Chuyển đổi số là nền tảng chiến lược tốt nhất để ngành Dược thay đổi và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngành Dược chậm hơn các ngành khác về marketing cũng như chuyển đổi số, nên phải “đuổi theo” người dùng, trong bối cảnh hiểu biết về thuốc và sức khỏe của người dân cao hơn sau đại dịch Covid-19.
Diễn đàn “Ngành Dược đổi mới sáng tạo, tối ưu điểm chạm khách hàng” thu hút khoảng 500 đại biểu
Diễn đàn “Ngành Dược đổi mới sáng tạo, tối ưu điểm chạm khách hàng” thu hút khoảng 500 đại biểu

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thành Danh - giảng viên Marketing và Quản trị y tế - tại Diễn đàn “Ngành Dược đổi mới sáng tạo, tối ưu điểm chạm khách hàng” diễn ra chiều 16/12, tại Hà Nội.

Diễn đàn PMASS 2022 có sự tham gia của các diễn giả dày dặn kinh nghiệm trong ngành Dược đang giữ vị trí quản lý tại các tập đoàn, công ty dược phẩm lớn trong nước và các nền tảng công nghệ lớn của quốc tế.

Xuất hiện nhiều “điểm chạm” trên nền tảng công nghệ số

Khai mạc Diễn đàn, bà Lê Phương Dung - Founder, CEO Học viện M&P, Pharmaco Agency, Trưởng Ban tổ chức PMASS 2022 - chia sẻ: Sự bùng nổ các nền tảng quảng cáo trong thời đại 4.0, nhất là hành vi mua sắm của người dùng trong ngành Dược đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch Covid-19, đã làm xuất hiện thêm các “điểm chạm” trên nền tảng công nghệ số thay thế cho những kênh truyền thông và vai trò của mỗi điểm chạm cũng dần hoán đổi, truyền hình dần yếu thế hơn Youtube, Facebook cũng đang thoái trào trước sự lên ngôi của Tik Tok.

Dẫn chứng một công ty không sử dụng các kênh truyền hình như truyền thống, mà dùng nền tảng youtube và đã có trên một tỷ người xem, bà Dung cho thấy ngành Dược cần phải có những bước đi phù hợp, nhất là khi Facebook siết chặt quảng cáo về dược, thực phẩm chức năng và sau đại dịch Covid-19, Tik Tok đã trở thành sân chơi của rất nhiều người.

Bà Lê Phương Dung - CEO Học viện M&P, Pharmaco Agency, Trưởng Ban tổ chức PMASS 2022 - thông tin: Đã xuất hiện thêm các “điểm chạm” trên nền tảng công nghệ số thay thế cho những kênh truyền thông

Bà Lê Phương Dung - CEO Học viện M&P, Pharmaco Agency, Trưởng Ban tổ chức PMASS 2022 - thông tin: Đã xuất hiện thêm các “điểm chạm” trên nền tảng công nghệ số thay thế cho những kênh truyền thông

Một kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò của người dùng có vị thế rất lớn, không phải là bác sĩ quyết định như trước đây. Vì thế, bà Lê Phương Dung nhấn mạnh: Để phát triển ngành Dược bền vững, phải coi trọng cảm nhận của khách hàng, bởi các đối thủ cạnh tranh chỉ cách có một cú click chuột.

Bà Lê Phương Dung dẫn một khảo sát mới về hành vi của người dùng khi mua men vi sinh Probiotin và sản phẩm dành cho xương khớp, đã cho thấy những người có ảnh hưởng trực tiếp đến người mua là bác sĩ, tiếp đó là tư vấn cộng đồng và mạng xã hội; thông tin trên nền tảng trực tuyến, các bài báo trên các báo lớn vv… Những người nổi tiếng đã không còn được tin cậy sau những quảng cáo sai sự thật và bị xử lý. 2 yếu tố khiến người dùng thường bỏ sản phẩm là chất lượng và giá cả.

Marketing và chuyển đổi số còn chậm

Ths.BS. Nguyễn Thành Danh – Tổng Giám đốc hãng Dược phẩm Pháp Besins Healthcar, giảng viên Marketing và Quản trị y tế - cho biết: Ngành Dược khá truyền thống và chậm hơn các ngành khác về marketing cũng như chuyển đổi số, vì tính đặc trưng ngành, các rào cản kỹ thuật - pháp lý và chuyên môn, nội dung thông điệp truyền thông và kết nối tương tác khách hàng đa kênh…

"Các doanh nghiệp Dược chưa chú trọng nhiều vào việc thiết kế phát triển trải nghiệm khách hàng, cũng như chưa “làm tới” so với các ngành khác. Triển khai CX (customer experience) vốn chưa rõ từ khái niệm đến chiến lược, vận hành còn hình thức theo kiểu “chăm sóc khách hàng”, thường rời rạc, chưa có hệ thống CRM (customer relationship management) kết nối toàn diện cho các điểm chạm (touchpoints) trong phác thảo toàn bộ cho “hành trình trải nghiệm tiêu dùng của khách hàng”. Kinh nghiệm triển khai cũng chưa thật sự tạo ra tương tác có ý nghĩa…"

