Giám đốc FPT Digital nói về xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital - đã chia sẻ với VietTimes về những loại hình doanh nghiệp sẽ tập trung vào chuyển đổi số năm 2023.
Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital
Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital

Là một trong những công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam hiện nay, FPT Digital đã thực hiện tư vấn cho nhiều công ty, tập đoàn lớn về lộ trình xây dựng nguồn lực, chuyển đổi số gắn liền với định hướng phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh khối doanh nghiệp, FPT Digital còn giúp các tỉnh, thành trong công cuộc chuyển đổi số và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital - về xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong năm 2023.

2 loại hình doanh nghiệp sẽ tập trung vào chuyển đổi số trong 2023

PV: Ông đánh giá như thế nào về sức sống của các doanh nghiệp trong năm 2023 khi mà ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn tác động đến nền kinh tế xã hội?

Ông Vương Quân Ngọc: Có thể nói 2023 dự báo kinh tế vẫn còn khó khăn. Theo FPT Digital, khó khăn lớn nhất là duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, do doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn từ những nguồn cả trực tiếp và gián tiếp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cân nhắc về những yếu tố có thể đẩy lên lâu dài hay ngắn hạn. Trong cuộc đua cạnh tranh sẽ phân hóa thành 2 nhóm chủ yếu.

Nhóm thứ nhất là nhóm doanh nghiệp có sự tích lũy lâu năm và trong khó khăn họ sẽ giảm bớt các đầu tư ngoài ngành, giảm những đầu tư mạo hiểm để tập trung vào hoạt động cốt lõi mà có thể tạo ra những giá trị lâu dài hơn. Xu hướng về việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số sẽ tập trung về nhóm doanh nghiệp này. Khi họ quay về cái này thì họ sẽ tìm cách để đạt đến những bài toán càng trở nên tối ưu trong việc sản xuất kinh doanh ở những nhóm cốt lõi.

Do đó khi chúng ta cùng nhìn góc như vậy thì dẫn đến các doanh nghiệp không phải họ giảm bớt công việc chuyển đổi số mà họ đang quay trở lại các mô hình về sự tối ưu trong vận hành, sự tối ưu trong hành khách hàng nhưng chỉ là ngành nghề mà thuộc về nhóm năng lực cốt lõi của họ trong chiến lược đường dài.

Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp có ít tích lũy hơn đang loay hoay với việc phải tối ưu vận hành thì họ cần phải bứt ra được những thách thức giữa đầu tư ngắn và dài hạn. Tuy nhiên, khó khăn sẽ tạo ra nhiều cơ hội, bởi vì càng trong khủng hoảng thì càng có nhiều cơ hội để có thể thể rút ngắn khoảng cách.

PV: Liệu chuyển đổi số có góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ, ít tích luỹ vượt qua khó khăn?

Ông Vương Quân Ngọc: Hãy hình dung, khi mà mọi thứ đều thuận lợi thì khoảng cách giữa những doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ là rất xa. Các doanh nghiệp chạy trước sẽ chạy xa hơn, và doanh nghiệp đi sau khó có thể tìm được cơ hội vượt lên họ. Còn trong khủng hoảng, khó khăn, cơ hội sẽ sinh ra khi doanh nghiệp lựa chọn hướng đi mới hoặc điều chỉnh, chuyển đổi các giá trị lõi của họ. Và chuyển đổi số sẽ trở thành phương tiện để doanh nghiệp tận dụng cơ hội và đạt tới mục tiêu mới. Có thể nói, chuyển đổi số sẽ theo xu hướng giúp doanh nghiệp kiện toàn hơn năng lực lõi.

Ví dụ trong ngành tài chính, ngân hàng, bán lẻ thì đối thủ của ngân hàng không chỉ là cùng ngành nữa, mà còn cả những doanh nghiệp đến từ lĩnh vực khác như viễn thông, vận chuyển, bán lẻ,... Họ là những doanh nghiệp cũng tham gia đáp ứng nhu cầu tài chính cho những khách hàng, và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của ngân hàng ở những mảng dịch vụ tài chính mà họ được cấp phép.

Như vậy, ngành ngân hàng thuộc nhóm cần phải chuyển đổi nhanh nhất, và phải tung ra sản phẩm, dịch vụ với tốc độ nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tiếp theo sẽ là khối ngành bán lẻ, logistic, viễn thông kèm theo những ngành sản xuất có cùng chuỗi cung ứng... Ví dụ những doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cung ứng sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng sẽ thuộc nhóm này.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hơn 90% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa nhận thức tầm quan trọng về chuyển đổi số và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ quy trình nào

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hơn 90% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa nhận thức tầm quan trọng về chuyển đổi số và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ quy trình nào

Thay đổi về tính dài hạn trong chiến lược của doanh nghiệp

PV: Đâu là yếu tố chủ đạo doanh nghiệp cần phải chú ý khi chuyển đổi số thưa ông?

