Theo ông Khưu Diên Bằng, tổ chức diễu duyệt hạm tàu của các nước trên biển là một hoạt động lễ nghi độc đáo của quân chủng có tính quốc tế cao này. Cuộc duyệt binh của máy bay và hạm tàu hải quân các nước lần này sẽ diễn ra ngày 23.4.2019 trên vùng trời, vùng biển Thanh Đảo và phụ cận; lực lượng tham gia duyệt binh của Trung Quốc có tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu ngầm kiểu mới, tàu khu trục, tàu hộ vệ tàu đổ bộ và máy bay, trong đó có một số loại lần đầu tiên được công khai.
Tàu khu trục tên lửa lớp 055 trọng tải 13.200 tấn của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên ra mắt công khai tại cuộc duyệt binh ngày 23.4.2019 tại vùng biển Thanh Đảo
|
Ông Khưu cho biết, các hạm tàu của Trung Quốc tham gia duyệt binh gồm 32 chiếc, chia thành 6 biên đội: tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, tàu tiếp tế hậu cần và biên đội tàu sân bay.
Có 39 máy bay các loại tham gia cuộc duyệt binh được chia thành 10 tốp, gồm: máy bay báo động sớm, máy bay trinh sát,máy bay tuần tra săn ngầm, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay và máy bay lên thẳng trên hạm.
Lần đầu tiên Hải quân Nhật cử tàu khu trục tên lửa DD-117 tham gia cuộc duyệt binh ở Thanh Đảo
|
Ngoài lực lượng của Trung Quốc, tham gia đội hình duyệt binh còn có gần 20 tàu chiến của hơn 10 nước như Nga, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Nhật, Philippines, Pháp, Pakistan, Hàn Quốc...với các loại tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, đại diện cho lực lượng trên biển của các nước. Được biết hải quân Việt Nam cử hai tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng tham gia. Trang tin Đa Chiều cho biết, so với cuộc duyệt binh năm 2009 nhân kỉ niệm 60 năm thì lần này có thêm hải quân 2 nước tham gia là Nhật và Philippines, 1 nước lần trước tham gia nhưng lần này từ chối, không cử tàu đến là Mỹ. Đa Chiều cho rằng, điều này có thể là sự phản ánh sự thay đổi trong quan hệ quốc tế và mức độ tin cậy lẫn nhau về an ninh.
Tàu đổ bộ LD-601 của Philippines đã có mặt tại Thanh Đảo để tham gia cuộc duyệt binh
|
Về việc Mỹ từ chối lời mời của Trung Quốc, không cử tàu chiến tới tham gia cuộc duyệt binh này mặc dù 10 năm trước họ đã cử tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh Burke tham gia cuộc duyệt binh nhân 60 năm thành lập hải quân Trung Quốc; Đa Chiều cho biết, Nhà Trắng đã phản đối cử tàu, chỉ cử tùy viên quốc phòng tại Bắc Kinh tham gia hoạt động với phạm vi hạn chế.
Về lý do, Đa Chiều cho biết, một nguồn tin truyền thông Mỹ tiết lộ do chính phủ Mỹ lo ngại Trung Quốc lợi dụng việc tàu Mỹ tới Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh để nâng cao địa vị quốc tế. Ông Jimmy Farnyl, quan chức phụ trách tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) cho rằng, Mỹ từ chối cử tàu tham gia là muốn gửi đi thông điệp: nếu tàu chiến Mỹ có mặt “sẽ khiến cho các hành động bất lương trên biển của Trung Quốc trở nên hợp pháp hóa và cũng là sự ngầm đả phá quyết định của Mỹ hủy bỏ lời mời phía Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương năm 2018”.
Ngoài cuộc duyệt binh trên biển này, các hoạt động của hải quân các nước chúc mừng 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25.4 tại vùng trời,vùng biển Thanh Đảo và phụ cận với sự tham gia của đoàn đại biểu hải quân hơn 60 nước, trong đó hơn 30 nước cử người lãnh đạo chủ chốt của hải quân đến tham dự.
Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ của Việt Nam sẽ cùng với tàu Đinh Tiên Hoàng tham gia cuộc duyệt binh tại Thanh Đảo
|
Từ ngày 24 đến 25.4, tại Thanh Đảo tổ chức cuộc hội thảo cấp cao với sự tham dự của các đoàn đại biểu hải quân các nước và tùy viên quân sự, quốc phòng các nước tại Trung Quốc.
Ngoài ra, tại Quảng trường Ngũ Tứ, Thanh Đảo còn tổ chức biểu diễn quân nhạc và lễ hội ánh sáng. Hải quân các nước còn tổ chức thi chạy xuồng trên biển và các hoạt động giao lưu thi đấu thể thao các môn bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, kéo co.
Trang tin Đa Chiều nhận xét, đây là cuộc duyệt binh trên biển lớn nhất của Trung Quốc, vượt xa quy mô cuộc duyệt binh 10 năm trước đây.