Theo Báo cáo Kết quả Bảo mật của Cisco vừa công bố, khả năng phục hồi an ninh mạng chính là ưu tiên hàng đầu của 97% các nhà điều hành; 63% người được hỏi cho rằng doanh nghiệp của họ đã trải qua một sự cố an ninh mạng gần đây.
Những loại hình tấn công phổ biến là DDoS - tấn công từ chối dịch vụ phân tán (71%), Data breach – rò rỉ dữ liệu (64%), mất mạng hoặc hệ thống ngừng hoạt động (55%) và ransomware – mã độc tống tiền (52%).
Những sự cố trên đều dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với các công ty không may trở thành “nạn nhân”, kéo theo đó là cả một hệ sinh thái của các tổ chức mà họ hợp tác kinh doanh. Các hậu quả phổ biến nhất bao gồm gián đoạn CNTT, liên lạc, gián đoạn chuỗi cung ứng, mất lợi thế cạnh tranh cũng như chi phí ứng phó và phục hồi lớn.
Có đến 97% giám đốc điều hành được khảo sát chia sẻ rằng khả năng phục hồi an ninh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với họ. Việc này là rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp.
Những kết quả trong bản báo cáo cũng nhấn mạnh thêm rằng các mục tiêu chính của khả năng phục hồi bảo mật đối với các nhà lãnh đạo và nhóm của họ là giảm thiểu tổn thất tài chính do các sự cố an ninh mạng gây ra, đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh trước những sự cố gián đoạn dịch vụ và ngăn chặn các sự cố và tổn thất lớn về an ninh bảo mật.
“Suy cho cùng, an ninh bảo mật là một ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Vì các công ty không thể bảo mật tất cả mọi thứ, ở mọi nơi, nên khả năng phục hồi bảo mật cho phép họ tập trung nguồn lực an ninh của mình vào các thành phần kinh doanh mang lại giá trị cao nhất cho tổ chức và đảm bảo giá trị đó được bảo vệ” - đại diện Cisco cho biết.