Giải mã toàn cảnh vụ Iran bắn rơi UAV trinh sát tối tân của Mỹ

VietTimes -- “Nếu Mỹ và đồng minh của họ dám bắn vào Iran dù chỉ một viên đạn thì họ sẽ phải hứng chịu những đòn giáng trả gấp bội” – Đó là tuyên bố cứng rắn của ông Abolfazl Shekarchi, người phát ngôn của quân đội Iran hôm 22/6. Theo hãng RT của Nga, ông đã tuyên bố như trên với trang tin Tasnimnews thân cận với quân đội Iran. “Nếu kẻ thù dám bắn vào Iran một phát súng, chúng ta sẽ bắn lại 10 phát và bắt chúng phải trả cái giá nặng nề!” – ông  Abolfazl Shekarchi nói.
Bằng hệ thống tên lửa phòng không Khordad-3 này, Iran đã bắn hạ chiếc UAV tối tân của Mỹ.
Bằng hệ thống tên lửa phòng không Khordad-3 này, Iran đã bắn hạ chiếc UAV tối tân của Mỹ.

Iran không run sợ trước sự đe dọa của Mỹ

Ông Shekarchi chỉ ra rằng: “Nước Cộng hòa Hồi giáo này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tìm kiếm bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Nhưng bất kỳ sai lầm nào mà kẻ thù của Iran, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh của chúng phạm phải, đều giống như việc châm ngòi một thùng thuốc súng, nó sẽ san thành bình địa lợi ích của Mỹ và các đồng minh”.

Về lợi ích của các đồng minh Mỹ, Hãng thông tấn Fars của Iran hôm 22/6 đã đưa tin: Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập đại diện ngoại giao của Các Tiểu vương Ả rập thống nhất (UAE) tại Iran vào cùng ngày vì UAE đã cho phép chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ hôm 19/6 xuất phát từ căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ của họ.

Một chiếc RQ-4 BASMS-D đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm trên biển
Một chiếc RQ-4 BASMS-D đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm trên biển

Về vấn đề này, Reuters cùng ngày 22/6 đã dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của một nước Ả rập nói rằng tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ làm tổn hại thêm lợi ích của tất cả các bên ở Trung Đông. Nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên này nói: “Bất kể nhìn nhận Iran và Mỹ như thế nào, thì tình hình căng thẳng gia tăng cũng là một thảm họa đối với tất cả mọi người”.

Được biết, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm 22 đã ra một tuyên bố nói họ đã bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4 “Global Hawk” do Mỹ sản xuất khi xâm phạm vào không phận Iran gần Eo biển Hormuz. Quan chức Mỹ sau đó đã xác nhận rằng máy bay không người lái đã bị bắn hạ, nhưng cho biết máy bay này đang ở trong không phận quốc tế. Tổng thống Mỹ Trump cũng tuyên bố: “Iran đã phạm một sai lầm lớn”. Ông nói chiếc máy bay không người lái này khi đó đang bay trong không phận quốc tế và có chứng cứ để chứng minh điều này.

Xác chiếc RQ-4 BASMS-D do phía Iran vớt trên vùng biển của họ và công bố
Xác chiếc RQ-4 BASMS-D do phía Iran vớt trên vùng biển của họ và công bố

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Arakchi nói trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Đại sứ Thụy Sỹ tại Tehran, Marcus Letna – người đại diện cho quyền lợi của Mỹ, rằng Iran phản đối máy bay không người lái của Hoa Kỳ xâm phạm không phận Iran. Ông cũng nhắc lại rằng, “Iran không tìm cách gây nên cuộc chiến tranh và xung đột ở Vịnh Ba Tư và cảnh cáo quân đội Mỹ không được hành động liều lĩnh trong khu vực”.

Ngoài ra, Bộ trưởng các vấn đề Trung Đông của Anh, ông Andrew Murrison sẽ đến thăm Iran vào ngày 23/6 và hội đàm với các quan chức cấp cao của Iran. Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố: “Tình hình căng thẳng trong khu vực hiện đang gia tăng và tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran đang ở vào thời điểm then chốt. Chuyến thăm này là cơ hội tốt để tiếp tục tiếp xúc cởi mở, thẳng thắn và mang tính xây dựng với Iran”.

