GS. Hồ Ngọc Đại vốn được biết đến là vị tiến sĩ khoa học về tâm lý giáo dục đầu tiên của Việt Nam - người dành cả cuộc đời chỉ để đi dạy lớp 1, viết sách giáo khoa cho lớp 1.
Tại buổi nói chuyện, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết, sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục giống như “di chúc nghiệp vụ" để lại cho thế hệ sau.
GS. Hồ Ngọc Đại tại buổi sinh hoạt
|
“Trong cuộc đời tôi có hai giai đoạn, là dạy học và nghiên cứu về cấp học tiểu học. Trước đây khi dạy trung học và đại học thì “dạy thế nào cũng được”, nhưng với cấp học tiểu học thì khác” – GS. Hồ Ngọc Đại cho hay.
Giáo dục tiểu học là vấn đề quan trọng bậc nhất của giáo dục. Ở Liên Xô, mọi nhà khoa học đều coi trọng tiểu học. Giáo dục trẻ em quan trọng nhất là từ 0 đến 12 tuổi về mọi mặt, cả về thể chất, tinh thần và đạo đức. Còn trẻ con 13 tuổi thời hiện đại đã khác. Giáo dục gia đình chỉ còn có khả năng và giá trị khi trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 12 tuổi.
GS. Hồ Ngọc Đại cho biết: “50 năm nay tôi chỉ nghiên cứu về tiểu học và dành toàn bộ tâm sức cho giáo dục tiểu học. Trong vòng 4-5 năm làm việc miệt mài, tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học, không câu nệ vào thủ tục. Để có luận án tiến sĩ khoa học, tôi đã làm thực nghiệm lớp 1 (4 vòng), lớp 3 (2 vòng) và lớp 4 (1 vòng)”.
Tư duy của trẻ hồn nhiên, không bị ràng buộc
Học sinh hiện đại có khả năng rất kỳ lạ, có thể học bất kỳ thứ gì nếu người lớn biết cách dạy. Do đó, khả năng của trẻ phụ thuộc vào nghiệp vụ sư phạm, cách dạy của người lớn.
Trong 8 năm (1969-1976), GS. Hồ Ngọc Đại đã thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm trên học sinh tiểu học. Qua đó, học sinh tiểu học có thể tiếp thu mọi thứ, nếu thầy biết cách dạy. Học trò có thể tự học – thầy dạy cho trò cách tự học.
“Đi học là hạnh phúc”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” – là hai câu khẩu hiệu vẫn tồn tại cho đến bây giờ.
GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ về vấn đề sách giáo khoa cho trẻ
|
“Sau khi mở trường thực nghiệm, lý tưởng của tôi là làm cho trẻ con sống hạnh phúc, vui vẻ. Tất cả sách của tôi không bao giờ tên tác giả có cụm từ "tiến sĩ khoa học". Trẻ có vui không, có muốn đi học không, là câu hỏi mà tất cả mọi người đều mong đợi câu trả lời từ trẻ.
Mọi người cần phải trân trọng niềm vui và hạnh phúc của trẻ. “Học mà phải ra sức, mà đau khổ thì học để làm gì?” – GS. Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
“Chúng ta nên trân trọng trẻ từ 0 đến 12 tuổi. Trẻ cư xử đúng theo cách nó nghĩ và nó muốn”. Nên tôn trọng đời sống tự nhiên của trẻ, đừng ép vào suy nghĩ của người lớn. Cái gì tự nhiên nhất là tốt nhất. Những ý muốn của trẻ không sai. Nếu ngay từ nhỏ trẻ được tôn trọng thì lớn lên sẽ là người đàng hoàng. Trường thực nghiệm là nơi mà tôi nhận thấy “Trẻ hạnh phúc thì gia đình hạnh phúc. Nếu trẻ đau khổ thì tất cả đều đau khổ”.
