Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về ung thư, về gen, về Y học cổ truyền (YHCT) ở Đại học Y Hà Nội và BV Bạch Mai, BV YHCT Trung ương:
1. GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - học trò xuất sắc của GS. Honjo (người Nhật Bản, giành giải Nobel 2018) và đã kế thừa có sáng tạo liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của GS. Honjo vào ứng dụng ở Việt Nam với các ưu điểm: Không phẫu thuật, không đau, không nằm viện, an toàn và hiệu quả.
2. GS. TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, người được giải thưởng HCM 2017 về nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp điều trị ung thư hiện đại. .
3. PGS. TS. Vũ Hồng Thăng - Phó Trưởng Bộ môn Ung thư, Trưởng khoa điều trị nội 4, Bệnh viện K.
4. GS. TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng của Đại học Y Hà Nội.
5. PGS. TS Dương Trọng Nghĩa - BV YHCT Trung ương, giảng viên thỉnh giảng của Khoa YHCT, Trường Đại học Y Hà Nội.
6. PGS.TS. Trần Huy Thịnh - Phó Trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein Trường ĐH Y Hà Nội.
Với hàng loạt phương pháp điều trị ung thư hiện đại được ứng dụng, giờ đây, nếu không may mắc bệnh, người bệnh và gia đình họ hoàn toàn có thể lạc quan để hy vọng và vững vàng bước qua.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, độc giả quan tâm sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về căn bệnh ung thư, những phương pháp điều trị đang có tại các bệnh viện đầu ngành trong điều trị ung thư,…
Bên cạnh đó, những vấn đề khác được dư luận quan tâm gồm: bệnh ung thư có yếu tố di truyền, có thể phòng ngừa được ung thư bằng vaccine hay bằng chế độ dinh dưỡng thích hợp không, chăm sóc cho bệnh nhân ung thư như thế nào… cũng sẽ được các khách mời của chương trình trực tiếp trao đổi, giải đáp.
Kính mời độc giả đặt câu hỏi cho buổi giao lưu trực tuyến TẠI ĐÂY.
GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội thăm GS. Tasuku Honjo sau khi thầy giáo của mình được Giải Nobel
|
Đối với nhiều người dân, nhắc tới ung thư đồng nghĩa với "án tử", bởi không ít người cho rằng ung thư là căn bệnh mà y học bó tay.
Song, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị bệnh này đều khẳng định, với các tiến bộ khoa học ngày càng bứt phá, hiện nay, ung thư cũng chỉ như những căn bệnh khác, có thể chữa khỏi. Thực tế, 1/3 số bệnh ung thư có thể dự phòng được, 1/3 các loại ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời; và với tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp điều trị tốt, có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho 1/3 số bệnh ung thư còn lại.
GS.TS. Mai Trọng Khoa (đứng giữa) và các cộng sự chuẩn bị một ca chụp PETCT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị
|
Để giúp người bệnh chiến đấu với ung thư, nhiều công nghệ mới trong điều trị đã được áp dụng. Tại Bệnh viện Bạch Mai có hàng loạt biện pháp chẩn đoán và điều trị ung thư hiện đại: Về chẩn đoán, BV đã ứng dụng PET/CT để chẩn đoán u nguyên phát, di căn, tái phát, đánh giá giai đoạn, giúp lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất; ứng dụng kỹ thuật SPECT để chẩn đoán ung thư và các bệnh nội tiết, gan, thận, não, phổi, tim mạch; ứng dụng CT 128 dãy để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị;
Trong điều trị, Bệnh viện đã sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị ung thư; kỹ thuật xạ trị trong chọn và cấy hạt phóng xạ cho hiệu quả điều trị cao, an toàn, giúp kiểm soát được bệnh mà không phải mổ; Ứng dụng thành công điều trị đích bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ cho bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin đã tái phát dai dẳng; xạ phẫu bằng dao gramma vv…
Đặc biệt, nhắc tới phương pháp điều trị ung thư hiện đại, không thể không nói đến phát minh mang tính đột phá của GS. Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã được trao Giải thưởng Nobel 2018, là liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư. Liệu pháp này đã được GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội –người học trò Việt Nam xuất sắc của GS. Tasuku Honjo - kế thừa có sáng tạo, tạo nên bước đột phá trong ngành ung thư Việt Nam.
Phẫu thuật Robot ở Bệnh viện Chợ Rẫy mang lại cơ hội chiến thắng ung thư cho nhiều bệnh nhân
|
Các nhà khoa học của Trường Đại học Y Hà Nội đã lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài cơ thể để nhân lên, biệt hóa trong điều kiện đặc biệt, rồi truyền lại cho bệnh nhân, để tiêu diệt tế bào ung thư.
Liệu pháp này đã được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người từ năm 2017, triển khai tại Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đến nay, có khoảng 40 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này với kết quả bước đầu khá lạc quan, khi cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bên cạnh đó, trong can thiệp ngoại khoa, đã có không ít thành tựu khoa học công nghệ được áp dụng, như ứng dụng phẫu thuật bằng robot trong điều trị ung thư nhằm bóc tách triệt để các khối u, giảm đau, ít chảy máu mất máu, rút ngắn thời gian nằm viện, đang được áp dụng tại các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân tại TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai,…