Dữ liệu số là động lực và là đầu vào của tiến trình chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Dương Anh - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế - về vai trò của dữ liệu số trong tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.

Ông Nguyễn Dương Anh - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Nguyễn Dương Anh - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tốc độ chuyển đổi số nhanh với nhiều ứng dụng và thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua. Để hiểu hơn về những định hướng chuyển đổi số trong năm 2023 và đưa kết quả của chuyển đổi số vào hoạt động điều hành tại địa phương ra sao, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dương Anh – Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo giá trị mới

- Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến vượt bậc trong tạo lập và khai thác dữ liệu. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dữ liệu và tầm quan trọng của dữ liệu đối với công cuộc chuyển đổi số khi muốn đưa chuyển đổi số (CĐS) vào thực chất?

Ông Nguyễn Dương Anh: CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Thể hiện cụ thể của công nghệ số là các nền tảng số được triển khai, sử dụng trong tiến trình CĐS của quốc gia và mỗi địa phương. Tại đây, dữ liệu số lại có tầm quan trọng nhất định bởi vì dữ liệu số chính là động lực, là dòng nguyên liệu để vận hành hiệu quả các nền tảng số, là đầu vào nhưng cũng là kết quả vận hành đầu ra của các nền tảng số trong thực tế.

Trong các hoạt động truyền thống, có thể xem “dữ liệu giấy” là dòng chảy chính trong hệ thống xử lý, thì sau khi đã có các nền tảng số, đã đưa các hệ thống hoạt động lên môi trường số thì dữ liệu số có vai trò tương tự nhưng vượt trội. Khi khai thác dữ liệu số thì đồng thời cũng sẽ tạo ra dữ liệu số mới, từ đó việc khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới luôn là sự khác biệt căn bản của quá trình CĐS và cũng là tiêu chí để đánh giá các hoạt động CĐS thực chất, hiệu quả.

Trong năm 2023, Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT, xác định đây là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Cùng với đó, nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, địa phương trong tỉnh; giữa tỉnh và cơ quan trung ương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

- Để lãnh đạo ra quyết định, rất cần sự hỗ trợ từ dữ liệu và vai trò của dữ liệu giữ vị trí quan trọng trong quản lý, điều hành. Ông có thể vui lòng chia sẻ về công tác thu thập, khai thác dữ liệu đến việc hỗ trợ ra quyết định tại địa phương?

Ông Nguyễn Dương Anh: Tại Thừa Thiên Huế, dữ liệu sau khi được thu thập, khai thác và phân tích sẽ tạo ra được nhiều thông tin hữu ích cho quá trình quản lý, điều hành và ra quyết định của lãnh đạo.

Nhận thức về sự cần thiết, tính quan trọng và hiệu quả của công tác tạo lập, khai thác dữ liệu số đã được hình thành khá lâu, ngay từ những ngày đầu của hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cho đến nay là giai đoạn hoàn thiện chính quyền điện tử và chuyển đổi số mạnh mẽ.

vt_du lieu so la dong luc 2.png
Trung tâm IOC tỉnh Thừa Thiên Huế

Chúng tôi đã có quy định chặt chẽ về hoạt động của Trung tâm dữ liệu điện tử, mà nay là Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Tại trung tâm, dữ liệu của toàn bộ hoạt động chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ đô thị thông minh được thu thập, quản lý tập trung và chia sẻ dùng chung cho toàn bộ các hệ thống thông tin, các nền tảng số, cũng như có cơ chế phù hợp trong việc cung cấp dữ liệu mở, thu hút xã hội hóa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại địa phương.

Nhờ cơ chế được tạo lập, vận hành phù hợp mà địa phương có thể tránh được tình trạng cát cứ dữ liệu, thông tin, phát huy hiệu quả vận hành các hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ chính quyền điện tử cũng như dễ dàng khai thác, phân tích và cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh hữu ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống dữ liệu cập nhật, luôn sống động theo thời gian thực. Hệ thống các báo cáo số được xây dựng nhằm tạo lập các bức tranh từ toàn cảnh đến cụ thể cho các bài toán phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ ra quyết định của các cấp lãnh đạo tại địa phương một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Ngày nay, khi mà các hệ thống thông tin của địa phương không còn độc lập với các hệ thống thông tin của bộ, ngành, Chính phủ, với cơ chế tạo lập, khai thác và chia sẻ dữ liệu đã và đang vận hành thông suốt, Thừa Thiên Huế luôn có thể kết nối dễ dàng với các hệ thống thông tin này khi có yêu cầu.

