những chiếc bàn để đóng gói hàng.” Tôi nói: “Ồ, đó là ý tưởng xuất sắc nhất mà tôi từng được nghe.”
Ngày hôm sau, tôi đến và mang theo bàn đóng gói, và năng suất của chúng tôi tăng gấp đôi.
Tỉ phú David Rubenstein hỏi chuyện tỉ phú Jeff Bezos. Ảnh: Getty
|
Cái tên Amazon đến từ đâu?
- Từ tên con sông lớn nhất Trái Đất, sự lựa chọn lớn nhất của Trái Đất.
Nếu ông chỉ bán sách thì ngày nay ông đã không trở thành người giàu nhất thế giới. Ông nảy ra ý tưởng bán các thứ khác khi nào?
- Sau sách, chúng tôi bắt đầu bán nhạc, và rồi các video. Rồi tôi nảy ra ý tưởng và gửi email ngẫu nhiên cho một ngàn khách hàng, hỏi họ rằng, “Bên cạnh những thứ chúng tôi đang bán, bạn muốn thấy chúng tôi bán thêm những gì nữa?”
Câu trả lời chúng tôi nhận được là một danh sách rất dài. Về cơ bản, cách họ trả lời câu hỏi là bất kỳ thứ gì mà họ đang tìm kiếm vào lúc đó. Tôi nhớ một trong các câu trả lời là, “Tôi ước gì anh bán bộ cần gạt mưa ô tô bởi vì tôi thực sự cần chúng.”
Tôi đã nghĩ, “Chúng ta có thể bán bất kì thứ gì theo cách này.” Sau đó, theo thời gian chúng tôi khai trương mặt hàng điện tử, đồ chơi và nhiều hạng mục khác. Ông đã đọc bản kế hoạch kinh doanh ban đầu và ông thấy đấy, chỉ có sách thôi.
Đối diện thách thức bong bóng cổ phiếu vỡ
Cổ phiếu của ông đã từng tăng vọt đến 100 đô la, rồi tụt xuống 6 đô la?
- Vào thời đỉnh cao của bong bóng Internet, cổ phiếu của chúng tôi tăng vọt lên đâu đó 113 đô la. Sau đó, bong bóng vỡ, cổ phiếu của Amazon tụt xuống 6 đô la, chỉ trong vòng một năm. Tôi nhớ thư cổ đông năm đó mở đầu bằng một câu chỉ có một từ: “Trời ơi!”
Hầu hết các công ty Internet của kỷ nguyên dot.com đều đã biến mất. Vậy điều gì đã giúp ông trụ lại trong khi tất cả đều phá sản?
- Toàn bộ thời kì đó rất thú vị, bởi vì cổ phiếu không phải là công ty và công ty không phải là cổ phiếu. Khi tôi theo dõi cổ phiếu công ty lao dốc từ 113 đô la xuống còn 6 đô la, tôi cũng theo dõi tất cả các chỉ số kinh doanh nội bộ, số lượng khách hàng, tỉ suất lợi nhuận, mọi thứ mà ông có thể hình dung ra. Tất cả những chỉ số về kinh doanh đều đang được cải thiện tốt hơn và tăng trưởng nhanh chóng.
Vì vậy, khi giá cổ phiếu đi sai đường, mọi thứ bên trong công ty vẫn đi đúng hướng. Chúng tôi không cần phải quay trở lại thị trường vốn nữa, bởi vì chúng tôi không cần thêm tiền. Một cuộc đổ vỡ tài chính như cú vỡ bong bóng Internet khiến cho việc gọi vốn thực sự khó khăn, nhưng chúng tôi đã có được lượng tiền mà mình cần. Chúng tôi chỉ cần tiếp tục tăng trưởng.
Tôi nhớ giới đầu tư phố Wall nhắc đi nhắc lại rằng, “Amazon không làm ra tiền. Họ chỉ thu hút được khách hàng. Vậy lợi nhuận ở đâu?” Giới đầu tư phố Wall không ngừng chỉ trích ông về điều này. Phản ứng của ông lúc đó là: “Tôi thực sự chẳng quan tâm các ông nghĩ gì.”
