“Giận” lắm, mà cũng thương lắm, Quốc Dũng ơi!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 10h35 ngày 19/8/2023, nhà báo Trương Quốc Dũng, nguyên Thư ký Tòa soạn Tạp chí điện tử VietTimes đã trút thở cuối cùng, sau thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. VietTimes đăng bài viết này như một lời tiễn biệt.

Tạp chí điện tử VietTimes được cấp phép, tôi về làm việc thì Quốc Dũng đã làm việc ở trang tin điện tử tổng hợp VietTimes được chừng một năm rồi.

Lần đầu tiên gặp Dũng là ở quán cà phê tầng 1 của tòa nhà mà VietTimes khi ấy thuê làm trụ sở. Hôm đó, Dũng nói với tôi rất nhiều về nghề báo, về những tòa soạn mà Dũng đã làm việc hoặc cộng tác. Trên cả, Dũng say sưa về những dự định, những ý tưởng, những khát khao mà anh muốn xây dựng ở VietTimes.

Cứ mỗi sáng, anh em chúng tôi thường cà phê với nhau. Quanh đi quẩn lại rồi thì câu chuyện bao giờ cũng quay về chuyện tác nghiệp, bài vở. Anh chị em VietTimes hồi ấy là như vậy, hay thường trao đổi công việc với nhau ngay bên ly cà phê đang nghi ngút khói.

Dũng hay nói với tôi về kỹ năng viết phóng sự điều tra. Anh chuyển cho tôi loạt bài mà đích thân anh thực hiện, kể về những con tàu đội giá. Loạt bài này đã được đăng trên một tờ báo lớn. Dũng rất tâm đắc: "Đấy mới là phóng sự điều tra".

Tính Dũng thế! Cái gì đã đam mê thì có thể nói suốt ngày về nó.

Dũng làm Thư ký Tòa soạn. Xử lý tin bài, biên tập rất nhanh. Tư duy đề tài đặc biệt nhạy. Anh có thể ngồi lỳ cả ngày bên máy tính. À, mà phải là cả đêm nữa! Nhiều lần mất giấc, tôi mở hệ thống quản trị nội dung (CMS) của báo ngó, có khi 3h sáng vẫn thấy tài khoản “quocdung” sáng đèn. Tài khoản còn sáng duy nhất (không tính của tôi vừa vào).

Dũng là người online trên CMS nhiều nhất, muộn nhất cơ quan. Nhưng Dũng cũng là người đến cơ quan sớm nhất. Cần mẫn, chỉn chu một cách hiếm thấy.

Buổi sáng, Dũng rất hay nhắn tin cho tôi (mà chắc không phải chỉ có tôi): “Café, sếp ơi!”.

Tôi đến đã thấy Dũng ngồi vắt chéo chân, ngửa lưng ra ghế, tay trái kẹp điếu “Virginia Gold” – dòng thuốc lá mà có lẽ không nhiều người ở Hà Nội hút. “Thuốc của dân “Phòng”. Nhà máy Thuốc lá Hải Phòng, quê em, sản xuất” - nhoẻn miệng cười khoe răng vàng khè vì khói thuốc, Dũng giải thích cho tôi, tay phải khoắng ly đen nóng. Dũng luôn chọn cà phê đen, ít đường.

Câu chuyện lại quay về vấn đề tòa soạn. Lúc thì Dũng khen phóng viên này: “Nó mới vào nghề mà viết được phết”; lúc lại nhận xét về phóng viên kia: “Nó đuối, em còn phải kèm mệt”.

Sinh trưởng ở Hải Phòng, Dũng mang khí chất “đàn anh” của người đất Cảng, chơi với “đàn em” nhiều khi bao đồng: cả công việc lẫn tiền bạc. Bao giờ Dũng cũng nhận phần thiệt về mình. Lắm khi trong túi chỉ còn vài đồng nhưng gặp “thằng em” khó khăn là rút ra chia, có khi đưa cả. Tính Dũng hào sảng, kiểu trọng nghĩa khinh tài. Yêu ghét rõ ràng nhưng "ghét ai thì quay mặt nhổ bọt, chứ không thù hằn" - như Dũng từng tâm sự.

nhà báo quốc Dũng.jpeg
Nhà báo Trương Quốc Dũng, Trưởng Ban Nội dung Tạp chí Thương gia, nguyên Thư ký Tòa soạn Tạp chí điện tử VietTimes.

"Em không tính làm giàu từ nghề báo", lúc cao hứng, Dũng hay kể về những công việc ngoài báo chí của mình rồi thủ thỉ, đấy mới là nguồn sống chính - như một cách giúp anh có thể hành nghề báo một cách ngẩng cao đầu.

Tôi chỉ biết viết báo, nên chẳng thật tường những điều Dũng nói. Nhưng đúng là Dũng làm nghề một cách kiêu bạc.

Tôi lại cũng tin rằng, báo chí là nguồn sống lớn lao với Dũng - có thể không phải ở khía cạnh vật chất. Như một cái nghiệp, Dũng quăng mình vào công việc, đắm đuối từng đề tài, tỉ mẩn mỗi con chữ.

Dũng mang trong mình một lý tưởng báo chí, khát vọng một không gian và những đồng đội để hiện thực hoá chí hướng.