Tuy nhiên địa phương cũng có một số điểm cần tiếp tục khắc phục và hoàn thiện hệ thống dữ liệu, ví dụ: Dữ liệu có phần bị trùng lặp giữa các ngành, phải có chuẩn liên kết tốt để xác định dữ liệu gốc, dữ liệu tham chiếu hoặc cập nhật kéo theo; một số cơ quan còn chưa chủ động, tự nguyện trong việc chia sẻ dữ liệu...

Để khắc phục vấn đề này, theo Kế hoạch hành động thực hiện chương trình chuyển đổi số số của tỉnh, định hướng nhiệm vụ và giải pháp về dữ liệu số đã được đặt ra là “Triển khai chiến lược hình thành dữ liệu số, chuẩn hóa quy trình số và sẵn sàng cung cấp dữ liệu số”.

Bài học chuẩn hoá dữ liệu

- Xin ông vui lòng chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược chuẩn hoá quy trình này của địa phương?

Ông Nguyễn Dương Anh: Đó là chuẩn hóa hệ thống các dữ liệu dùng chung theo hướng phân công rõ trách nhiệm của ngành chủ trì và dữ liệu được lưu trữ tập trung ngay từ đầu tại hạ tầng dùng chung của tỉnh và chia sẻ cho các hệ thống thông tin khác và dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ của tỉnh (LGSP).

Dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành được số hóa, chuyển đổi có cấu trúc theo danh mục dữ liệu cấp tỉnh được Bộ TT&TT ban hành kết hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành theo quan điểm số hóa dữ liệu đi trước, có trước làm cơ sở để quyết định có các nội dung tiếp theo trong quy trình chuyển đổi số.

Đó là thay đổi phương thức điều tra, khảo sát xã hội theo hướng dữ liệu số đi trước. Tất cả các hoạt động điều tra, khảo sát số liệu đều thực hiện bằng hình thức eForm (biểu mẫu điện tử) và dữ liệu số thông qua hệ thống dùng chung của tỉnh.

Đổi mới phương thức, hoạt động kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra kết quả thực hiện công việc được thực hiện trên dữ liệu số thông qua các nền tảng số.

Xác định nền tảng số hóa dữ liệu dùng chung của tỉnh là nền tảng gốc để thu thập, tạo lập, chia sẻ dữ liệu nhằm đảm bảo dữ liệu thống nhất, chính xác không trùng lắp; phục vụ việc tổng hợp, hiển thị, phân tích dữ liệu hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định dễ dàng.

vt_viettel ra mat dich vu 5g tại thua thien hue 1.jpg
Sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số ở Thừa Thiên Huế luôn được duy trì thường niên cùng các hoạt động thiết thực, hiệu quả

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xây dựng được hệ thống các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như: CSDL công dân; CSDL doanh nghiệp; CSDL cán bộ công chức viên chức; CSDL thủ tục hành chính;... Các cơ sở dữ liệu nền này được kết nối, chia sẻ dùng chung qua trục LGSP của tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh đã ban hành quyết định về công bố danh mục cơ sở dữ liệu cũng như đã ban hành kế hoạch cung cấp dữ liệu mở và công bố 111 dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh.

- Ông có thể kể ra ví dụ điển hình về việc dữ liệu giúp lãnh đạo ra quyết định, nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành ở địa phương?

Ông Nguyễn Dương Anh: Dữ liệu cùng với các hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các dịch vụ đô thị thông minh luôn phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành và ra quyết định của các cấp lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Có thể quay trở lại với ví dụ điển hình khi địa phương cùng với cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19 ở giai đoạn vừa bùng phát, cực kỳ phức tạp và khó khăn.

Từ việc khai thác hợp lý kho dữ liệu số, địa phương đã nhanh chóng có thể xây dựng các ứng dụng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp hiệu quả trong giai đoạn này. Việc quản lý người vào, người ra, hệ thống phương tiện đi lại, các đối tượng lây nhiễm, các lực lượng tham gia điều phối công tác đều được thực hiện thông qua ứng dụng đô thị thông minh Hue-S một cách tập trung và thông suốt. Người dân được tiếp cận nhanh chóng các thông tin hỗ trợ phòng chống dịch, tương tác với chính quyền cho mọi nhu cầu, vấn đề phát sinh đều được tiến hành trên môi trường số.

Đặc biệt, Hue-S đã trở thành phương tiện số, công cụ phục vụ giám sát, chỉ đạo, điều hành và ra quyết định một cách đắc lực đối với lãnh đạo các cấp tại địa phương trong thời kỳ phức tạp đó.

