Hội thảo về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Cơ sở để hoàn tất hồ sơ trình UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng nay, 2/8, hội thảo “Lê Hữu Trác – thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng” do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của gần 500 đại biểu.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hội thảo do Bộ Y tế cùng UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam. Ông đã để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là “Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh” và nhiều tác phẩm liên quan đến y học, văn học… Di sản của ông để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành ngành y Việt Nam kế thừa, sử dụng, góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội thảo “Lê Hữu Trác – thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng”

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội thảo “Lê Hữu Trác – thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng”

Tại hội thảo, 41 bài nghiên cứu, trong đó 11 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, đều nhất trí khẳng định cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến.

Hội thảo “Lê Hữu Trác – thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng” thu hút gần 500 đại biểu

Hội thảo “Lê Hữu Trác – thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng” thu hút gần 500 đại biểu

Một vấn đề được đặt ra tại hội thảo là năm sinh – năm mất của ông hiện chưa thống nhất giữa các tài liệu của Bộ Y tế và các địa phương. Ông Phạm Quang Ái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa – đã bằng các nghiên cứu của mình, đặc biệt là dựa trên chính các tư liệu do Lê Hữu Trác viết, để khẳng định Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12/11 năm Giáp Thìn (27/12/1724) không phải năm 1720 như tư liệu lâu nay và mất ngày 15/1 năm Tân Hợi (17/2/1791), thọ 67 tuổi.

Ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế - cũng chỉ ra những “Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nền y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam”: Ông đã đúc kết hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng. Các y bác sỹ, lương y các thế hệ đã vận dụng những kiến thức và bài thuốc của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để điều trị cho bệnh nhân. Những bài thuốc của ông ngày nay đã được các nhà khoa học sử dụng các phương pháp hiện đại chứng minh tính hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong phòng và điều trị bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế và tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương, các cơ quan liên quan, các nhà nghiên cứu xây dựng, đệ trình, vận động hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác: “Việc xây dựng hồ sơ để UNESCO cùng kỷ niệm ngày sinh của Đại danh y của dân tộc mang ý nghĩa thiết thực và có tầm ảnh hưởng đối với nền y học cổ truyền nói riêng và nền y học nước nhà nói chung, cũng là nguồn động viên sâu sắc đối với toàn thể các cán bộ y tế đã và đang không ngừng mang sức lực, trí tuệ phục vụ cho công cuộc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, công cuộc xây dựng đất nước. Thành công của hồ sơ sẽ là niềm vinh dự, niềm tự hào và niềm vui chung của các địa phương cũng như của nhân dân Việt Nam, đồng thời, góp phần khẳng định vị trí và tầm vóc của con người Việt Nam trên thế giới”.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao chất lượng các tham luận, khi đã đưa ra các luận điểm luận cứ về năm sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng lịch sử.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Hưng Yên chủ trì hội thảo

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Hưng Yên chủ trì hội thảo

Việc xác định đúng năm sinh của Lê Hữu Trác góp phần đính chính một sự kiện trong tiểu sử của ông, đồng thời, góp phần nghiên cứu thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của đại danh y. Đây cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất với các cơ quan chức năng trong nước và các tổ chức quốc tế để lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông nhân kỷ niệm 300 năm sinh của ông vào 2024.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hội thảo đã ghi nhận các đóng góp to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với y học nói riêng và với văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung; tầm ảnh hưởng tư tưởng của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với Việt Nam khu vực và trên thế giới.

Hội thảo “Lê Hữu Trác – thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng”

Hội thảo “Lê Hữu Trác – thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng”

Vì thế, việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa Thế giới dự kiến vào năm 2024 là hành động thiết thực, có tầm ảnh hưởng to lớn với nền y học cổ truyền nói riêng và nền y học nước nhà nói chung. Đó còn là nguồn động viên sâu sắc với toàn thể cán bộ y tế đã và đang không ngừng đem sức lực và trí tuệ phục vụ công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị BTC hội thảo, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hưng Yên, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa Thế giới vào năm 2024 kịp tiến độ; tổng hợp các bài tham luận, các tài liệu, sau đó chỉnh lý bổ sung để xuất bản; phát động cuộc thi viết thì đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chuẩn bị các tài liệu nhằm vận động sự ủng hộ của các nước trong quá trình xét duyệt và thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trình UNESCO.