GDG DevFest Ha Noi 2017: Tín hiệu mừng cho cộng đồng lập trình viên Việt

VietTimes -- "Có nhiều lập trình viên nhỏ tuổi. Có đội 3 người thì có đến 2 người đang đi học Trung học Phổ thông. Đây là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng lập trình viên Việt Nam”, ông Phạm Phương Tú, thành viên ban giám khảo cuộc thi GDG Mini Hackathon Hanoi 2017 cho biết.
Một đội thi của GDG Mini Hackathon Hanoi 2017. Ảnh: Ánh Dương
Một đội thi của GDG Mini Hackathon Hanoi 2017. Ảnh: Ánh Dương

GDG DevFest Ha Noi 2017 là chuỗi sự kiện công nghệ với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ, xây dựng cộng đồng lập trình viên, đồng thời cập nhật những công nghệ mới nhất của Google tại Việt Nam được tổ chức gần đây.

Tại buổi hội thảo, các diễn giả đã trao đổi với các lập trình viên nhiều chuyên đề như Làm thế nào để di chuyển từ Java đến Kotlin; Bảo mật hệ thống trên đám mây; Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thực tế ảo…

Theo đánh giá của các bạn lập trình viên đã tham gia buổi hội thảo Google Developer Festival Hanoi 2017, các chủ đề được BTC đưa ra khá sát với thực tiễn và có tính tham luận cao. Các diễn ra đã không tập trung quá nhiều vào phần trình bày dài dòng lan man, mà đi sâu vào việc trả lời câu hỏi và đặt ra những vấn đề để các lập trình viên trẻ có cơ hội đào sâu suy nghĩ.

Đặc biệt, điểm mới của GDG DevFest Hanoi 2017 lần này chính là GDG Mini Hackathon Hanoi 2017 – cuộc thi lập trình dành riêng cho những người yêu thích công nghệ và mong muốn có cơ hội giao lưu, học hỏi các chuyên gia đến từ Google.

Đề bài đặt ra trong cuộc thi lần này là các bạn sinh viên phải xây dựng một app mobile trên android cho một nhà hàng.

Tình huống đặt ra là app của các bạn sẽ phải thông báo số phòng trống, các món ăn hằng ngày cho khách hàng đặt phòng. Khi khách hàng book phòng, app phải báo lại cho nhà hàng để nhà hàng xử lý yêu cầu và liên hệ lại với khách, ông Hàn Đức Toàn, Project Manager của ban tổ chức cho biết.

GDG DevFest Ha Noi 2017: Tín hiệu mừng cho cộng đồng lập trình viên Việt ảnh 1Đội Bug Creators đến từ Đại học Bách Khoa đã dành giải nhất GDG Mini Hackathon Hanoi 2017.

Theo đánh giá của các đội thi, đề bài này khá thiết thực, vừa đủ độ khó cho khoảng thời gian của cuộc thi. Nếu có thời gian, các thí sinh dự thi sẽ có thể tiếp tục hoàn thiện các tính năng khác để cho ra một ứng dụng hoàn thiện hơn, bạn Nguyễn Quốc Anh - sinh viên năm 4 trường Đại học Bách khoa Hà Nội – một thành viên của đội thi chia sẻ.

“Cuộc thi này giúp các thí sinh tăng cường khả năng team work, đồng thời làm quen được với nhiều bạn trẻ có cùng đam mê về lập trình và hỗ trợ các bạn trẻ về kinh nghiệm lập trình”, bạn Quốc Anh cho biết thêm.

Tuy cuộc thi chỉ kéo dài trong 10 tiếng, nhưng với việc phải hoàn thiện xuất sắc ứng dụng của mình để cạnh tranh với 11 đội khác, các bạn sẽ rèn luyện được tinh thần làm việ nhóm và khả năng chịu áp lực trong công việc, ông Phạm Phương Tú, diễn giả tại chương trình, đồng thời là thành viên ban giám khảo cho biết.

Nếu các đội nào có được một app có ý tưởng xuất sắc, tôi tin là sẽ được đưa ra ứng dụng thực tế. Có thể không phải là sản phẩm này, nhưng chúng tôi sẽ hợp tác với các bạn cho các sản phẩm tiếp theo, ông Tú cho hay.

Diễn giả Phạm Phương Tú là diễn giả được GDG DevFest mời để trao đổi với các lập tình viên về bảo mật hệ thống đám mây của Google. Ông Tú là giám đốc công nghệ và đồng sáng lập Dyno.me, chuyên gia về các dịch vụ, công nghệ điện toán đám mây của Google.

GDG DevFest Ha Noi 2017: Tín hiệu mừng cho cộng đồng lập trình viên Việt ảnh 2Diễn giả Phạm Phương Tú.

“Những năm vừa qua, Việt Nam liên tục gặp các cuộc tấn công mạng cũng như gặp lỗ hổng bảo mật liên quan đến thất thoát dữ liệu… Buổi trao đổi của tôi hi vọng giúp các bạn hiểu được bức tranh chung của hệ thống bảo mật và giúp cá bạn có thể thích nghi, hoàn thiện sản phẩm trong thế giới rủi ro về bảo mật”, ông Tú nói.

Ngoài ra, “thông qua buổi trao đổi này, tôi muốn truyền cho các bạn trẻ kinh nghiệm để bước đi  trên con đường của một lập trình viên chuyên nghiệp”, ông Tú nói thêm, với một số bạn trẻ hiện nay, mong muốn của các bạn rất ngắn hạn và trong tư duy của các bạn, sự nghiệp của lập trình viên sẽ kết thúc ở tuổi 30, tuy nhiên các bạn có thể làm việc đến 50 – 60 tuổi với cơ hội được làm việc với các hãng lớn trên thế giới.

Hiện nay, so với các bạn trẻ của các nước khác, lập trình viên việt nam có tính cạnh tranh cá nhân rất cao so với lập trình viên các nước khác. Trong khu vực, Việt Nam có đội ngũ lập trình viên vào top xuất sắc nhất, nhưng đây mới chỉ là sự cạnh tranh cá nhân.