“Hổ mang chúa” Su-30MK2 vẫn xé gió tung mây

Những ngày này, mỗi sớm mai thức dậy, những chiến đấu cơ Việt Nam vẫn sẵn sàng lao vút lên bầu trời Tổ quốc; kiêu hãnh và dũng mãnh trong nắng vàng, trời xanh. 
Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa
Su-30MK2 của không quân Việt Nam bay tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa

Nỗi đau mất mát vẫn còn đó, nhưng tất cả những người lính không quân VN mà chúng tôi gặp dường như đều nén buồn đau để quyết tâm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ...

Sáng 22-6, chúng tôi đến Lữ đoàn không quân vận tải 918 (Quân chủng phòng không - không quân). Thượng tá Nguyễn Thái Sơn (phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 918) khẳng định: “Mọi hoạt động của đơn vị vẫn diễn ra bình thường. Một tổ bay di động vẫn nằm ở Hải Phòng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bay tìm kiếm theo lệnh cấp trên. Máy bay luôn ở chế độ sẵn sàng. Tất cả phi công đều sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào”.

Vẫn luôn cứng cỏi, vững vàng

Khi chúng tôi đến khu vực nhà vòm, tất cả máy bay Casa-212 đều đang tập trung ở đây. Một nhóm kỹ sư và nhân viên kỹ thuật đang tất bật làm công tác chuẩn bị, kiểm tra một lần nữa chiếc Casa-212 được biên chế trực sẵn sàng chiến đấu hôm nay. Tổ bay bảy người gồm ba phi công, nhân viên cơ giới, nhân viên tuần thám... cũng có mặt trực chiến ngay tại nơi này.

Tổ bay trực sẵn sàng chiến đấu hôm nay gồm thiếu tá phi công Nguyễn Văn Việt, trung tá Lê Quang Hòa, thiếu tá Phạm Quốc Hưng, nhân viên cơ giới - trung úy Nguyễn Văn Trình và nhân viên tuần thám - thượng úy Nguyễn Thế Quất...

Nhìn vào đôi mắt họ, tôi thấy nỗi buồn vẫn thoáng qua. Nhưng có lẽ nỗi đau đang được dằn lại trong tâm khảm mỗi người lính của Lữ đoàn 918. “Mọi chế độ, hoạt động đơn vị vẫn duy trì như bình thường. Chúng tôi vẫn trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ” - thiếu tá phi công Nguyễn Văn Việt cho hay.

“Bản thân tôi nhận thấy hình như anh em còn quyết tâm, mạnh mẽ hơn lúc bình thường, muốn làm một điều gì đó xứng đáng với anh em đồng đội mình” - thiếu tá phi công kiêm dẫn đường Nguyễn Ngọc Chu (Lữ đoàn 918) nói.

Thượng tá Nguyễn Thái Sơn chia sẻ thêm: “Đã là phi công chiến đấu thì dù thời chiến hay thời bình, hi sinh vẫn có thể xảy ra. Sự việc xảy ra, tất nhiên ai cũng suy nghĩ, đau buồn nhưng trong công việc vẫn thể hiện bản lĩnh của mình”.

“Được bay là niềm tự hào”

Tại Trung đoàn không quân tiêm kích 935 (Đồng Nai) - căn cứ của Su-30MK2, ở khu vực hangar - nơi để máy bay, các chiến đấu cơ vẫn đang được hàng trăm kỹ sư, nhân viên kỹ thuật kiểm tra, bảo dưỡng... Vẫn không khí khẩn trương, nhộn nhịp, vẫn là những ánh mắt căng lên vì tập trung.

Tại khu vực trực ban sẵn sàng chiến đấu cách hangar vài trăm mét, một kíp trực 24/24 giờ gồm các phi công và tổ kỹ thuật đã có mặt từ rất sớm. “Su-30MK2 sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào” - đại tá Đào Quốc Kháng (chính ủy Trung đoàn 935) khẳng định.

Trước đó một ngày, Trung đoàn 935 đã tổ chức nhiều buổi giảng bình ở nhiều cấp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn bay, rà soát công tác huấn luyện sáu tháng đầu năm, đánh giá lại mọi hoạt động của các bộ phận... với sự giám sát, chỉ đạo của lãnh đạo Sư đoàn 370.

“Đơn vị vẫn duy trì nghiêm nề nếp trực sẵn sàng chiến đấu như bình thường, phi công vẫn học tập nắm lại các kỹ thuật hàng không, lên bay buồng tập xử lý bất trắc, ôn lại các thiết bị buồng lái, dẫn đường... Chúng tôi vẫn tổ chức học tập chính trị theo kế hoạch, chuẩn bị cho diễn tập huấn luyện chiến đấu sắp tới, vẫn duy trì trực sẵn sàng chiến đấu theo tất cả tình huống, giữ nề nếp trực sẵn sàng chiến đấu từ cấp sở chỉ huy đến biên đội như bình thường” - đại tá Đào Quốc Kháng nói.

Anh cho biết thêm: “Chính lúc này hơn bao giờ hết anh em phải càng mạnh mẽ, vững vàng. Chúng tôi kịp thời thông báo tình hình cho anh em trong trung đoàn và tìm hiểu tâm tư anh em, nhất là lực lượng phi công và kỹ thuật. 100% anh em phi công tâm lý rất ổn định, vững vàng, quyết tâm và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Lúc này chính là lúc thể hiện rõ nhất bản lĩnh, sự vững vàng của một phi công. Chúng tôi sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào. Được bay là niềm tự hào của mỗi phi công”.

Đại tá Đào Quốc Kháng chính là người từng cứu thành công máy bay Su-27 khi chiến đấu cơ này đang bốc cháy trên không. Anh đã dũng cảm quyết không thoát khỏi máy bay mà bình tĩnh xử lý để đưa chiến đấu cơ này quay về căn cứ, hạ cánh thành công.

Từng trải qua khoảnh khắc giữa sống và chết, người phi công cấp 1 này chiêm nghiệm: “Đã là phi công chiến đấu thì phải dũng cảm và bản lĩnh, không thể nào dễ dàng hoang mang, sợ sệt. Khi bay biển xa và bay đêm trên biển, chúng tôi cũng bình thản xác định việc mình làm là cho Tổ quốc, cho đất nước và nhân dân”.

Nghe cách nói của các anh, những phi công ưu tú của không quân, tôi tin rằng rồi một sớm mai thức dậy lại sẽ thấy những chiến đấu cơ vẫn lao vút lên bầu trời nhào lộn bay huấn luyện, vẫn là những “hổ mang chúa” kiêu hãnh và dũng mãnh giữa nắng vàng, trời xanh, chẳng hề nao núng...

Sẽ làm những việc còn dở dang của đồng đội

Trung tá Hoàng Xuân Kiên (chính ủy Trung đoàn không quân 925 - nơi quản lý chiến đấu cơ Su-27, đóng tại Bình Định) nhấn mạnh: “Với người lính, bất trắc đều có thể xảy ra. Chúng tôi vẫn học tập, giảng bình... như bình thường. Với người lính, trong thời bình vẫn có thể có hi sinh. Hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân là sự hi sinh cao quý nhất. Chúng tôi quyết tâm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí, đồng đội mình hi sinh thì mình càng nỗ lực hơn để làm những phần việc còn dang dở của đồng đội mình...”.

Theo Tuổi Trẻ