Hoa Kỳ bắt giữ một nhân viên an ninh gốc Việt

VietTimes – Ông Nghia Hoang Pho, một người Mỹ gốc Việt làm việc cho Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã thừa nhận hành vi lưu trữ bất hợp pháp các tài liệu tối mật của cơ quan này trong máy tính cá nhân. Các tài liệu này sau đó đã bị tin tặc Nga đánh cắp thông qua phần mềm diệt virus Kaspersky. Ông Nghia có thể phải chịu mức án 10 năm tù.
Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA (Ảnh Google)
Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA (Ảnh Google)

Một cựu nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) hôm 30/11 thừa nhận rằng ông đã lưu trữ bất hợp pháp các tài liệu mật của cơ quan này, và sau đó các tài liệu mật đã bị tin tặc Nga đánh cắp từ máy tính cá nhân của ông.

Hoang Nghia Pho, một người đàn ông gốc Việt sống ở Maryland, đã nhận tội trước một phiên tòa vì đã lấy và lưu trữ các thông tin tuyệt mật liên quan đến quốc phòng Mỹ. Ông Nghia hiện nay đang chờ phán quyết về hành vi phạm tội của mình, rất có thể ông phải chịu mức án tù đến 10 năm, mặc dù các ủy viên công tố đã đồng ý không buộc tội ông quá 8 năm tù.

Ông Nghia bắt đầu làm việc cho NSA từ năm 2006, khi ông tham gia vào nhóm Tailored Access Operations (TAO) của NSA với tư cách là một nhà lập trình. TAO được xem là bộ phận tấn công mạng của NSA, chỉ huy tác chiến mạng và thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo bằng cách xây dựng và triển khai các công cụ tấn công mạng (hacking) có độ phức tạp cao.

Ông Nghia đã nhận được rất nhiều thông tin mật khác nhau trong suốt thời gian ông làm việc với NSA, đã tiếp cận vào nhiều thông tin quốc phòng tối mật của Hoa Kỳ. Theo biên bản tại tòa án, ông thường xuyên làm việc với “các dự án chuyên trách, tuyệt mật”.

Bắt đầu từ năm 2010 và kéo dài đến tháng 03/2015, ông Nghia thường xuyên lấy và lưu trữ các tài liệu chính phủ có chứa các thông tin quốc phòng nhạy cảm, bao gồm cả nhiều tài liệu được xếp vào hạng tuyệt mật – mức độ thông tin bảo mật cao nhất được chính phủ Mỹ quy định, là những thông tin “không được phép tiết lộ vì có thể gây ra những hậu quả sống còn đối với nền an ninh quốc gia”.

Ông Nghia đã lưu trữ cả bản cứng và bản mềm các tài liệu này trong nhà mình ở Maryland.

Thông tin mà ông Nghia lưu trữ đã bị những tên tin tặc Nga đánh cắp thông qua phần mềm Kaspersky cài trên máy tính của ông. Kaspersky Lab, một công ty bảo mật mạng của Nga, đã phủ nhận vai trò của mình trong việc hợp tác với chính phủ Nga hay bất cứ cơ quan nào để tìm kiếm và đánh cắp các tài liệu mật.

Ông Nghia là một trong ba nhân viên NSA trong hai năm qua bị buộc tội lưu trữ các thông tin bí mật. Trường hợp của ông Nghia là đặc biệt nghiêm trọng bởi ông đã lưu trữ rất nhiều tài liệu nhạy cảm từ cơ quan này.

Việc thẳng tay với các nhân viên có liên quan đến việc quản lý lỏng lẻo tài liệu là một phần trong nỗ lực của NSA nhằm tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân gây ra các vụ rò rỉ tài liệu và công cụ tấn công mạng của cơ quan này. Công cụ hacking do NSA phát triển đã bị tin tặc đánh cắp, sau đó sử dụng để phát tán mã độc WannaCry xâm nhập vào hơn 1 triệu máy tính hồi giữa năm nay. Mã độc WannaCry đã khiến nhiều bệnh viện tại Anh, các cơ sở hạ tầng công cộng tại Ucraina và nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động trong một thời gian. Nhóm tin tặc phát tán mã độc WannaCry được xác định là Shadow Brokers - một nhóm tin tặc mà Mỹ khẳng định là do Nga hậu thuẫn.

Ngoài việc bắt giữ ông Nghia, một nhân viên của NSA là Harold T. Martin III năm ngoái cũng đã bị bắt sau khi FBI phát hiện ra 50 TB dữ liệu và các tài liệu được lấy từ NSA trong hơn 20 năm. Bà Reality Winner, một phiên dịch viên hợp đồng làm việc với NSA, đã bị bắt giữ hồi tháng 6 vì đã cung cấp các tài liệu của NSA cho Intercept, sau đó tài liệu này bị phát tán ra công chúng.