Đảo Ie Shima chỉ rộng khoảng 23 km2. Trên đảo có một đường băng, một cảng cho tàu cá, dân số khoảng 4.500 người. Một đơn vị Lính thủy đánh bộ viễn chinh Mỹ (MEU) đã thực hiện cuộc đổ bộ tiến công đánh chiếm đảo này trong một kế hoạch diễn tập bất ngờ và không có nhiều phương tiện truyền thông biết đến. Đây là một cuộc diễn tập có tầm xa lớn của quân đội Mỹ.
Hoạt động diễn tập "cuộc tấn công bất ngờ" và tấn chiếm nhanh chóng hòn đảo nhỏ trong quần đảo Okinawa của Nhật Bản nhằm thể hiện năng lực kỹ chiến thuật quân sự quan trọng của Lính thủy Đánh bộ Mỹ, vài ngày trước khi tàu khu trục Hải quân và tàu Cảnh sát biển Mỹ hải hành qua eo biển Đài Loan và tiến vào Biển Đông đầu tuần này.
Chiến thuật của Bắc Kinh trong các tranh chấp, đơn giản là bám chặt vào các hòn đảo đang tranh chấp hoặc phát triển các căn cứ quân sự khổng lồ từ các đảo nhân tạo, bồi đắp phi pháp từ những rạn san hô và bãi cát hoang, gây căng thẳng với Nhật Bản, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á.
Chính quyền Mỹ tuyên bố, Washington không quan tâm quốc gia nào sở hữu các hòn đảo, nhưng các tuyến đường thủy xung quanh phải được tự do hải hành cho giao thông quốc tế. Trung Quốc tuyên bố trong khu vực này, tất cả không gian và đường hàng hải - là lãnh thổ có chủ quyền.
Máy bay tiêm kích tàng hình F-35B Lính thủy Đánh bộ Mỹ. Ảnh Nzherald
|
Lúc này, lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ khẳng định rõ ràng: "Chúng tôi sẵn sàng nhanh chóng tiến công đánh chiếm đảo và tập trung sức mạnh tổng hợp tiêu diệt kẻ thù".
Những hòn đảo châu Á
Đánh chiếm các đảo châu Á trong Thế chiến II thực sự vô cùng khó khăn và thương vong rất lớn. Nhưng Mỹ và đồng minh đã sử dụng tất cả mọi nỗ lực có thể để đánh bại lực lượng xâm lược Nhật Bản, giành lại những quần đảo đồng minh.
Chiến tranh hiện đại khiến viễn cảnh tấn công đánh chiếm một đảo tiền đồn xa xôi, nhỏ bé nhưng phòng thủ chắc chắn, nghiêm ngặt thậm chí còn đáng sợ hơn. Chính vì lý do này, Lính thủy Đánh bộ Mỹ cố gắng phát triển những chiến thuật mới nhằm đột kích qua hàng rào các loại tên lửa dày đặc, tác chiến điện tử dữ dội và những công trình phòng thủ kiên cố.
Huấn luyện diễn tập đánh chiếm đảo có "ý nghĩa quan trọng, nhằm thể hiện sức mạnh và ý chí của quân đội Mỹ trong bối cảnh đối đầu với Trung Quốc", Tướng Hải quân Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, phát biểu trong một phiên điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện đầu tháng 03.2019.
"Ở Biển Đông và các nơi khác trong khu vực, quân đội Mỹ thường xuyên thực hiện những nhiệm vụ huấn luyện không kích, thể hiện khả năng tấn công bền bỉ và quyết liệt toàn cầu, đánh giá tham vọng Trung Quốc, bảo đảm bảo vệ các đồng minh và đối tác trong khu vực. Bằng nhiều cuộc diễn tập liên tiếp, Mỹ đưa ra những tín hiệu về sự cam kết vững chắc, luôn là đối trọng thách thức với trật tự mà Trung Quốc đặt ra, dựa trên thông lệ và quy tắc quốc tế".
Trực thăng đổ bộ lính thủy đánh bộ Mỹ trong huấn luyện chiến đấu. Ảnh Nzherald
|
Một trong những "tín hiệu" đó, lực lượng Lính thủy Đánh bộ, đóng quân thường trú trong căn cứ phía tây Thái Bình Dương cho biết, là cuộc diễn tập đánh chiếm đảo tiền tiêu Ie Shima.
Tuần trước, chỉ huy trưởng đơn vị MEU số 31, đại tá Robert Brodie phát biểu "Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều bất ổn, lực lượng Lính thủy Đánh bộ duy trì tinh thần chiến đấu cao, huấn luyện thường xuyên, liên tục. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng trong điều kiện thực tế hiện nay".
Cuộc diễn tập đánh chiếm đảo Ie Shima cũng là một bài huấn luyện thực tế cho những quan điểm này này.
Đơn vị MEU số 31 thuộc lực lượng Cụm tàu đổ bộ tấn công Wasp, trong đó có các đơn vị máy bay tiêm kích và máy bay trực thăng, biên chế trên tàu đổ bộ hạng nặng USS Wasp, cùng các xuồng đổ bộ và khu trục hạm hộ tống.
"Trong suốt hai tuần, MEU liên kết phối hợp với các đơn vị binh chủng này và là đơn vị chủ công tiến hành cuộc diễn tập đánh chiến giữ đảo nhỏ," Đại tá Brodie nói. "Chúng tôi thục luyện các bài tập nhanh chóng chiếm đảo và các phương án tập trung sức mạnh chiến đấu của các đơn vị binh chủng hợp thành."
