Iran cảnh báo OPEC “có thể chết“

VietTimes -- Bộ trưởng Dầu mỏ Iran đã lên tiếng cảnh báo về tương lai của OPEC trong bối cảnh Arab Saudi và Nga dường như đang nắm quyền thống trị tổ chức này.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cảnh báo về tương lai của OPEC (Ảnh: Getty)
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cảnh báo về tương lai của OPEC (Ảnh: Getty)

OPEC và các đồng minh của mình đang lên kế hoạch gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày sang năm tới, sau khi Iran nói rằng họ sẽ không ngăn chặn thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman dự kiến hoàn tất vào cuối tuần này. Vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo Nga và Arab Saudi đã gặp nhau bên lề cuộc họp G20 tại Osaka, Nhật Bản. Sau đó, cả Moscow và Riyadh đều báo hiệu rằng cả hai ủng hộ việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 9 tháng nữa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cảnh báo rằng tương lai của OPEC sẽ nằm trong tay khối liên minh Nga-Arab Saudi, trong khi các thành viên khác trong khối sẽ bị gạt ra ngoài lề.

"Tôi không có vấn đề gì với kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu hơn" - ông Zanganeh nói trước báo giới trước cuộc họp tổ chức tại Vienna (Áo) trong đó các thành viên OPEC nhất trí kéo dài thỏa thuận thêm 9 tháng - "Vấn đề của tôi là chủ nghĩa đơn phương... đang đe dọa tới sự tồn tại của OPEC. OPEC có thể chết".

Bình luận của ông Zanganeh xuất hiện trong bối cảnh OPEC và các đồng minh đang gặp khó trong việc ấn định mức giá dầu trung bình thấp hơn so với năm 2018, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đang ảnh hưởng tới sản lượng dầu của các thành viên OPEC như Venezuela và Iran và việc khối này cắt giảm sản lượng.

Nga, không phải một thành viên OPEC, đã hợp tác với khối này kể từ cuối năm 2016 trong lúc OPEC nỗ lực điều chỉnh để đối phó với việc Mỹ tăng xuất khẩu dầu đá phiến. Nga dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận trong tuần này. Nhưng việc thắt chặt mối quan hệ dầu mỏ với Arab Saudi - nước xuất khẩu lớn nhất trong OPEC và là kình địch của Iran ở Trung Đông - Moscow và Riyadh đang bị cho là giành quyền thống trị ở OPEC.

Để giảm nhẹ mối quan ngại này, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih nói: "Chúng tôi luôn tôn trọng tất cả các nước thành viên, nhưng có một thực tế rằng Arab Saudi và Nga là hai nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất". Mọi quốc gia thành viên đều nhất trí về việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng và không có thành viên nào "chỉ đạo" hành động ở đây cả - ông Khalid khẳng định.

"Diễn biến trong tuần này đã cho thấy ai là sếp ở đây" - Roger Diwan, chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu thị trường IHS Market, nói - "Rõ ràng là Nga và Arab Saudi đang thống trị OPEC. Trong OPEC, một số nước thành viên rõ ràng là không còn trọng lượng như họ từng có... do các lệnh trừng phạt cùng các vấn đề sản lượng hoặc do bất ổn trong nước".

Các tín hiệu về thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng dầu sắp hoàn tất đã đẩy giá dầu Brent lên 2,9% trong hôm đầu tuần, ở mức 66,75 USD/thùng; một phần khác là nhờ giảm thang căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Nhưng mức giá này sau đó lại giảm ngay trong ngày.

Thị trường dầu thế giới tiếp tục đối diện với những làn gió mới, trong đó có nhiều quan ngại về dự báo tăng mức trưởng thấp toàn cầu, sản lượng dầu tăng mạnh của Mỹ - nước đã trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới khi sản lượng tăng gấp đôi lên 12 triệu thùng/ngày trong vòng 1 thập kỷ qua. Dù được hỗ trợ nhờ thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày của Nga-Arab Saudi, nhưng giá dầu vẫn không thể vượt qua được mức 70 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn mức mà Arab Saudi mong muốn để cân bằng ngân sách của họ trong bối cảnh vương quốc này đang phải rót vốn vào các chương trình cải cách hao tiền tốn của.

Theo Financial Times