Ông Vương Quân Ngọc: Càng trong khủng hoảng và sau khủng hoảng thì tính dài hạn ngày càng mất dần đi vì tốc độ thay đổi quá nhanh và cần phải ngày càng linh hoạt hơn. Tính linh hoạt sẽ là điểm nổi trội nhất.

Nếu như trước đây nói đến chiến lược kinh doanh là dài hạn trong 3-5 năm, đặt ra mục tiêu dài hơn, nhưng bây giờ không đề cập chiến lược dài như vậy nữa mà sẽ chuyển qua đánh giá mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp cần rút ngắn thời gian để liên tục đo lường các kết quả, giúp có thể thay đổi các giá trị cốt lõi nhanh. Mỗi năm họ đều phải xem có gì thay đổi, phải cập nhật lại chiến lược, điều chỉnh lại so với đánh giá trước đây.

Tuy nhiên, nếu vừa phải linh hoạt và thay đổi liên tục vừa phải đảm bảo hiệu quả đầu tư, điều mà thường chỉ tối ưu được nếu giữ ổn định suốt chặng đầu tư thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn ra sao? Với thách thức này thì chuyển đổi số là lời giải duy nhất. Bởi vì sao? Bởi vì nếu như cách đầu tư trước đây có tính ổn định cao thì doanh nghiệp hay có xu hướng đầu tư vào nền tảng. Đây cũng là cách đầu tư vào hệ thống CNTT trước đây. Khi đó với chi phí đầu tư cao, sẽ được khấu hao dần và sản phẩm càng nhiều thì chi phí càng thấp. Tính ổn định trong sản xuất lúc đó sẽ làm cơ sở để giảm giá thành, giảm chi phí và do đó tính ổn định càng phải tăng cao nữa.

Còn hiện nay, do thay đổi mô hình linh hoạt thì không thể đầu tư nền tảng theo cách cũ như vậy nữa. Chuyển đổi số là cách duy nhất giải bài toán này. Doanh nghiệp có thể dùng chung nền tảng trong hệ sinh thái và từ đó có thể linh hoạt để thay đổi. Có thể nói mô hình doanh nghiệp sẽ hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ. Không chỉ là chia sẻ với hệ sinh thái ngoài doanh nghiệp, mà còn là sự chia sẻ trong nội bộ giữa các bộ phận chức năng, giữa các phòng, ban chức năng trong chính doanh nghiệp đó. Vấn đề gốc của câu chuyện này là phải phụ thuộc vào biến đổi của thị trường, tức là yếu tố nào cần giữ ổn định và yếu tố nào phải linh hoạt để đáp ứng thị trường nhanh.

Có một câu chuyện về sản xuất linh hoạt như tại một doanh nghiệp thủy hải sản mà FPT Digital đã tư vấn chuyển đổi số. Họ có nguyên liệu chính chỉ là con tôm, nhưng sản phẩm mà họ đưa ra thị trường lên tới 6.000 mã sản phẩm khác nhau. Họ luôn chạy đua với thời gian để giữ được độ tươi ngon của sản phẩm thực phẩm đồng thời đáp ứng những yêu cầu rất khác nhau của mỗi lô hàng.

Đồng hành cùng nhà tư vấn để tối ưu hiệu quả chuyển đổi số

PV: Khi quyết định phải chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Ông có lời khuyên hoặc chia sẻ nào với các doanh nghiệp không?

Ông Vương Quân Ngọc: Hiện nay không chỉ là câu chuyện công nghệ mà những thay đổi về nhu cầu trên thị trường có ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp cần thay đổi linh hoạt các sản phẩm mình, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu của thị trường mục tiêu vì đối thủ cạnh tranh giữa không chỉ đến từ doanh nghiệp trong cùng ngành nghề như trước đây mà còn đến từ những nhóm ngành có thể đáp ứng được nhu cầu đó.

Những thay đổi mô hình kinh doanh thường đến từ góc nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Và để khách quan, toàn diện thì họ có thể đồng hành cùng các nhà tư vấn. Doanh nghiệp có thể là người hiểu rất rõ ngành nghề họ đang hoạt động, nhưng như trên đã nói, đối thủ của họ còn có thể ở ngoài ngành, nên khi có bên tư vấn đồng hành sẽ tránh được nhiều bẫy chuyển đổi số gây lãng phí và mất thời gian, mất cơ hội cạnh tranh.

Những nhà tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp luôn đi đúng theo lộ trình, luôn đánh giá đối chuẩn với thị trường, giúp chương trình chuyển đổi số nhanh chóng thành công với chi phí và thời gian tối ưu nhất.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!