Cũng chính giai đoạn này, dữ liệu cùng với các hệ thống thông tin, nền tảng số đã phát huy, khẳng định được điểm nhấn mạnh mẽ trong quan điểm của người dân, doanh nghiệp và hệ thống cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại địa phương, và tiếp tục cho đến nay việc ứng dụng dữ liệu và công nghệ số luôn được quan tâm, triển khai một cách hiệu quả, thiết thực tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu số còn được khai thác, phát huy hiệu quả cho công tác quản lý điều hành của địa phương ở một số hệ thống ứng dụng có thể kể ra như: tổ chức vận hành có hiệu quả hơn 20 dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, cung cấp các giá trị hữu ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội; vận hành hệ thống với hơn 620 camera cho mục tiêu giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, tìm kiếm và truy quét các đối tượng nghi vấn, phát hiện và tự động cảnh báo các hành vi, vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Tính đến nay, ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, đã tích hợp lên nền tảng tương tác số Hue-S và hiện nay đã có gần 940.000 tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia.

Đối với các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, xây dựng… địa phương đã và đang triển khai chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện trên hầu hết các nội dung, cơ sở. Nhất là lĩnh vực TN&MT xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa chính và tạo lập cơ sở dữ liệu địa chính dùng chung để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số đi từ yêu cầu thực tế

- Vấn đề của dữ liệu mà rất nhiều địa phương gặp phải đó là dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn, nhiều đặc tính. Vậy địa phương đã làm gì để chắt lọc, đảm bảo thông tin có chất lượng, phục vụ cho công tác ra quyết định chính xác, hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Dương Anh: Thực tế cho thấy dữ liệu số có nhiều cách để thu thập và hình thành nhưng thông thường nhất là từ quá trình số hóa dữ liệu và lưu trữ từ các hoạt động của các hệ thống thông tin và nền tảng số.

Tại Thừa Thiên Huế, có một điểm thuận lợi là các hệ thống thông tin và các nền tảng số được quy hoạch, xây dựng và vận hành khá đồng bộ, hiệu quả trong nhiều năm qua. Mỗi hệ thống thông tin khi vận hành hiệu quả, một mặt đáp ứng các nhiệm vụ công tác, mặt khác dữ liệu số do nó xử lý, sinh ra mới cũng sẽ đồng thời đảm bảo tính chính xác, tính cập nhật, giúp giảm thiểu công sức cho quá trình rà soát, chuẩn hóa so với các hệ thống thông tin hoạt động không thường xuyên, gián đoạn hay kém hiệu quả.

Khi nhiều hệ thống thông tin hiệu quả thì các kho dữ liệu tạo lập của chúng còn được dễ dàng chia sẻ, đối chiếu để cùng hoàn thiện, xác lập bộ dữ liệu cùng loại có tính chuẩn xác và cập nhật nhất.

Ví dụ như thông qua triển khai tốt hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, các hệ thống thông tin chống dịch COVID-19, các dịch vụ đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế gần như có đầy đủ và khá chính xác dữ liệu của toàn bộ người dân trên địa bàn, từ đó khi kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, công tác đối chiếu, làm sạch diễn ra khá nhanh chóng và thuận lợi.

Để dữ liệu đảm bảo được độ chính xác, cập nhật tức thời và hữu dụng cho công tác ra quyết định, Thừa Thiên Huế luôn bảo đảm tính liên thông, kết nối giữa hệ thống thông tin sở ban ngành, địa phương cũng như đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt đảm bảo tính xuyên suốt trong tiến trình "thu thập - lưu trữ - xử lý - ra quyết định".

Tất cả dữ liệu của tỉnh hiện đều được thu thập, tạo lập, lưu trữ, chia sẻ trên 1 nền tảng số hóa dùng chung của địa phương. Trước khi nhập dữ liệu được chuyển tải lên hệ thống thì đã qua công đoạn rà soát, tối ưu dữ liệu để hạn chế thấp nhất khả năng trùng lặp dữ liệu.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức viên chức trong việc sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để giải quyết công việc để làm giàu cho dữ liệu, tạo ra giá trị mới, công khai, chia sẻ dữ liệu.

- Hiệu suất sử dụng dữ liệu và ra các quyết định phụ thuộc rất nhiều về cấu trúc dữ liệu. Ông có thể cho biết tỷ lệ sử dụng dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc tại địa phương hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Dương Anh: Dữ liệu được thu thập khi giao dịch, xử lý ở các hệ thống thông tin quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh nói chung đều tồn tại ở 2 dạng có cấu trúc và phi cấu trúc.