- Tôi nhớ tôi lên truyền hình cùng Tom Brokaw. Ông ta tập hợp khoảng nửa tá doanh nhân các công ty Internet thời kì đó. Cuộc phỏng vấn diễn ra ngay trước khi bong bóng vỡ.
Sau khi hỏi chuyện những người khác xong, ông ấy quay ra hỏi tôi, “Ông Bezos, liệu ông có đánh vần nổi từ profit (lợi nhuận) hay không?”. (Tom giờ thì là một người bạn tốt của tôi). Tôi nói, “Chắc chắn rồi. P-r-o-p-h-e-t.” Và ông ta phá ra cười.
Mọi người luôn luôn buộc tội chúng tôi bán một đô la đổi lấy 90 xu, và nói, “Nhìn xem, bất kỳ ai cũng có thể làm điều đó và có doanh thu tăng trưởng.” Nhưng đó không phải là những gì chúng tôi làm khi đó. Chúng tôi luôn có biên lợi nhuận dương. Đó là chi phí kinh doanh cố định. Những gì tôi có thể thấy từ các chỉ số nội bộ là tại một mức doanh số nhất định, chúng tôi sẽ đủ trang trải chi phí cố định và công ty sẽ bắt đầu có lãi.
Trụ sở của tập đoàn Amazon, đế chế bán lẻ lớn nhất thế giới hiện nay tại Seattle. Ảnh: Getty
|
Lịch trình một ngày của người giàu nhất thế giới
Ông không thích họp trước 10 giờ sáng?
- Không
Ông muốn ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày?
- Tôi đi ngủ sớm. Tôi dậy sớm. Tôi muốn thư giãn vào buổi sáng. Tôi thích đọc báo. Tôi thích uống cà phê. Tôi thích ăn sáng với lũ trẻ trước khi chúng tới trường.
Do vậy, tôi luôn có thời gian thư giãn, bởi điều đó rất quan trọng đối với tôi. Đó là lý do vì sao tôi xếp lịch các cuộc họp bắt đầu từ 10 giờ. Tôi muốn họp các cuộc họp “mệt óc” trước bữa trưa. Bất kì điều gì đòi hỏi phải tư duy nhiều đều nên được xếp vào các cuộc họp lúc 10 giờ sáng.
Vào lúc 5 giờ chiều, tôi sẽ rơi vào trạng thái kiểu như, “Tôi không thể nghĩ về điều đó hôm nay nữa. Hãy thử lại vào ngày mai, lúc 10 giờ sáng.” Tôi cần giấc ngủ đủ 8 tiếng vì tôi sẽ suy nghĩ tốt hơn, có nhiều năng lượng hơn và tâm trạng cũng phấn chấn hơn.
Và hãy nghĩ về điều này – là một nhà quản lý cấp cao, bạn được trả lương để thực sự làm điều gì? Bạn được trả tiền để đưa ra một số ít quyết định chất lượng cao. Công việc của bạn không phải là để ra hàng ngàn quyết định mỗi ngày. Nếu tôi ra được ba quyết định tốt một ngày, thế là đủ. Warren Buffet nói rằng ông ấy ổn nếu ông có thể đưa ra ba quyết định tốt mỗi năm. Tôi thực sự tin vào điều đó.
Tất cả các nhà quản lý cấp cao của tôi đều vận hành theo cách tương tự tôi. Họ làm việc trong tương lai, họ sống trong tương lai. Không một ai trong số những người phải báo cáo với tôi cần phải thực sự tập trung vào quý hiện tại.
Chúng tôi sẽ có một hội nghị quý tốt hay gì đó, và phố Wall sẽ thích kết quả kinh doanh quý của chúng tôi. Người ta sẽ dừng tôi lại và nói: “Chúc mừng ông có kết quả kinh doanh quý rất tốt,”. Và tôi nói, “Cảm ơn.” Nhưng những gì tôi thực sự nghĩ làQ “Quý đó đã được chuẩn bị từ ba năm trước.”
Hãy nói với tôi quan điểm của ông về việc xây dựng và ra quyết định?