Cuộc diễn tập thực binh đánh chiếm đảo
Theo bản tin của lực lượng Hải quân Mỹ, cuộc diễn tập được tiến hành với trình tự như sau:
Các đội trinh sát đầu tiên đổ bộ bí mật xuống đảo. Những tổ trinh sát- biệt kích nhanh chóng di chuyển chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu then chốt, có thể quan sát lực lượng phòng ngự và tập kích phá hủy các điểm quan trọng của hệ thống phòng thủ đảo.
Sau khi nắm chắc được địch tình, những đơn vị đổ bộ không - biển triển khai tiến công ngoài đường chân trời, từ tàu và căn cứ cách đó gần 1000km. Lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo cơ động bằng trực thăng cánh quạt xoay MV-22 Ospreys tốc độ cao, bay thấp, đi cùng máy bay tiếp dầu KC-130 nhằm đảm bảo đạt tầm xa cần thiết.
Hộ tống các các máy bay đổ bộ đường không này là phi đội tiêm kích tàng hình F-35B của Lính thủy Đánh bộ với các máy bay tiếp dầu nhằm tăng cường phạm vi chiến đấu.
Trực thăng cánh quạt xoay MV-22 Ospreys đổ quân đánh chiếm đảo. Ảnh Nzherald
|
Những máy bay trực thăng đổ bộ Osprey cất hạ cánh thẳng đứng thâm nhập vào khu vực đảo, đổ bộ lực lượng đột kích Lính thủy Đánh bộ, các đơn vị vừa chạm đất theo kế hoạch nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, tiến công đánh chiếm và bảo vệ sân bay Ie Shima.
Ngay sau khi sân bay được triển khai lực lượng bảo vệ, những chiếc máy bay vận tải, đang chờ ngoài đường chân trời cất cánh. Những máy bay này sẽ thả xuống sân bay vũ khí, trang thiết bị cần thiết, nhiên liệu và phụ tùng thay thế. Theo cơ số biên chế trang thiết bị, vật chất đảm bảo, đây là một sân bay tiền phương dã chiến của Lính thủy Đánh bộ Mỹ.
Sân bay này sẽ cho phép tiêm kích tàng hình F-35B hạ cánh, tiếp nhiên liệu, bổ sung vũ khí trang bị, sẵn sàng cất cánh yểm trợ bảo vệ đảo trước các đòn phản kích của đối phương.
Khi các mục tiêu quan trọng của đảo bị đánh chiếm, lực lượng Lính thủy Đánh bộ đè bẹp sức kháng cự của lực lượng phòng thủ đảo, các máy bay vận tải hạng nặng C-130J Hercules nhanh chóng tiếp cận đảo, vận chuyển và triển khai những hệ thống pháo binh - tên lửa hạng nặng, yểm trợ hỏa lực tiêu diệt các nhóm quân phòng thủ đảo còn lại đang chống cự, sẵn sàng tấn công bất kỳ chiến hạm thù địch nào của đối phương xuất hiện trong tầm bắn.
Sau đó, lực lượng chủ lực của Lính thủy Đánh bộ Mỹ từ Sư đoàn 3 được cơ động di chuyển đến đảo từ căn cứ cách đó hơn 1500km.
Lực lượng chủ lực của Lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ đánh chiếm đảo. Ảnh Nzherald
|
Phát ngôn viên của lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ trên vùng nước Tây Thái Bình Dương cho biết: "Toàn bộ kế hoạch diễn tập này mô phỏng quá trình giành những địa bàn then chốt tiền phương, tạo bàn đạp cho các lực lượng chủ lực tiến hành các hoạt động quân sự tiếp theo cùng với nhiệm vụ cơ động di chuyển và triển khai lực lương tấn công nhanh".
Tướng Dunford, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện phát biểu: “Chiến lược quốc phòng năm 2018 xác định Trung Quốc là một trong những "đối thủ chiến lược" của Mỹ, quốc gia này đang tăng cường ảnh hưởng trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
"Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là có thể tập trung được sức mạnh trong trong tình huống xung đột vũ trang với Trung Quốc, một trong những nhiệm vụ truyền thống của Lính thủy Đánh bộ là đánh chiếm các căn cứ tiền tiêu của đối phương",.
"Nếu xem xét các chuỗi đảo trên Thái Bình Dương như những nền tảng mà quân đội Mỹ có thể triển khai lực lượng, đó sẽ là sứ mệnh lịch sử của Lính thủy Đánh bộ trên vùng nước này, một trong những yếu tổ then chốt trong kịch bản xung đột vũ trang với Trung Quốc."
Mặc dù cuộc diễn tập thành công, tướng Dunford vẫn nhấn mạnh với Ủy ban Quân vụ Thượng viện: "lợi thế sức mạnh chiến đấu của Lính thủy Đánh bộ Mỹ đang bị xói mòn".
"Trung Quốc và Nga tận dụng sự mất tập trung và những hạn chế của Lính thủy Đánh bộ Mỹ. Các quốc gia này đang đầu tư vào các những năng lực chuyên biệt, thách thức sức mạnh truyền thống của quân đội Mỹ, tìm cách phá hoại trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc của chúng ta, mang lại thịnh vượng và hòa bình tương đối trong bảy thập kỷ qua. "
"Các quốc gia này đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực không gian và không gian mạng tăng cường sức mạnh không quân và hải quân, quân sự hóa các vùng tranh chấp, phát triển năng lực chống tiếp cận, chống xâm nhập Biển Đông và biển Hoa Đông. Mục tiêu then chốt của họ (Trung Quốc) là làm suy yếu cấu trúc liên minh quân sự của Mỹ trên Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho Bắc Kinh viết lại các quy tắc, tiêu chuẩn và luật pháp trong khu vực. "
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu