Thuốc vừa được Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành: Áp dụng "lùi" từ 12/2021 hay đến tháng 6/2022?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước tình trạng các bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bệnh có bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đang đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ.
Bệnh nhân có thẻ BHYT đi khám và điều trị sẽ rất thiệt thòi khi các bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế
Bệnh nhân có thẻ BHYT đi khám và điều trị sẽ rất thiệt thòi khi các bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế

Bệnh viện thiếu thuốc chữa bệnh

Liên tục những ngày qua, nhiều bệnh viện (BV) kêu trời vì tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, khiến bệnh nhân dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn phải bỏ tiền mua thuốc ở ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ và gây khó khăn cho bác sĩ trong khám, điều trị bệnh, đồng thời, tác động xấu đến chủ trương tiến tới BHYT toàn dân của Nhà nước.

Sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên tiếng, hôm qua, Bộ Y tế cũng đã có ý kiến chính thức trước tình trạng trên. Theo Bộ Y tế, trong 5 nguyên nhân đưa đến việc thiếu thuốc ở các BV, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, nên nhiều địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua. Nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ ra một nguyên nhân khác là tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Riêng về vấn đề hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc, ngày 30/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ra Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, cho phép các thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ ngày Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.

Ngày 29/4/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Nghị định 29/2022/NĐ-CP “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Ngày 2/6/2022 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn 4781/QLD-ĐK công bố danh mục 6.251 thuốc và nguyên liệu làm thuốc đã hết lưu hành trong khoảng 30/12/2021 - 31/12/2022 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.

Việc này thực sự có ý nghĩa góp phần vào giải “cơn khát” thuốc và vật tư y tế đang thiếu trầm trọng ở các BV trên toàn quốc.

Vướng mắc nảy sinh

Tuy nhiên, lúc này, vấn đề thời hạn áp dụng gia hạn thuốc lại được đặt ra, khiến giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp lại chưa có cái nhìn thống nhất để có thể sớm hiện thực hoá chỉ đạo của UBTVQH về phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đó là với các thuốc dự thầu thuộc Danh mục I, thì thời điểm bắt đầu gia hạn giấy phép lưu hành được tính từ thời điểm Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 có hiệu lực hay tính từ ngày 2/6/2022, khi Cục Quản lý Dược ban hành công văn số 4781/QLD-ĐK?

Còn với các thuốc dự thầu thuộc Danh mục II, thì trong khoảng thời gian trước khi có Quyết định gia hạn giấy phép lưu hành, thuốc có được áp dụng theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 hay không?

Với các thuốc dự thầu thuộc Danh mục III có được áp dụng theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực không?

Thiếu thuốc, vật tư y tế, khiến người bệnh mất quyền lợi, còn bác sĩ sẽ khó khăn trong chẩn đoán và điều trị

Thiếu thuốc, vật tư y tế, khiến người bệnh mất quyền lợi, còn bác sĩ sẽ khó khăn trong chẩn đoán và điều trị

Có hiệu lực từ nửa năm trước

Trước băn khoăn của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chỉ đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Y tế khẩn trương phối hợp giải quyết, để đảm bảo các BV sớm có thuốc phục vụ người bệnh BHYT.

Chỉ ba ngày sau khi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có ý kiến, ngày 16/6/2022, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã có công văn trả lời về thời điểm bắt đầu áp dụng danh mục thuốc theo Nghị định 29 của Chính phủ.

Theo Vụ Pháp chế, Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định: "Bộ Y tế có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế Danh mục các thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên chưa thể hoàn thành thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022" và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 30/12/2021. Do vậy, các thuốc có tên trong phụ lục ban hành kèm theo công văn 4781/QLD-ĐK ngày 2/6/2022 của Cục Quản lý Dược sẽ áp dụng từ ngày 30/12/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

“Các thuốc chưa có tên trong phụ lục trên (đến thời điểm hiện tại) sẽ không được áp dụng quy định này”- đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh.

Vụ Pháp chế cũng hướng dẫn thêm: Đối với các thuốc được gia hạn tại các Quyết định số 185/QĐ-QLD ngày 19/4/2022, Quyết định số 201/QĐ-QLD ngày 20/4/2022, Quyết định số 232/QĐ QLD ngày 29/4/2022, Quyết định số 265/QĐ-QLD ngày 11/5/2022 và Quyết định số 277/QĐ-QLD ngày 23/5/2022 của Cục Quản lý Dược thì áp dụng theo thời hạn được gia hạn tại các Quyết định trên.”

Với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, sự vào cuộc của các Cục, Vụ chức năng, hy vọng “cơn khát” thuốc ở các BV sớm được hoá giải, để người bệnh BHYT không còn gặp khó khăn và chịu thiệt thòi nữa.