Ths.BS. Nguyễn Thành Danh – Tổng Giám đốc hãng Dược phẩm Pháp Besins Healthcar, giảng viên Marketing và Quản trị y tế

Ths.BS. Nguyễn Thành Danh – Tổng Giám đốc hãng Dược phẩm Pháp Besins Healthcar, giảng viên Marketing và Quản trị y tế

Theo ông Danh, có tới 86% số người lên mạng tìm kiếm thông tin và hơn nửa trong số đó tự chẩn đoán bệnh cho bản thân rồi mới đến cơ sở y tế, điều này đòi hỏi ngành Dược phải có sự tương tác liên tục với người dân. Sau dịch Covid-19 người dân rất năng động, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng đa dạng

Ông Nguyễn Thành Danh cho rằng đổi mới sáng tạo với CX, tối ưu hóa các điểm chạm trong tương tác hành trình trải nghiệm khách hàng ngành Dược còn nhiều cơ hội, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hóa, digital marketing, thương mại điện tử cho một tổng hòa đa kênh số khép kín. Hiện nay, Youtube, Tik Tok đang có lợi thế hơn khi Facebook có những chính sách “thắt chặt” với các sản phẩm dược.

Nền tảng tốt nhất là chuyển đổi số

Đồng quan điểm với bà Lê Phương Dung, Ths. DS. Đào Thuý Hà - Phó Tổng giám đốc Marketing và kinh doanh Công ty Traphaco - chia sẻ: Doanh nghiệp phải luôn quan tâm tới người dùng “đặc biệt” của mình - người bệnh, giúp họ sống tích cực hơn, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm lo lắng về sức khỏe. Khi người bệnh mua một sản phẩm thuốc là họ đặt hoàn toàn niềm tin vào sản phẩm đó, coi đó là lựa chọn tốt nhất sẽ giúp họ cải thiện sức khỏe. Vì vậy phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để tìm ra giải pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn, dựa trên các giá trị cốt lõi, đó là chất lượng và hiệu quả của sản phẩm. Tôi nghĩ đó cũng là sứ mệnh chung của tất cả các Doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Dược”.

Ths. DS. Đào Thuý Hà - Phó Tổng giám đốc Marketing và kinh doanh Công ty Traphaco: Chuyển đổi số là nền tảng chiến lược phát triển

Ths. DS. Đào Thuý Hà - Phó Tổng giám đốc Marketing và kinh doanh Công ty Traphaco: Chuyển đổi số là nền tảng chiến lược phát triển

“Bí quyết” về chiến lược phát triển được bà Đào Thuý Hà chia sẻ tại Diễn đàn: Chuyển đổi số là nền tảng tốt nhất cùng với nguyên liệu sạch, công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin.

Đặc biệt, bà Đào Thuý Hà nhấn mạnh việc nghiên cứu khoa học, sáng chế là giá trị cốt lõi để phát triển.

Từng giữ vai trò hoạch định chiến lược quảng cáo tại nhiều Agency lớn và là một trong những chuyên gia có sức ảnh hưởng trong giới Marcom tại Việt Nam, ông Hồ Công Hoài Phương cũng có góc nhìn mới: “Hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp Dược ở Việt Nam mạnh về số lượng, nhưng ít về chất lượng. Các doanh nghiệp Dược chi nhiều tiền để mua quảng cáo, nhưng không đầu tư cho sáng tạo và sản xuất. Dĩ nhiên, khi thị trường còn đang phát triển, việc chỉ cần một mẫu quảng cáo “trung bình” và phát mẫu quảng cáo ấy với tần suất cao sẽ hiệu quả. Nhưng khi thị trường cạnh tranh hơn, người dùng có nhiều lựa chọn hơn thì quảng cáo Dược cần khác biệt, thú vị và thuyết phục hơn, thay vì chỉ theo lối mòn tập trung vào lý tính sản phẩm”.

Tại Diễn đàn, các diễn giả đều thống nhất rằng, sau đại dịch Covid-19, thói quen của người dân thay đổi nhiều, năng động hơn, chú ý chăm sóc sức khỏe nhiều hơp,. Vì thế, ngành Dược cần phải thay đổi trong truyền thông để thích ứng. Mà, sự sáng tạo lớn nhất trong ngành Dược là thấu hiểu con người.

Quy tụ những diễn giả giàu kinh nghiệm, chuyên sâu phân tích những vấn đề trong ngành Dược với những góc nhìn đa chiều, góp phần vào sự phát triển bền vững của cả cộng đồng, Diễn đàn đã mang đến thông điệp: Ngành Dược cần hướng đến giá trị THẬT, SÁNG TẠO, VÌ CỘNG ĐỒNG và đặc biệt, phải tuân thủ luật pháp. Đó là con đường tiếp cận công chúng nhanh chóng và bền vững./.