Bản đồ do Ngoại trưởng Iran công bố mô tả đường bay và vị trí chiếc RQ-4 BASMS-D bị bắn hạ khi đã xâm nhập không phận Iran
Bản đồ do Ngoại trưởng Iran công bố mô tả đường bay và vị trí chiếc RQ-4 BASMS-D bị bắn hạ khi đã xâm nhập không phận Iran

Tranh cãi về vị trí máy bay bị bắn rơi: ông nói gà, bà nói vịt

Ngày 20/6, Iran tuyên bố rằng họ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và phía Mỹ sau đó cũng đã thừa nhận. Tuy nhiên, hai bên khăng khăng giữ quan điểm riêng về kiểu loại chiếc máy bay và địa điểm nó bị bắn hạ: phía Iran cho rằng chiếc UAV đã xâm nhập không phận Iran, nhưng Mỹ khẳng định nó đang bay trong không phận quốc tế.

Đến ngày 22/6, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã công bố trên Twitter của ông bản đồ về hành trình và tọa độ chi tiết vụ xâm nhập của chiếc máy bay không người lái Mỹ vào không phận Iran. Sau khi công bố dữ liệu, ông Zarif đã viết trên Twitter rằng “không còn nghi ngờ gì nữa về việc địa điểm chiếc máy bay không người lái đã bị bắn hạ”.

Sơ đồ đường bay và vị trí chiếc UAV bị bắn rơi do Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif vẽ
Sơ đồ đường bay và vị trí chiếc UAV bị bắn rơi do Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif vẽ

Zarif nói, đường màu xanh trong bản đồ là quỹ tích đường bay của chiếc UAV Mỹ, đường màu vàng thể hiện vùng thông tin chuyến bay của Iran (FIR), đường màu đỏ là vùng lãnh hải của Iran, đường màu xanh lá cây đại diện cho vùng nội thủy của Iran; điểm màu vàng thể hiện vị trí chiếc máy bay nhận được tín hiệu vô tuyến cảnh cáo của Iran và điểm đỏ là vị trí cuối cùng của chiếc UAV khi bị Iran bắn hạ.

Sau đó, ông Zarif đưa ra bức ảnh chụp biên giới Mỹ, Iran và vị trí chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ. Bức ảnh này đã được ông công bố trong bản tweet ngày 20/6 của ông. Vào thời điểm đó, Zarif đã công bố một bản phác thảo vẽ tay đơn giản về đường bay xuyên biên giới của chiếc UAV và cáo buộc Mỹ xâm phạm lãnh thổ Iran.

Ảnh do Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif công bố chụp bản đồ Mỹ, Iran và vị trí chiếc máy bay bị bắn rơi (chấm đỏ)
Ảnh do Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif công bố chụp bản đồ Mỹ, Iran và vị trí chiếc máy bay bị bắn rơi (chấm đỏ)

Khi đó, ông Zarif tuyên bố, Iran không tìm kiếm chiến tranh, nhưng sẽ tích cực bảo vệ lãnh thổ, không phận và lãnh hải của mình. Ngoài ra, ông cũng nói rằng Iran sẽ đệ trình vấn đề lên Liên Hợp Quốc để chứng minh rằng Mỹ đang dối trá khi nói họ “chưa vào không phận Iran”.

Cơ quan truyền thông chính thức của Iran - Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRNA) ngày 20/6 đưa tin: Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4 “Global Hawk” ở tỉnh Hormuzgan ở miền nam Iran. Mỹ sau đó đã nói rằng một máy bay không người lái MQ-4C “Triton” của họ đã bị bắn hạ khi đang bay trong không phận quốc tế phía trên eo biển Hormuz.

Sau đó vào tối muộn ngày 20 tháng 6, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã công bố một đoạn video trên Telegram nói rằng họ đã sử dụng tên lửa phòng không tầm trung RAAD do Iran tự chế tạo để bắn hạ chiếc máy bay không người lái của Mỹ. Phía Iran cũng nói rằng họ đã có thể nhắm vào chiếc máy bay tuần tra P-8 chở 35 người bay bên cạnh chiếc máy bay không người lái, nhưng họ đã không làm thế.

Bản twit đầu tiên của ông Donald Trump viết “Iran đã phạm một sai lầm nghiêm trọng” sau khi nghe tin chiếc UAV bị Iran bắn hạ
Bản twit đầu tiên của ông Donald Trump viết “Iran đã phạm một sai lầm nghiêm trọng” sau khi nghe tin chiếc UAV bị Iran bắn hạ

Sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Trump từng nói trên Twitter rằng “Iran đã phạm một sai lầm nghiêm trọng”, nhưng sau đó, ông đã thay đổi và nói rằng ông “thật khó tin rằng Iran cố ý hành động”. Ông viết: “Tôi cho rằng có thể Iran đã phạm sai lầm. Tôi có thể tưởng tượng đó là sai lầm của một viên tướng hoặc người nào đó đã bắn lầm chiếc máy bay không người lái”. Reuters tin rằng đây là một nỗ lực để hạ nhiệt, tránh xảy ra một cuộc xung đột.