"Chú mày viết thế thì vứt. Ai lại bê nguyên cả rổ thông tin, số liệu, trưng một cách sỗ sàng như thế. Bài vở phải biết cấu trúc. "Đầu lân" - vào bài phải sừng sững, "thân lợn" - thân bài phải nục nạc, "đuôi beo" - kết bài phải dứt khoát" - tôi nhớ một buổi họp chuyên môn, Dũng sạc đám phóng viên trẻ đến nơi. Dũng có nghề và không giấu nghề. Anh chia sẻ, dụng công, dụng tâm hỗ trợ, đào tạo đồng nghiệp, nhất là người trẻ. Chủ động lùi đằng sau, Dũng tận hưởng khoái cảm "làm nền" cho anh em.

Ở VietTimes, Dũng thân nhất với Hữu Vinh - người Dũng đưa về, cũng là phóng viên mà Dũng đánh giá cao nhất, dồn nhiều tâm huyết nhất. Hai cá tính đều mạnh, tôi không bất ngờ, khi họ thường va nhau nảy lửa khi họp nội dung. Những lần va nhau ấy không chỉ giúp tòa soạn có được những sản phẩm báo chí chất lượng, mà còn giúp chúng tôi có được những nhà báo trưởng thành hơn. Hữu Vinh giờ là Phó Tổng Biên tập VietTimes.

...

Do biến động trong công việc, Dũng cùng một số anh em rời VietTimes chuyển sang các tờ báo khác. Mấy năm qua, tôi ít có dịp gặp lại Dũng, nhưng thi thoảng vẫn hỏi thăm về anh.

Hôm tháng Tư, Dũng lái xe ghé thăm VietTimes. Anh mới đổi xe thì phải, mới coóng. Chúng tôi rủ nhau ra cà phê. Nhìn Dũng gầy hốc hác. Dũng bảo đang nằm viện vì đau bao tử, hôm nay trốn viện ra đi chơi thăm anh em bạn bè tý cho vui. Vài hôm nữa, làm siêu âm, xét nghiệm.

Có lẽ Dũng không muốn mọi người lo. Bệnh anh đã khá trọng.

Anh em VietTimes ghé thăm Dũng. Tình trạng bệnh xấu đi nhanh. Anh dũng cảm, kiên cường đấu tranh với căn bệnh hiểm nghèo, giành giật với nó từng ngày sống. “Cháu chưa thấy ai đối diện với K, vừa bản lĩnh, vừa lạc quan và cũng vừa trách nhiệm như anh Dũng” – bạn kế toán cơ quan nói với tôi, sau khi đi thăm về.

Biết khó qua khỏi, Dũng bình tĩnh chủ động chuẩn bị cho hậu sự của mình, nhắn nhủ người ở lại. Dũng yêu Hải Phòng mãnh liệt. Ai chơi với Dũng đều thấy ngay. Lên Hà Nội làm việc bao năm nhưng Dũng vẫn để hộ khẩu ở Hải Phòng, nhà anh, vợ con anh vẫn sống ở Hải Phòng.

Thâm tâm Dũng muốn trút hơi thở ở quê hương nhưng lại chọn “đi”... ở Hà Nội. “Đỡ phiền hà mọi người đi lại, mà thủ tục lại gọn nhẹ. 2 tiếng đồng hồ là xong” – việc trót đời, Dũng vẫn nghĩ cho người khác.

Anh cũng chủ động “tìm đất” cho mình. Dĩ nhiên là phải ở Hải Phòng. “Kiếm rộng rộng chút, để còn làm cái lăng của gia đình. Sau này, mấy anh chị về đó luôn, sẵn đất đó rồi, đỡ phải mua” – anh nói với người nhà. 49 tuổi ta, Quốc Dũng là em út trong 3 anh em nhà.

lễ tang quốc dũng.jpeg
Chương trình lễ tang Nhà báo Trương Quốc Dũng.

Dường như mọi việc cần làm thì Dũng đã sắp xếp xong xuôi nên vào lúc 10h35 sáng nay (ngày 19/8/2023, nhằm mùng 4 tháng 7 năm Quý Mão), Dũng lặng lẽ rời cõi tạm.

Nghĩ vẩn vơ, tôi vào lại facebook của Dũng. Lục messenger, tình cờ đọc lại nhiều đoạn mà Dũng và tôi đã chat trao đổi công việc khi còn làm cùng nhau. “Nó viết khá đuối, em làm lại gần như toàn bộ nên mất thời gian. Không dám nói ra sợ nó mất tinh thần” - Dũng trao đổi về bài viết của một phóng viên.

Dạ, em nhận được rồi ạ. Em sẽ cân nhắc kỹ. Sếp biết rồi đấy, em là thằng máu me nghề nghiệp, nếu chỉ đạo đi đúng hướng thì công việc em sẽ lo hết” - Dũng trả lời một đề nghị của tôi về việc sắp xếp tổ chức.

Giờ đây, đọc lại những đoạn hội thoại trao đổi công việc như vậy, tôi thực sự đau đớn. Cuộc sống thật bất công với Quốc Dũng! Anh còn khá trẻ, luôn đau đáu về công việc; sống hết lòng vì anh em bạn bè; mọi thứ bắt đầu vào độ chín..., lại sớm phải ra đi như thế!

Anh em, bè bạn, đồng nghiệp (trong đó có cả tôi) thương Dũng vô cùng, đau đớn vô cùng; nhưng cũng “giận” Dũng nữa. Khi sống sao chẳng “vun vén” cho mình tý gì; có gì toàn đi chia, đi lo cho mọi người cả. Nhưng mà cũng có thể vì thế, Dũng sẽ luôn có mặt trong tâm khảm mọi người.

Thôi, thanh thản ra đi nhé, Dũng ơi!