Elon Musk ghi tên mình vào danh sách Guinness vì thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với khoảng 182 tỉ USD bị bốc hơi trong năm vừa rồi, Elon Musk chính thức ghi tên mình vào danh sách Guinness là "người mất tài sản cá nhân lớn nhất trong lịch sử".
Ảnh: Guinness Worldrecords
Ảnh: Guinness Worldrecords

Chủ sở hữu nền tảng mạng xã hội Twitter đã mất khoảng 182 tỉ USD (153 tỉ bảng Anh; 173 tỉ euro) kể từ tháng 11 năm 2021, theo ước tính của Forbes, mặc dù các nguồn tin khác nhau cho rằng con số thực sự có thể lên tới gần 200 tỉ USD.

Mặc dù khó có thể xác định được con số chính xác, nhưng tổng thiệt hại của tỉ phú Musk vượt xa kỷ lục trước đó là 58,6 tỉ USD do nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản Masayoshi Son thiết lập vào năm 2000 kể cả khi đã tính tới chỉ số lạm phát.

Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Musk đã giảm từ mức đỉnh 320 tỉ USD vào năm 2021 xuống còn 138 tỉ USD vào tháng 1 năm 2023, phần lớn là do cổ phiếu của Tesla bị trượt giá không phanh.

“Các yếu tố, nội tại cơ bản của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Sự điên cuồng của thị trường trong ngắn hạn là không thể đoán trước”, ông Musk viết trên Twitter sau khi thị trường đóng cửa, kết thúc năm 2022 vào ngày 30 tháng 12.

Những thất bại của Musk cũng khiến ông mất vị trí người giàu nhất thế giới vào tay Bernard Arnault (Pháp), người sáng lập tập đoàn đồ hiệu LVMH (Louis Vuitton Moët Hennessy), người có tài sản ròng ước tính trị giá 190 tỉ USD (156 tỉ bảng Anh; 177 tỉ euro).

Phần lớn tài sản của Elon Musk gắn liền với cổ phiếu Tesla, giá trị của công ty xe điện này đã giảm mạnh tới 65% vào năm 2022.

Sự sụt giảm đáng báo động này đã leo thang vào tháng 10 sau khi Musk mua Twitter với giá khoảng 44 tỉ USD.

Quá trình tiếp quản hỗn loạn đầy tranh cãi cùng với việc Musk dành phần lớn thời gian cho Twitter vào thời điểm đó, đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu Tesla lớn nhất kể từ khi công ty ra mắt công chúng vào năm 2010.

Mặc dù vậy, Tesla vẫn là công ty xe hơi có giá trị nhất trên thế giới, với mức vốn hóa thị trường lớn hơn 100 tỉ USD so với đối thủ cạnh tranh gần nhất của họ, Toyota.

Mặc dù mất một lượng tài sản khổng lồ, ông Elon dường như vẫn rất phấn chấn. Gần đây vị tỉ phú này còn bay tới Qatar, nơi ông có thể xem Messi nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới.

Ảnh: Guinness Worldrecords

Ảnh: Guinness Worldrecords

Giá trị ròng của các tỉ phú dễ bốc hơi và biến chuyển hơn nhiều so với một người có mức thu nhập trung bình.

Điều này là do phần lớn tài sản của họ thường ở dạng cổ phiếu và các khoản đầu tư. Khi giá trị thị trường của các khoản đầu tư này dao động, thì tài sản của ròng của họ cũng bị ảnh hưởng.

Điều này hoàn toàn đúng với những tỉ phú 'tự lập' như ông Musk hay cựu kỷ lục gia Masayoshi Son vì giá trị tài sản ròng của họ hầu như hoàn toàn đến từ giá trị thị trường của công ty mà họ thành lập (mặc dù Musk không thực sự là người sáng lập ban đầu của Tesla, ông là một nhà đầu tư sớm).

Trong trường hợp của Masayoshi Son, người có giá trị tài sản ròng giảm từ đỉnh 78 tỉ USD vào tháng 2 năm 2000 xuống còn 19,4 tỉ USD vào tháng 7 cùng năm, giá trị của tập đoàn công nghệ Softbank của ông đã bị xóa sổ bởi vụ sụp đổ dot-com.

Vào năm 2000, tình hình tại Softbank biến động đến mức giá trị tài sản ròng của Son có lúc thay đổi tới 5 tỉ USD trong một ngày.

May mắn thay cho Masayoshi Son, Softbank đã phát triển ngày càng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo sau khi mua lại một số công ty công nghệ của Mỹ và Anh.

Khi Elon Musk tiếp tục xây dựng tập đoàn công nghệ của riêng mình, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy vị tỉ phú này sẽ giành lại danh hiệu người giàu nhất hành tinh trong tương lai.

Theo Guinness Worldrecords