Cục Quản lý Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) sau đó tuyên bố cấm các máy bay chở khách hàng không dân dụng của Mỹ bay qua không phận Iran ở Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman. Và một ngày sau, ông Trump đã xác nhận tin ông từng ra lệnh phát động cuộc tấn công quân sự chống lại Iran sau vụ việc, nhưng cuối cùng đã rút lại lệnh chỉ ít phút trước khi hành động bắt đầu diễn ra. Ông Trump viết: “Hôm thứ Hai, Iran đã bắn rơi một chiếc UAV bay phía trên vùng biển quốc tế. Tối thứ Hai, chúng ta “đạn đã lên nòng chờ bóp cò” định trả đũa vào 3 địa điểm. Khi tôi hỏi sẽ có bao nhiêu người bị chết, một viên tướng trả lời “150 người”. 10 phút trước khi cuộc không kích diễn ra, tôi đã bãi bỏ mệnh lệnh vì tỷ lệ đó không đáng so với chiếc UAV bị bắn rơi”.

Bản twit thứ hai của ông Donald Trump về việc đã hủy bỏ lệnh tấn công Iran ít phút trước khi nó được thực hiện
Bản twit thứ hai của ông Donald Trump về việc đã hủy bỏ lệnh tấn công Iran ít phút trước khi nó được thực hiện

Iran đã bắn rơi chiếc UAV giá hơn trăm triệu USD bằng tên lửa tự sản xuất

Hãng tin chính thức Cộng hòa Hồi giáo của Iran (IRNA) trích dẫn tuyên bố của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, nói rằng chiếc máy bay không người lái RQ-4 “Global Hawk” của quân đội Mỹ bị bắn hạ đã cất cánh từ căn cứ ở phía nam vịnh Ba Tư cùng ngày; các thiết bị trinh sát điện tử trên máy bay đang ở trạng thái mở để thực hiện nhiệm vụ tiến hành trinh sát “có tính xâm lược”. Trên đường trở về, chiếc máy bay không người lái đã bay vào không phận Iran gần eo biển Hormuz. Hệ thống phòng không Iran đã bắn hạ nó lúc 4 giờ 05 phút sáng ngày 20/6 giờ địa phương.

Theo hình ảnh trên đoạn video, người Iran có lẽ đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không RAAD sản xuất trong nước. Đây là tên lửa phòng không tầm trung có tầm bắn 50 km và độ cao 25-27 km. Truyền thông chính thức Iran, Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo Iran đưa tin vào ngày 20/6 rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4 “Global Hawk” ở tỉnh Hormuzgan ở miền nam Iran.

Các hệ thống tên lửa phòng không Khordad-3 của Iran
Các hệ thống tên lửa phòng không Khordad-3 của Iran

Theo hãng tin Mỹ AP ngày 20/6, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hussein Salami nói với hãng IRNA việc bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ đã gửi một “tín hiệu rõ ràng” đến người Mỹ: biên giới Iran là bất khả xâm phạm. Chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng bày tỏ, mặc dù Iran không có ý định tuyên chiến với bất kỳ ai, nhưng Cộng hòa Hồi giáo Iran đã chuẩn bị sẵn sàng cho  việc tiến hành chiến đấu.

Sau khi chiếc máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ, Iran đã thu hồi được một số mảnh vỡ của nó trong vùng lãnh hải của họ. Quân đội Mỹ sau đó đã thừa nhận rằng Iran đã bắn hạ một UAV kiểu “Global Hawk” của Hải quân.

Đại tá Bill Urben, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết trong một tuyên bố hôm 20/6: “Một máy bay giám sát hàng hải trên diện rộng của Hải quân Mỹ (BAMS-D) đang thử nghiệm đã bị Hệ thống tên lửa đất đối không của Iran bắn hạ khi đang thực thi nhiệm vụ tại không phận quốc tế ở Eo biển Hormuz”. Người phát ngôn nói rằng khi Lực lượng Vệ binh Iran bắn tên lửa, chiếc máy bay không người lái này đang hoạt động ở độ cao cách vị trí gần nhất trên bờ biển Iran 34km.

