Theo tin của TASS và Reuters, ngày 27/12, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya-24, Phó Thủ tướng Nga phụ trách lĩnh vực năng lượng Alexander Novak cho hay Nga đã vượt qua thành công lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ. Xuất khẩu dầu của Nga đã chuyển từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Trong năm nay, khoảng 90% sản lượng và sản phẩm dầu mỏ của Nga đã được xuất sang hai nước này.
Ông Novak cũng dẫn số liệu từ Bộ Tài chính Nga cho biết doanh thu của ngành dầu khí Nga năm nay sẽ đạt khoảng 9 nghìn tỉ rúp (101,7 tỉ USD), tương đương với mức của năm 2021. Tài khoản mạng VKontakte chính thức của chính phủ Nga viết: “Hai năm qua đã chứng minh rằng Nga có thể thực hiện thành công mọi công việc của mình dưới các lệnh trừng phạt”.
Trên kênh Rossiya-24, ông Novak đã điểm lại những thay đổi trong tình hình xuất khẩu năng lượng của Nga trong năm nay do các lệnh trừng phạt ngày càng tăng của phương Tây và triển vọng về xu hướng thị trường năng lượng trong tương lai. Ông cho biết, trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 và các nước phương Tây bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, Nga đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Các hạn chế về nguồn cung và lệnh cấm vận do Mỹ và châu Âu áp đặt đối với Nga trên thực tế đã giúp đẩy nhanh quá trình điều chỉnh hướng xuất khẩu năng lượng của Nga.
"Trong tình hình hiện tại, đối tác chính của chúng ta là Trung Quốc và thị phần của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 45-50%. Tất nhiên, còn có Ấn Độ. Trước đây Nga hầu như không cung cấp dầu thô cho Ấn Độ, nhưng trong 2 năm qua, thị phần của Ấn Độ đã đạt tới 40%”, ông nói.
Ông Novak cũng đề cập rằng nếu trước đây châu Âu chiếm khoảng 40-45% tổng sản phẩm dầu mỏ và lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga thì "thì đến cuối năm nay, dự tính sẽ không quá 4-5%".
Ông Novak cũng cho biết, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng quan tâm đến dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Nhu cầu của các nước này đã khiến “Tuyến đường biển phía Bắc” ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại dầu thô quốc tế.
"Tuyến đường biển phía Bắc" là tuyến đường vận chuyển giữa Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương dọc theo bờ biển Nga. Do hiện tượng nóng lên toàn cầu, tuyến đường này dần thể hiện tiềm năng thương mại phi thường và trở thành huyết mạch giao thông quan trọng. Lấy tuyến đường từ Bắc Âu tới Trung Quốc làm ví dụ, “Tuyến đường biển phía Bắc” có thể tiết kiệm khoảng 10 ngày so với đi qua kênh đào Suez.
Ông Novak cho biết, năm 2023, Nga đã vận chuyển khoảng 1,5 triệu tấn dầu dọc theo “Tuyến đường biển phía Bắc”, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên “Tuyến đường biển phía Bắc” đạt được khối lượng vận chuyển này. Ông tin rằng khối lượng vận chuyển của tuyến đường này sẽ tăng lên trong tương lai, bởi nó có thể duy trì khả năng sinh lời mạnh mẽ ngay cả khi hành trình truyền thống giảm đi một nửa.
Ông cũng tiết lộ rằng theo số liệu từ Bộ Tài chính Nga, doanh thu ngành dầu khí của Nga sẽ đạt xấp xỉ 9 nghìn tỉ rúp vào năm 2023, gần bằng mức của năm 2021. Trong số đó, tổ hợp năng lượng và nhiên liệu của Nga đóng góp hơn 27% vào GDP và khoảng 57% vào tổng doanh thu xuất khẩu của Nga. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov chỉ ra rằng ngân sách liên bang Nga không tăng sự phụ thuộc vào doanh thu từ ngành dầu khí, vốn chiếm khoảng 1/3 thu nhập tài chính của Nga.
Khi nói về tình hình gần đây của OPEC+, ông Novak cho biết Nga đã tuân thủ nghiêm ngặt cam kết giảm nguồn cung; dự kiến giá dầu quốc tế (dầu Brent) năm 2024 sẽ duy trì ở mức 80-85 USD/thùng, cơ bản thống nhất với mức giá hiện tại. Ông nói, sự kỳ vọng này dựa trên đánh giá của nhiều nhà phân tích và dự báo bước đầu về sự phát triển kinh tế - xã hội của Nga.
Reuters đề cập rằng ngoài các lệnh trừng phạt hiện có, Bộ Tài chính Mỹ tháng trước đã công bố các lệnh trừng phạt đối với dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng "Bắc Cực LNG 2" của Nga. Cổ đông kiểm soát dự án là Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Nga, nắm giữ gần 60% cổ phần.
Hôm 25/12, một số cơ quan truyền thông Nga đưa tin do lo ngại về lệnh trừng phạt, một số cổ đông nước ngoài, bao gồm cả các công ty Trung Quốc, tuyên bố sẽ tạm dừng tham gia dự án và từ bỏ trách nhiệm tài chính và hợp đồng bao tiêu. Ngày 28/12 Công ty Novatek cũng đưa ra thông báo bất khả kháng cho một số khách mua, một lần nữa phủ bóng đen lên nguồn cung khí đốt tự nhiên trong mùa đông này.
Novak cũng phản hồi về vấn đề này, cho biết "Bắc Cực LNG 2" đã bắt đầu sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng một cách hiệu quả và dự kiến sẽ đưa nguồn cung đầu tiên ra thị trường vào quý 1/2024. Những người trong ngành cũng xác nhận rằng dự án đã sản xuất được “những giọt LNG đầu tiên”, nhưng phải mất một thời gian để có thể đạt được công suất 6,6 triệu tấn mỗi năm.
Theo quy hoạch chiến lược năng lượng của Nga, năng lực sản xuất LNG của nước này sẽ đạt 140 triệu tấn vào năm 2035 và dự kiến khi đó sẽ chiếm 20% thị trường LNG toàn cầu.
Theo Sohu