“Mở đầu cho triết lý giáo dục là Khổng Tử với khẩu hiệu “phục tùng”, ông Mác đưa ra khẩu hiệu “đấu tranh”, còn tôi đưa ra khẩu hiệu “hợp tác”. Trong hợp tác có phục tùng, trong hợp tác có đấu tranh. Bởi trong xã hội hiện đại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau là chủ yếu. Phục tùng, đấu tranh và hợp tác là 3 bước tiến của nhân loại.
Cùng với đó, giải pháp hợp tác giữa thầy với trò, giữa nhà trường với gia đình để cùng nhau tìm ra mục đích chung là vô cùng quan trọng. Xã hội của Khổng Tử sống là xã hội đẳng cấp, Mác sống trong xã hội giai cấp và xã hội chúng ta đang sống là xã hội thuộc phạm trù cá nhân. Do đó, chúng ta phải hợp tác, trân trọng nhau. Sự hợp sẽ thay đổi giáo dục sư phạm trong nhà trường" - GS. Hồ Ngọc Đại cho hay.
“Muốn trưởng thành trẻ phải tự ăn, muốn phát triển trẻ phải tự học”
Hàng ngàn năm nay, trong giáo dục chỉ có khẩu hiệu là thầy giảng giải và trò ghi nhớ. Năm 1978, GS. Hồ Ngọc Đại đã đưa ra khẩu hiệu: “Thầy không giảng, trò không cần cố gắng”. Khi thầy không giảng thì trò sẽ tự có cách làm việc.
Làm thế nào để học sinh học tự nhiên như là sống và sống tự nhiên như là học.
Trẻ con sinh ra không thể tự bú mà mẹ phải dạy trẻ bú.
Trẻ con có 2 việc đó là: Muốn trưởng thành trẻ phải tự ăn và muốn phát triển trẻ phải tự học. Ngay từ bé phải dạy cho trẻ cách tự học. Trẻ muốn có được thứ gì thì phải tự làm lấy. Khi làm thì sẽ có sản phẩm.
GS. Hồ Ngọc Đại đã đưa ra 3 nguyên tắc xây dựng chương trình môn học gồm:
-Nguyên tắc phát triển
-Nguyên tắc chuẩn mực
-Nguyên tắc tối thiểu
Theo GS. Hồ Ngọc Đại, chương trình môn học và sách giáo khoa phải tối ưu. Học hiện nay khác với ngày xưa là học để thi, làm quan. Học để dùng trong cuộc sống hằng ngày. Học phải có thực dụng, không thể học viển vông. Đưa đến cho trẻ em những gì không thể không có, phải tận dụng thời gian một cách có hiệu quả. Bởi mất thời gian là mất tuyệt đối, không thể cứu vãn.
Sinh hoạt chuyên đề “Di chúc nghiệp vụ giáo dục” Hồ Ngọc Đại: Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
|
“Trong chương trình sách giáo khoa của tôi không có giờ ôn tập, học cái nào được cái đấy, một lần duy nhất” - GS. Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Thầy giáo có nhiệm vụ lo về đời sống tinh thần, tâm hồn, trí khôn, niềm vui và đau khổ của trẻ em. Để có sự tinh lọc trong cuốn sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tôi đã mất hàng chục năm trời.
GS. Hồ Ngọc Đại cũng cho rằng, những trẻ em sinh ra từ năm 2001 là thế hệ đầu tiên của nhân loại có sự thay đổi về tinh thần. Do đó, trẻ cần một nền giáo dục lần đầu tiên có, không thể cải tiến cái cũ được. Công nghệ giáo dục là “chiếc xe bò lắp động cơ.
"Nguyên tắc của tôi là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Có học trò mới có các thầy. Chúng ta phải lắng nghe trẻ con, vì lợi ích cơ bản và hạnh phúc của trẻ.
Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được xây dựng trên một nguyên lý khác với hiện hành, lấy cuộc sống của trẻ hiện đại làm chuẩn. Một chương trình có hiệu quả hay không và có mang lại lợi ích cho trẻ em hay không thì đèu được thể hiện qua giờ học. Vì thế, mỗi một giờ học đều phải mang tới một điều mới cho trẻ" - GS. Hồ Ngọc Đại khẳng định.