Tại buổi lễ, Thứ trưởng BYT Nguyễn Trường Sơn cho biết: Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với bệnh truyền nhiễm. Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức trong việc tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, mắc bệnh nền,...)
Thứ trưởng BYT chỉ đạo các địa phương không chủ quan, phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch; quản lý, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao; tiêm vét vaccine, tiêm vaccine lưu động ngay tại nhà, không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao.
Đến ngày 24/12, Việt Nam đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccinetrong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine COVID-19 đã phân bổ. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccineliều cơ bản là 66% tổng dân số. Với người từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccinelà 98%, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%.
Từ tháng 11 năm nay, các tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-dưới 18 tuổi. Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12, cả nước sẽ bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi.
Thứ trưởng Sơn cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương tiêm vaccine COVID-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót người có bệnh nền, trên 50 tuổi. Đến ngày 31/12, các đơn vị phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi; tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, thời gian qua Bộ Ngoại giao đã nỗ lực phối hợp với ngành y tế để tranh thủ nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm của quốc tế ngăn ngừa dịch COVID-19. Nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả công tác ngoại giao vaccine.
Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan đóng góp vào các nỗ lực chung toàn cầu, thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, trong đó có thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine và điều trị COVID-19 để chấm dứt đại dịch.
Thông tin về kết quả triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tại TP. HCM, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM – cho hay: Sau 20 ngày triển khai, chiến dịch đã phát hiện 5.101 người dương tính với SARS-CoV-2 và điều trị ngay cho họ bằng thuốc Molnupiravir; cách ly chăm sóc tại nhà 4.581 người; cách ly tập trung 520 người.
Ngoài ra, chiến dịch còn phát hiện 37.188 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine. Vì thế, các Trung tâm Y tế đang khẩn trương thuyết phục và tiêm vaccine ngay cho người thuộc nhóm nguy cơ. Với người gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.