Google Pixel XL đọ sức cùng LG V20

Thử nghiệm mới nhất cho thấy mẫu smartphone LG V20 có khả năng quản lý RAM tốt hơn siêu phẩm của Google.
Google Pixel XL đọ sức cùng LG V20
Google Pixel XL đọ sức cùng LG V20

Google Pixel XL tính đến thời điểm này vẫn là cái tên “hot” trong phân khúc smartphone cao cấp bởi sản phẩm này được trang bị phần cứng thế hệ mới nhất và thậm chí còn được cho là “khủng” hơn hẳn những siêu phẩm của năm 2016.

Với nội lực được hình thành từ “trái tim” là bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 821, Google Pixel XL hẳn đã khiến không ít giới đam mê công nghệ phải tự hỏi liệu sản phẩm có thực sự mạnh như mong đợi. Tuy nhiên, cách đây không lâu, Google Pixel XL đã khiến không ít dân mê “tốc độ” đã cảm thấy hụt hẫng khi trong bài test được chia sẻ trên kênh SuperSaf TV (Youtube) cho thấy Galaxy S7 Edge có tốc độ tải game nhanh hơn “siêu mẫu” Pixel của Google.

Theo cập nhật mới nhất, PhoneBuff, một cái tên khá quen thuộc trong việc thực hiện những video thử nghiệm độ bền smartphone với những video thể hiện tính chuyên nghiệp vừa tung ra một đoạn video so sánh trực tiếp tốc độ giữa Google Pixel XL với một đối thủ khác đến từ LG, đó là mẫu V20.

Qua nội dung thử nghiệm của PhoneBuff, có thể nhận thấy Google Pixel XL vượt trội hơn hẳn về nhiều mặt, từ những tác vụ cơ bản thường ngày cho đến giải trí với game, cập nhật mạng xã hội. Cụ thể hơn, Google Pixel XL chỉ mất 1 phút 36 giây để hoàn tất bài thử nghiệm, trong khi đó, mẫu LG V20 có phần tụt hậu khi mất 1 phút 43 giây để hoàn tất đúng những tác vụ thử nghiệm như đối thủ.

Tuy nhiên, trong vòng 2, vốn chủ yếu test khả năng quản lý RAM với hàng loạt tác vụ chạy nền được kích hoạt từ vòng thử nghiệm đầu tiên, LG V20 lại cho kết quả tốt hơn hẳn Google Pixel XL. Bằng chứng là LG V20 chỉ mất 2 phút 27 giây để hoàn tất bài thử nghiệm, trong khi đó, Google Pixel XL bị bỏ hẳn lại sau lưng khi phải mất đến 2 phút 57 giây mới hoàn tất.

Theo giới quan sát, có thể nhận thấy qua phép thử của PhoneBuff, rõ ràng LG V20 có ưu thế hơn Google Pixel XL trong việc quản lý các tác vụ chạy nền. Dẫu vậy, với người dùng bình thường cách biệt này cơ bản khó lòng có thể nhận ra.

Theo PC World VN