- Mọi thứ tôi từng làm đều khởi đầu từ quy mô nhỏ bé. Amazon khởi nghiệp với một vài người. Blue Origin (công ty về vũ trụ) bắt đầu với 5 người. Ngân sách cho Blue Origin rất rất nhỏ. Giờ đây, ngân sách của nó mỗi năm gần 1 tỉ đô la. Năm tới, nó sẽ vượt 1 tỉ đô.
Amazon bắt đầu với 10 người và bây giờ là nửa triệu nhân viên. Đối với tôi, mọi thứ dường như mới ngày hôm qua thôi. Tôi đang lái xe đem các gói bưu kiện đến bưu điện và hi vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể đủ tiền mua một chiếc xe nâng hàng hóa.
Bên trong một văn phòng của Amazon. Số nhân viên của Amazon hiện lên đến 850,000 người.
|
Tôi đã chứng kiến những điều nhỏ bé trở nên vĩ đại. Tôi thích đối xử với mọi thứ như thể chúng nhỏ bé. Ngay cả khi Amazon là một công ty lớn, tôi vẫn muốn nó có trái tim và tinh thần của một doanh nghiệp nhỏ.
Tất cả những quyết định tốt nhất trong kinh doanh và trong cuộc đời tôi đều được đưa ra bằng trái tim, bằng trực giác, chứ không phải bằng phân tích lí tính.
Khi bạn có thể ra quyết định thông qua việc phân tích, bạn nên làm thế. Nhưng cuộc sống cho thấy rằng tất cả những quyết định quan trọng nhất của bạn luôn được đưa ra bằng bản năng, trực giác, sở thích và trái tim.
Hãy nói thêm về vai trò của cha mẹ ông?
- Một trong những món quà lớn nhất cuộc đời cho tôi là cha mẹ tôi. Sự ngưỡng mộ lớn nhất tôi dành cho những người đó – tôi biết một vài người có cha mẹ thật tệ. Nhưng tôi không rơi vào trường hợp đó. Cha mẹ luôn yêu thương tôi một cách vô điều kiện.
Mẹ tôi có tôi khi mới 17 tuổi và còn đang là học sinh trung học ở Albuquerque, bang New Mexico. Tôi khá chắc chắn rằng vào chẳng dễ dàng gì cho một nữ sinh trung học mang thai vào thời điểm năm 1964 ở thị trấn Albuquerque.
Ông ngoại tôi, một người cực kì quan trọng khác trong đời tôi, đã đấu tranh bảo vệ mẹ tôi đến cùng bởi vì trường học muốn đuổi bà. Thời đó, bạn không được phép mang thai khi đang đi học. Họ thương lượng với trường và sau cùng bà hiệu trưởng đồng ý cho mẹ tôi học tiếp. Bà hoàn tất việc học phổ thông và có tôi.
Sau đó bà cưới cha tôi – người cha thực sự của tôi, chứ không phải là người cha đẻ ra tôi. Tên ông ấy là Mike, một người nhập cư gốc Cuba. Ông giành được học bổng học đại học ở Albuquerque, nơi ông gặp mẹ tôi.
Bởi vậy, có thể nói, tôi có một câu chuyện cổ tích. Kể từ khi lên bốn, cứ mỗi mùa hè, ông ngoại mang tôi về trang trại nuôi gia súc của mình. Và đó là điều tuyệt diệu nhất đối với tôi. Từ năm 4 tuổi cho đến khi 16 tuổi, tôi đều trải qua mùa hè làm việc cùng ông ở trang trại gia súc.
Ông là người đàn ông phi thường, và là một phần lớn trong cuộc đời của tất cả chúng tôi. Bạn không nhận ra điều đó, cho đến khi bạn nhìn lại, mới thấy, bố mẹ quan trọng đến nhường nào. Và ông ngoại tôi giống như người cha thứ hai vậy./.
Kỳ tới: Từ “Con mọt sách” Bill Gates đến tỷ phú thiện nguyện vĩ đại nhất
Câu chuyện của Bill Gates đã quá nổi tiếng nhưng vẫn tiếp tục hấp dẫn độc giả: Bill là một “con mọt sách” ngành máy tính và phần mềm, người đã bỏ học Harvard vào năm 1975 để cùng với Paul Allen thành lập một công ty cung cấp phần mềm cho các máy tính mà mọi người về sau sẽ sở hữu.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu