Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 22/11 đăng bài xã luận cho rằng trong một đoạn video công bố vào sáng thứ Hai (giờ Mỹ), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ chỉ thị cho Mỹ rút khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Ông nói rằng hiệp định này là một thảm họa tiềm tàng đối với Mỹ.
Sau khi trúng cử Tổng thống, ông Donald Trump tái khẳng định lập trường được tuyên bố trong tranh cử này cho thấy là ông nghiêm túc. Nếu không có gì bất ngờ, TPP sẽ trở thành một hiệp định bị "chết non".
Ngoài TPP, những công việc ông Donald Trump sẽ lập tức làm ngay sau khi làm ông chủ Nhà Trắng còn liên quan tới năng lượng, an ninh mạng, nhập cư và quan chức hành chính không được làm thuyết khách trong 5 năm sau khi rời bỏ chức vụ. Khi tuyên bố 6 công việc trên, ông Donald Trump không nhắc lại việc coi Trung Quốc là "nước thao túng đồng nhân dân tệ".
Mặc dù TPP đã có nguy cơ bị đổ vỡ và nay ông Donald Trump tái khẳng định rút khỏi TPP, nhưng tuyên bố này vẫn gây chấn động cho dư luận. TPP là nền tảng chính sách kinh tế của chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của ông Barack Obama, cũng là một trong những di sản ngoại giao chủ yếu của ông Barack Obama.
Ông Donald Trump tuyên bố sẽ ném bỏ TPP vào "thùng rác lịch sử" là một hành động lớn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người phản đối mạnh mẽ đối với chính sách mới này của ông Donald Trump.
Ông Donald Trump cho biết ông sẽ đặt nước Mỹ lên hàng đầu, hy vọng việc sản xuất và sáng tạo của thế hệ tiếp theo đều được tiến hành ở Mỹ.
Đoạn video nói trên cho thế giới thấy nhận thức của ông đối với lợi ích của Mỹ tồn tại sự bất đồng to lớn với ông Barack Obama.
Ông không muốn lắm việc ra vào cánh cửa lớn quen thuộc trước đây, mà hầu như muốn mở ra một cánh cửa mới.
Báo Trung Quốc cho rằng "đây có phải là chủ nghĩa cô lập hay chủ nghĩa bảo hộ thương mại thì hiện còn chưa rõ và việc Mỹ rút khỏi TPP có ý nghĩa tích cực đối với chấm dứt chủ nghĩa bài xích thương mại, tránh đem hiệp định thương mại thành công cụ địa-chính trị".
Nhưng, nếu ông Donald Trump theo đuổi "ưu tiên lợi ích nước Mỹ", lấy hy sinh lợi ích thương mại của các nước lớn khác làm điều kiện, thì lợi ích của các nước lớn về thương mại như Trung Quốc sẽ bị tác động, ảnh hưởng.
Không giống như các Tổng thống Mỹ và những chính khách khác của Mỹ tập trung cho địa-chính trị, ông Donald Trump sẵn sàng tập trung sức mạnh để chấn hưng kinh tế Mỹ, tiến hành xây dựng xã hội, ông đã tạo ra một cảm giác hoàn toàn mới trên phương diện này.
Mặt khác, một số người lo ngại ông Donald Trump sẽ nóng nảy. Nói cho cùng, nếu ông cho rằng tiến hành chủ nghĩa bảo hộ là một phương thuốc vạn năng thì suy tính của ông Trump có phần đơn giản hóa.
Một khi ông thực sự làm như vậy thì có khả năng tạo ra sự phá hoại nghiêm trọng đối với các quy tắc hợp tác kinh tế thế giới hiện nay, dẫn tới Mỹ và các đối tác thương mại và đầu tư “cùng thua”.
Văn hóa phương Đông rất coi trọng triết lý đã được hình thành. Ông Donald Trump thiết kế lại đường lối của nước Mỹ e rằng cũng cần hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của văn hóa phương Đông đối với điều chỉnh chính sách của Mỹ. Ông cần tránh muốn cái đương nhiên, dừng việc làm "dục tốc bất đạt".
Đối với Trung Quốc, chỉ cần đội ngũ của ông Donald Trump tuân theo nguyên tắc "thực sự cầu thị", các cuộc đàm phán kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai sẽ không gian nan lắm.
Mặc cả là điều khó tránh khỏi, nhưng Trung Quốc và Mỹ đưa ra bất cứ thỏa thuận kinh tế thương mại nào đều chỉ có thể lấy đảm bảo tối đa lợi ích chung của hai nước làm nền tảng.
Hàm nghĩa hoàn chỉnh của "ưu tiên lợi ích nước Mỹ" chắc chắn bao gồm phải đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước khác. Nếu không, Mỹ và các nước khác rất khó đạt được các hiệp định kinh tế thương mại mới, cho dù đạt được miễn cưỡng thì cũng khó có thể thực hiện được.
Trump sẽ không để "nước phù sa không chảy vào ruộng người khác"?
Các nước lớn trong thời đại toàn cầu hóa chắc chắn phải mở cửa ở mức cao, quan điểm lỗi thời kiểu như đóng cửa để "nước phù sa không chảy vào ruộng người khác" nếu bị một nước lớn nào đó lấy làm phương châm thì sẽ dẫn tới sức sống của họ bị suy yếu nghiêm trọng.
Rất nhiều lợi ích quốc gia trong thế kỷ 21 cần được thực hiện trong chu trình lớn của quốc tế, rất nhiều thời điểm nó không còn là logic "trồng dưa được dưa, thấy có hiệu quả nhanh chóng".
Ông Donald Trump hầu như không có gánh nặng tư duy chính khách như bà Hillary Clinton. Điều này làm cho quan hệ quốc tế đứng trước cơ hội to lớn. Đồng thời do thiếu kinh nghiệm, tính không xác định trong quan hệ quốc tế có thể xuất hiện bởi việc ông Donald Trump lên nắm quyền cũng bị nghi ngờ rất lớn.
Đến nay, động thái tích cực đến từ ông và đội ngũ của ông rõ ràng hơn. Ông còn chưa "sát muối" vào bất cứ vết thương nào trong quan hệ giữa Mỹ với các nước khác. Ông sẽ cư xử thế nào đối với rất nhiều vấn đề cũ từ Đông Âu đến Trung Đông và Đông Á sẽ là vấn đề được quan tâm lớn.
Ông Donald Trump phát đi tín hiệu rõ ràng về việc rút khỏi hiệp định TPP, nhưng hàm nghĩa làm như vậy của ông rốt cuộc là gì, còn đợi phải tiếp tục xem xét. Trung Quốc cơ bản sẽ tăng cường tiếp xúc và trao đổi với đội ngũ của ông Donald Trump.
"Ông Donald Trump rõ ràng phải biết là, trên con đường chấn hưng lại nền kinh tế Mỹ của ông, Trung Quốc có thể trở thành một trong những đối tác tốt nhất" - báo Trung Quốc tìm cách ve vãn, thuyết phục nhà lãnh đạo mới của Mỹ.
Báo Trung Quốc cuối cùng đưa ra lời khuyên cho Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng bất luận là Trung Quốc hay Mỹ phát triển thì đều có thể đem lại lợi ích cho hai bên, không nên để mặt cơ bản này trong quan hệ nước lớn của thời đại toàn cầu hóa bị cản trở bởi những "sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất" được thúc đẩy bởi những kinh nghiệm của thời đại cũ.