Một hệ thống Khordad-3 được trưng bày
Một hệ thống Khordad-3  được trưng bày

 Đại tá Bill Urben chỉ ra rằng Iran cho rằng máy bay không người lái đã vi phạm không phận là sai. Đây là một cuộc tấn công vô cớ vào máy bay Mỹ khi đang bay giám sát trong không phận quốc tế. Đồng thời, ông chỉ trích vụ tấn công của Iran là “vô trách nhiệm” vì điểm đánh chặn ở khu vực sát hành lang hàng không được thiết lập giữa Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Oman có thể gây nguy hiểm cho các thường dân vô tội.

Theo thông tin do Cục Quản lý Hàng không Dân dụng Mỹ công bố, một máy bay không người lái của Hải quân số hiệu 166510 đã rời khỏi bờ Đông nước Mỹ ngày 15/6 đến căn cứ Không quân Al Dhafra ở Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Theo điều tra, đây là một chiếc RQ-4A BAMS-D được triển khai tại Trạm không quân hải quân ở sông Patuxent, bang Maryland. Chiếc máy bay này là một chiếc RQ-4A “Global Hawk” Block 10 đã ngừng hoạt động được trang bị hệ thống giám sát BAMS-D sản xuất cho loại MQ-4C “Triton”. Tính đến tháng 6/2019, Hải quân Mỹ đã triển khai 5 chiếc RQ-4A BAMS-D để thử nghiệm, địa điểm chủ yếu thuộc thẩm quyền của Bộ Tư lệnh Trung tâm. Tình trạng triển khai hiện tại của những chiếc máy bay này là không xác định.

Mặc dù trước đó có báo cáo rằng chiếc máy bay không người lái bị hạ có thể là một trong hai chiếc RQ-4C “Triton” trị giá 180 triệu USD của Hải quân Mỹ, nhưng Hải quân phủ nhận thông tin này. Bởi vì số RQ-4C hạn chế của Hải quân được ưu tiên triển khai đến đảo Guam để đối phó với Trung Quốc và theo kế hoạch ít nhất là cho đến năm 2021 các máy bay này mới có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tác chiến (IOC).

Thông tấn xã Tasnimnews của Iran hôm 20/6 cho biết, chiếc UAV trinh sát tối tân loại RQ-4 BASMS-D trị giá 176 triệu USD của Mỹ (Theo Time) đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Khordad-3 phiên bản nâng cấp của loại RAAD do Iran sản xuất.

Hệ thống Khordad-3 có thể đồng thời tấn công 4 mục tiêu, tầm bắn 105km, độ cao 27km. Hình dáng bề ngoài của nó rất giống hệ thống Buk-M2E của Nga mặc dù Nga chưa hề bán nó cho Iran. Một nguồn tin của quân đội Iran cho biết Khordad-3 là 1 trong 4 biến thể của hệ thống RAAD.

Hệ thống Buk-M2E (SA11) của Nga
Hệ thống Buk-M2E (SA11) của Nga

Khordad-3 là biến thể được nâng cấp mới nhất, sử dụng loại đạn Taer-2B tầm bắn 105km, được bắn theo chỉ định 2 đạn/1 mục tiêu để nâng cao hiệu quả sát thương. Về thiết kế, Khordad-3 nom rất giống hệ thống Buk-M2E của Nga, cũng sử dụng bệ xe MZKT-6922; điều khác biệt là giàn phóng Buk-M2E có 4 đạn, còn Khordad-3 chỉ có 3 quả. Một số chuyên gia cho rằng, Iran đã sao chép toàn bộ thiết kế của Buk-M2E, từ xe, radar đến đạn tên lửa.

Khordad-3 được hoàn thành thử nghiệm và đưa vào biên chế năm 2014, radar của nó được cho là được cải tiến và còn tốt hơn cả loại trang bị cho Buk-M2E. Một sĩ quan Iran nói, Khordad-3 có thể sánh ngang với hệ thống S-300 của Nga, nó có thể nhanh chóng được nâng tầm bắn lên 100km, thậm chí 200km. Khordad-3 có thể bắn hạ máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, UAV, tên lửa hành trình ở khoảng cách 105km, độ cao 27km. Nó được gắn đầu đạn mảnh HE, cơ chế dẫn đường tương tự hệ thống Buk của Nga.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia phân tích quân sự lại cho rằng, Khordad-3 được Iran chế tạo, có thể được nâng cấp từ tên lửa phòng không 2K12 “Kub” (SA-6) của Nga.