Hoạt động số hóa ngành dược đạt được nhiều kết quả tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc triển khai số hóa ngành dược đã đạt nhiều kết quả tích cực: Hoàn thành kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc ở 100% tỉnh/thành phố; xây dựng Ngân hàng dữ liệu ngành dược, phần mềm báo cáo tồn thuốc.
Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng mạnh tại các cơ sở y tế trong cả nước
Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng mạnh tại các cơ sở y tế trong cả nước

Theo “Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022” của Bộ Y tế với Chính phủ, riêng về công tác quản lý dược có nhiều chuyển biến tích cực.

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký cho biết: Thị trường dược phẩm tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị tăng từ 2,7 tỉ USD trong năm 2015 lên đến 6,2 tỉ USD vào năm 2020, dự báo đạt 13 tỉ USD vào năm 2026.

Số cơ sở bán lẻ thuốc tăng lên rõ rệt tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuốc thuận tiện hơn, hình thành mạng lưới cung ứng thuốc rộng khắp. Mật độ dân cư trên 1 cơ sở bán lẻ thuốc đã giảm từ 2.217 người xuống còn 1.564 người. So với số liệu quốc tế (4.182 người/cơ sở bán lẻ thuốc) cho thấy mức độ tiếp cận thuốc trong cộng đồng tại Việt Nam cao hơn nhiều mặt bằng chung quốc tế.

Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước gia tăng mạnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở các tuyến, khi đã tăng từ 46,62% năm 2013 lên 63,53% năm 2018. Tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước trung bình tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh đã có sự tăng trưởng rõ rệt, đến năm 2018 đạt trung bình 57,03%, cao hơn nhiều so với năm 2013 (34,11%). Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến huyện cũng tăng trưởng cao và đã đạt mức trung bình 76,62% vào năm 2018.

Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, cho biết: Thị trường dược phẩm tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh

Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, cho biết: Thị trường dược phẩm tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh

Hoạt động cấp phép, đăng ký lưu hành thuốc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trên thị trường cũng được đẩy mạnh. Tính đến ngày 10/11/2022, đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành: Bộ Y tế đã có quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành cho 748 thuốc và đang hoàn thiện thủ tục cấp cho 174 thuốc (đợt 179 bổ sung, đợt 181).

Đối với hồ sơ đề nghị gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành: Bộ Y tế đã có quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 1.072 thuốc, đang hoàn thiện thủ tục gia hạn cho 339 thuốc (đợt 179 bổ sung, đợt 181, đợt 111).

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 1.484 thuốc được gia hạn (tính cả thuốc đang hoàn thiện thủ tục gia hạn) trong tổng số 12.949 thuốc đã nộp hồ sơ. Trong đó, phần lớn các thuốc biệt dược gốc, thuốc tham gia đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã được xem xét ưu tiên giải quyết (đã gia hạn cho 399 thuốc của Eurocham/591 thuốc của các nước SRA/787 thuốc nước ngoài).

Tính đến hết tháng 11/2022, Bộ Y tế đã ban hành 4 đợt công bố danh mục gồm 10.156 thuốc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chưa thể hoàn thành thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành được phép sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Hoạt động cấp phép nhập khẩu từng bước được cải thiện, đảm bảo nguồn cung thuốc và vắc xin phòng COVID-19 cũng như các thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác.

Hoạt động cấp phép, đăng ký lưu hành thuốc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trên thị trường

Hoạt động cấp phép, đăng ký lưu hành thuốc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trên thị trường

Đặc biệt, công tác triển khai thực hiện số hóa ngành dược đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện đã hoàn thành kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc 63/63 tỉnh/thành phố; xây dựng Ngân hàng dữ liệu ngành dược cung cấp thông tin, dữ liệu của 44.119 thuốc đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam (bao gồm cụ thể hiệu lực giấy đăng ký lưu hành tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index;

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng Cơ sở dữ liệu về chứng chỉ hành nghề dược và cơ sở kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược (400 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 5.073 cơ sở bán buôn, 62.558 cơ sở bán lẻ thuốc) và 127.197 chứng chỉ hành nghề đã được cấp trên toàn quốc (địa chỉ: http://kd-hnduoc.dav.gov.vn)”.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng phần mềm báo cáo tồn thuốc, nguyên liệu làm thuốc để có cơ sở dữ liệu theo dõi nguồn cung của các thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam; xây dựng Cơ sở dữ liệu về mã định danh thuốc, hiện có khoảng 23.500 thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực.

Công tác thanh tra, kiểm tra trực tiếp về dược tại 52 cơ sở, bao gồm 2 cơ quan quản lý nhà nước; 3 khoa dược của bệnh viện; 9 cơ sở sản xuất thuốc; 20 cơ sở xuất nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 06 cơ sở bán lẻ thuốc; 12 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm).

Bộ Y tế đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 cơ sở dược với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dược. Tổng số tiền phạt 1.860.000.000 đồng.

Trong công tác công bố các danh mục phục vụ công tác đấu thầu thuốc, đăng ký thuốc, Bộ Y tế đã công bố định kỳ (5 đợt) danh sách hồ sơ đáp ứng GMP của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam với 1.128 hồ sơ đã tiếp nhận được xử lý.

Hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác dược, hậu kiểm về mỹ phẩm cũng được tăng cường, nhằm quản lý chặt chẽ thị trường này với việc thành lập 2 đoàn thanh tra, 11 đoàn kiểm tra về dược và 12 đoàn kiểm tra hậu kiểm về mỹ phẩm.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, một trong những mục tiêu trong năm 2023 của Bộ Y tế là đẩy mạnh phát triển ngành dược và trang thiết bị y tế với các nội dung: Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. Cải cách hành chính; thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế; hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hóa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.