Tuy nhiên, thực tế để các hệ thống thông tin khai thác, xử lý hiệu quả thì bằng một cách nào đó các dữ liệu đều cần được cấu trúc hóa 1 phần hoặc toàn phần, do vậy các hệ thống thông tin xử lý trực tiếp hoàn toàn các dữ liệu phi cấu trúc cũng đang chiếm một số ít trong các hệ thống thông tin của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ở đây không phải vấn đề là hệ thống thông tin có khả năng xử lý được dữ liệu phi cấu trúc hay không, mà vấn đề xuất phát từ việc gia tăng hiệu suất và hiệu quả vận hành hệ thống cho các bài toán thực tế, thiết thực thì công đoạn “cấu trúc hóa” là hữu ích.

Kho dữ liệu của địa phương đều đang được khai thác, vận hành thường xuyên, đáp ứng tối đa các bài toán đã được định hình khá rõ của các cơ quan, ban ngành cũng như nhu cầu của người dân, doanh nghiệp thông qua các dịch vụ đô thị thông minh. Do vậy nếu không tính đến chu kỳ sao lưu thì khối dữ liệu hiện hành được khai thác, xử lý của các hệ thống thông tin, các nền tảng số là gần như toàn phần, tức là không có dữ liệu được thu thập mà không sử dụng.

- Đối với dữ liệu, việc bảo mật thông tin được xem là vấn đề then chốt. Vậy thì việc phân quyền của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với hệ thống dữ liệu của tỉnh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Dương Anh: Song song với quá trình tạo lập, khai thác sử dụng hệ thống dữ liệu số thì việc đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin luôn là một nhiệm vụ quan trọng cần được lưu ý thực hiện.

Để phân quyền cho các cá nhân, đơn vị và tổ chức truy nhập đúng phạm vi, chức năng nhiệm vụ khi thao tác các hệ thống thông tin thì cơ chế này được địa phương thực hiện thông qua 2 giải pháp chính: Giải pháp cứng và giải pháp mềm.

Giải pháp phân quyền, bảo vệ cứng được triển khai thông qua việc thiết lập, quy hoạch các thiết bị, đường truyền dữ liệu, địa chỉ kết nối và hình thành mạng trao đổi, chia sẻ dữ liệu theo đúng các quy chuẩn về an toàn bảo mật các thiết bị, hệ thống phần cứng.

Giải pháp phân quyền, bảo vệ mềm được triển khai thông qua các chức năng chuyên biệt được xây dựng ở các hệ thống thông tin xác định thẩm quyền thao tác với vùng dữ liệu tương ứng với vai trò, chức năng nhiệm vụ tương ứng với tài khoản của các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Thừa Thiên Huế đã thông qua việc triển khai các giải pháp, cơ chế nêu trên, hiện đã và đang đảm bảo khá tốt về tính an toàn, bảo mật và khai thác hệ thống dữ liệu phù hợp thực tiễn.

vt_hue 1.png
Giao diện ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh Hue-S

- Trong thời gian qua, địa phương đã có nhiều sản phẩm chuyển đổi số giành được các giải thưởng đáng tự hào. Ông có thể chia sẻ thêm về những bước tiến mới cũng như các sản phẩm chuyển đổi số đã đạt được và những sản phẩm mới của tỉnh trong năm qua?

Ông Nguyễn Dương Anh: Thời gian vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vinh dự có được nhiều giải thưởng, thành tích về các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số.

Điểm mấu chốt tạo nên các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số được đánh giá cao là nhờ các sản phẩm, giải pháp này đều xuất phát từ chính yêu cầu và nhu cầu thực tế, cần kíp của địa phương trong việc ứng dụng CNTT và các thành tựu công nghệ số, để giải quyết các bài toán thực tiễn.

Thừa Thiên Huế đã hình thành được môi trường tương tác số, nền tảng chuyển đổi số cho tổng thể các hoạt động trên môi trường mạng của địa phương thông qua nền tảng số Hue-S. Với tính chất tạo lập, hình thành một hệ sinh thái chuyển đổi số của địa phương, cho nên các sản phẩm tích hợp, các giải pháp phục vụ chuyển đổi số khi xây dựng đều có một trục phát triển được quy hoạch và định hướng tốt cho việc tham gia vào Hue-S về sau.

Song song với các bước tiến về công nghệ ứng dụng nhằm thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi thao tác, sử dụng Hue-S, những bước tiến quan trọng cần kể đến đó là việc nhận định, xác định và chuyển đổi một cách phù hợp các bài toán, các nhiệm vụ và giá trị mà Hue-S cần có, để thật sự trở thành một hệ sinh thái chuyển đổi số phù hợp cho nhiều lớp người dùng khác nhau tại địa phương.

Cảm ơn ông đã trao đổi!