Dùng quân sự để đạt mục đích chính trị?
Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 24/12 dẫn báo chí Nhật Bản cho biết ngày 22/12 hội nghị nội các của Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Luật ngân sách năm tài khóa 2017. Trong đó, ngân sách quốc phòng dự kiến đạt khoảng 5.100 tỷ yên, tương đương 302 tỷ nhân dân tệ, lập kỷ lục mới trong lịch sử, liên tục tăng trong 5 năm qua và liên tục hai năm trên 5.000 tỷ yên.
Dương Bá Giang, Phó Trưởng phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ không dừng lại ở 5 năm tăng liên tục, mà 6 năm, 7 năm... tăng liên tục chắc chắn sẽ xuất hiện. Nhưng, so với Trung Quốc, sức mạnh cứng của Nhật Bản sẽ ngày càng không thể chiếm ưu thế.
Theo bài báo, sáng ngày 22/12 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì cuộc họp nội các, chính thức thông qua Luật ngân sách quốc gia năm tài khóa 2017.
Tổng ngân sách lập kỷ lục mới trong lịch sử, đạt 97.454 tỷ yên, tương đương khoảng 57.000 tỷ nhân dân tệ. Trong đó, ngân sách quốc phòng lên tới 5.125 tỷ yên, tăng 1,4% so với năm tài khóa trước, tiếp tục lập kỷ lục mới.
Theo nhà nghiên cứu Dương Bá Giang, trong ngân sách chung năm tài khóa 2017 của Nhật Bản, ngân sách về an sinh xã hội và quốc phòng tăng lên. Tăng trưởng của ngân sách an sinh xã hội là hợp lý, nhưng mức tăng chưa đạt được như mong muốn của dư luận Nhật Bản. Trong khi đó, tăng trưởng của ngân sách quốc phòng lại cao, gây "lo ngại".
Phương hướng tăng trưởng ngân sách quốc phòng lần này rất rõ ràng, đã nhằm vào hai phương hướng là đầu tư cho vũ khí trên biển và vũ khí tiên tiến. Đối tượng của những vũ khí này là các nước xung quanh Nhật Bản, trong đó có Trung Quốc - Dương Bá Giáng khẳng định.
Ngân sách quốc phòng năm 2017 của Nhật Bản bao gồm kinh phí cải tiến tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot-3, ứng phó Triều Tiên phóng tên lửa; kinh phí dành cho mua sắm tên lửa đánh chặn mới lắp cho tàu chiến, do Nhật - Mỹ cùng phát triển; và kinh phí dành cho tăng cường phòng thủ các đảo ở phương hướng tây nam xung quanh tỉnh Okinawa.
Ngoài ra, mặc dù gần đây một chiếc máy bay vận tải Osprey của Quân đội Mỹ đã xảy ra sự cố hạ cánh khẩn cấp ở thành phố Nago, tỉnh Okinawa, nhưng kế hoạch mua 4 máy bay vận tải Osprey vẫn bất ngờ xuất hiện trong ngân sách quốc phòng của Nhật Bản hiện nay. Không chỉ có vậy, kinh phí dành cho điều chỉnh Quân đội Mỹ cũng sẽ tăng so với 179 tỷ yên năm tài khóa 2016.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ cho rằng, phương hướng đầu tư của ngân sách quốc phòng Nhật Bản cho thấy Nhật Bản muốn liên kết chặt chẽ với Mỹ, tiếp tục tăng cường nền tảng kỹ thuật vững chắc trong hợp tác vũ khí tiên tiến Mỹ - Nhật, đồng thời còn có ý đồ tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản trong việc ứng phó với các vấn đề an ninh ở khu vực xung quanh như tăng điều lực lượng và triển khai vũ khí.
Theo nhà nghiên cứu Dương Bá Giang, trong tương lai, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục thúc đẩy tư duy nắm quyền "tăng cường sức mạnh quân sự", bởi vì ông Shinzo Abe chưa từng phản đối sử dụng sức mạnh quân sự để giành được vị thế nước lớn về chính trị. Những năm tới sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng là điều tất yếu.
Tăng cường phòng thủ đảo Senkaku
Trong luật ngân sách của Chính phủ Nhật Bản, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, một lực lượng đang được tăng cường "cơ chế cảnh giới" xung quanh đảo Senkaku, sẽ nhận được 210 tỷ yên, tăng khoảng 10 tỷ yên so với mức đề nghị, lập kỷ lục cao nhất.
Theo báo chí Nhật Bản, ông Shinzo Abe quyết định tăng ngân sách phòng thủ đảo Senkaku dành cho Lực lượng bảo vệ bờ biển, chế tạo tàu tuần tra trên biển cỡ lớn, mua thêm máy bay trinh sát theo dõi chuyên dụng, tăng cường phòng thủ đảo Senkaku.
Báo Nhật Bản cho rằng, năm 2016, Trung Quốc đã điều một lượng lớn tàu cảnh sát biển xâm phạm vùng biển xung quanh đảo Senkaku, do đó cần thiết tăng cường sức mạnh phòng thủ cho đảo Senkaku.
Do tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngày càng được chế tạo lớn hơn, Chính phủ Nhật Bản quyết định chế tạo một chiếc tàu tuần tra trên biển lớp 10.000 tấn có thể chở 100 người, chuyên cung cấp cho Vùng 11 của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, lực lượng phụ trách phòng thủ đảo Senkaku. Đồng thời, mua thêm một máy bay trinh sát theo dõi cho Vùng 11.
Chuyên gia Lý Lỵ cho rằng ngân sách dành cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ chủ yếu dùng cho tăng thêm một lực lượng chuyên trách đảo Senkaku 600 người và chế tạo tàu tuần tra cỡ lớn.
Lý Lỵ cho rằng, quy mô của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hiện nay đã "đủ lớn", đã vượt xa nhu cầu thực thi pháp luật trên biển. Năm 2016, ở vùng biển đảo Senkaku, lực lượng tàu thực thi pháp luật của Nhật Bản thực sự chiếm ưu thế nhất định.
Nhưng, những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai tàu tuần tra lớp 10.000 tấn ở biển Hoa Đông, vì vậy Nhật Bản cũng muốn tiến hành điều chỉnh tương ứng.
Ngoài ra, máy bay tuần tra động cơ phản lực mới cũng sẽ là trọng điểm chế tạo trong tương lai của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Loại máy bay này sẽ phụ trách công tác thực thi pháp luật cảnh giới trên không.
Dương Bá Giang cho rằng Nhật Bản bỏ ra nhiều công sức để xây dựng Lực lượng bảo vệ bờ biển, mục đích là nỗ lực duy trì cục diện không rơi vào bị động ở vùng biển đảo Senkaku, trên thực tế, điều này hoàn toàn không thể làm thay đổi hiện trạng đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay, sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng ở khu vực này.
Theo Dương Bá Giang, nếu muốn đấu nhau về sức mạnh cứng, trong tương lai Nhật Bản sẽ ngày càng không thể chiếm thế thượng phong, điều thực sự làm cho Trung Quốc coi trọng là những động thái của Nhật Bản trên các phương diện như chính sách ngoại giao an ninh.
Nhật Bản nỗ lực xây dựng đồng minh "Nhật - Mỹ + 1", tăng cường quan hệ chặt chẽ với các nước xung quanh Biển Đông, can thiệp mạnh mẽ chưa từng thấy vào Biển Đông. Tất cả những động thái này đều cho thấy Nhật Bản ý thức được sức mạnh cứng của họ chưa đủ, cần thông qua các biện pháp nêu trên để tăng cường khắc phục.