Huawei đang đẩy mạnh hoạt động 5G tại Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây xa lánh, Huawei đang quay lại Đông Nam Á bằng các hoạt động phát triển 5G và điện toán đám mây.

Huawei gần đây đã ký thỏa thuận với Indonesia để phát triển nhân tài trong công nghệ 5G và các lĩnh vực liên quan cho nước này. Công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc sẽ hỗ trợ đào tạo 100.000 nhân lực thành thạo công nghệ số, chủ yếu ở lĩnh vực điện toán đám mây và 5G cho Indonesia.

Smartphone Huawei khá phổ biến tại Indonesia. Ảnh: Koya Jibiki.
Smartphone Huawei khá phổ biến tại Indonesia. Ảnh: Koya Jibiki.

Đối với Indonesia, việc bắt tay với Huawei là thỏa thuận đầu tiên của chính phủ với một công ty viễn thông Trung Quốc về 5G. "Với sự giúp đỡ của Huawei, chúng tôi kỳ vọng sẽ nâng cấp nguồn nhân lực của mình đạt chuẩn quốc tế", một nguồn tin thân cận với văn phòng Tổng thống Indonesia, cho biết. "Huawei cũng sẽ hợp tác với một cơ quan thuộc chính phủ Indonesia để thúc đẩy sự phát triển về AI và 5G".

Ngoài ra, Huawei sẽ hợp tác với Indosat Ooredoo, công ty viễn thông lớn thứ hai ở Indonesia, để lắp đặt cơ sở hạ tầng 5G ở khu vực thủ đô Jakarta và các khu vực khác. Hệ thống mạng thế hệ mới sẽ dùng SRv6, một tiêu chuẩn định tuyến phân đoạn giúp tăng cường kết nối. Indonesia cũng sẽ là nơi thương mại hóa 5G SRv6 đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai công ty viễn thông khác là Ericsson và Nokia cũng đã thực hiện thành công các thử nghiệm về 5G ở Indonesia. Tuy vậy, Huawei được ưu tiên hơn do "có giá thành rẻ hơn 20 đến 30% và chất lượng thiết bị phục vụ cho hạ tầng 5G ngày càng cải thiện".

Tại Thái Lan, Huawei đã thành lập một trung tâm R&D về 5G vào tháng 9 vừa rồi, chủ yếu hỗ trợ phát triển kỹ thuật cho các công ty khởi nghiệp. Công ty cũng chi 700 triệu baht (23 triệu USD) để xây dựng trung tâm dữ liệu thứ ba ở Thái Lan vào năm tới.

Hoạt động của Huawei tại Đông Nam Á diễn ra trong bối cảnh công ty đang bị một số nước phương Tây cấm vận. Động thái mới nhất đến từ Anh, khi nước này tuyên bố hôm 30/11 rằng sẽ không cho phép các nhà khai thác viễn thông trong nước lắp đặt thiết bị Huawei mới bắt đầu từ tháng 9/2021.

Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Nam Á đang tính đến các phương án sử dụng thiết bị 5G không phải của Huawei. Tại Singapore, ba hãng viễn thông hàng đầu đã chọn Ericsson và Nokia thay vì công ty Trung Quốc làm nhà cung cấp thiết bị 5G chính. Nhà mạng Viettel của Việt Nam cũng đang tự phát triển thiết bị 5G của riêng mình thay vì phụ thuộc vào các hệ thống do nước ngoài cung cấp.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng lực cản với Huawei ở Đông Nam Á yếu hơn so với Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, có rất ít sự phản kháng với công ty Trung Quốc tại châu Phi.

Theo ước tính của GSMA, chi phí đầu tư của các nhà khai thác viễn thông ở Đông Nam Á sẽ đạt tổng cộng 66 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2025. Quy mô này nhỏ hơn rất nhiều so với mức 282 tỷ USD ở Bắc Mỹ hay 181 tỷ USD ở châu Âu.

Tuy vậy, Đông Nam Á sẽ là thị trường rất quan trọng với sự tăng trưởng của Huawei thời gian tới. Theo Remy Pascal, nhà phân tích của Omdia (Anh), Đông Nam Á có "tiềm năng tăng trưởng tốt" và số lượng khách hàng của Huawei trong khu vực cũng rất lớn. "Khu vực này chưa có quan điểm thống nhất về Huawei", Pascal nhận định. "Theo đó, Đông Nam Á sẽ còn quan trọng hơn với hãng trong tương lai".

Huawei hiện dẫn đầu về cơ sở hạ tầng viễn thông 5G toàn cầu. Theo Omdia, công ty chiếm 44% thị phần toàn cầu trong quý II, cao gấp đôi vị trí thứ hai là Ericsson. Công ty đã hưởng lợi từ sự chính sách của Trung Quốc trong việc đầu tư vào 5G, cũng như nhu cầu lớn của người dùng tại "đất nước tỷ dân". Dù vậy, thị phần 5G của hãng tại các thị trường, như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ giảm mạnh thời gian tới.

Theo VnExpress