Gần đây, tại một siêu thị nhỏ ở Thượng Hải, khách hàng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy loại tã dành cho người lớn xuất hiện trên kệ hàng nhiều hơn so với tã trẻ em. Cách đó không xa, tại khu vực sữa bột, xu hướng tương tự cũng xuất hiện: có nhiều loại sữa dành cho người lớn hơn là sữa cho trẻ em.
“Các loại sữa bột giàu canxi và ít béo đang rất được ưa chuộng”, một nhân viên cửa hàng cho biết. “Hiện có khá nhiều người mua sữa bột dành cho người lớn”.
Các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn do tình trạng già hóa dân số gây nên. Số người từ 60 tuổi trở lên đã đạt gần 297 triệu, chiếm 21,1% tổng dân số Trung Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, với nguồn tài chính dồi dào và lối sống năng động, nhóm người cao tuổi này đang ngày càng trở thành mục tiêu của nhiều sản phẩm và dịch vụ.
“Rất nhiều người cao tuổi có sức khỏe tốt, lối sống năng động, nhiều thời gian và sức mua đáng kể”, bà Irina Fan, đến từ Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong, cho biết.
Nhóm người cao tuổi ở Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đạt trung bình gần 9% mỗi năm kể từ năm 1989. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu thu được lợi ích từ việc chuyển hướng sang thị trường này.
Ví dụ, “Câu lạc bộ Bạn cao tuổi” của Trip.com, ra mắt đầu năm nay, đã ghi nhận mức chi tiêu lên tới 1,6 tỉ NDT (224,36 triệu USD) từ nhóm khách hàng trên 50 tuổi.
“Nhìn chung, người tiêu dùng cao tuổi hiện nay đòi hỏi các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn”, bà Fan cho biết.
Để thu hút khách du lịch cao tuổi, “Câu lạc bộ Bạn cao tuổi” cung cấp các trải nghiệm được thiết kế riêng cùng nhiều ưu đãi độc quyền. Hơn nữa, câu lạc bộ cho phép các thành viên gia đình trẻ sử dụng thiết bị cá nhân của mình để giúp người thân lớn tuổi lên kế hoạch cho các chuyến đi.
Công ty du lịch trực tuyến này tin rằng sức tăng trưởng từ nhóm dân số cao tuổi và cam kết đáp ứng nhu cầu của họ mang lại “tiềm năng đáng kể”, CEO Jane Sun cho biết trong một cuộc họp báo cáo lợi nhuận tuần trước. Lợi nhuận ròng của Trip.com đã tăng hơn gấp đôi, lên 8,15 tỉ NDT trong nửa đầu năm nay.
Ngoài du lịch, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thể chất cũng được dự đoán sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi cơ cấu dân số, bà Fan nói.
“Người tiêu dùng cao tuổi ngày càng chú trọng đến sức khỏe và đang tích cực đầu tư vào thực phẩm và các sản phẩm bổ sung lành mạnh”, bà cho biết.
Các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống của Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu này bằng cách phát triển các sản phẩm có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi.
Các nhà sản xuất sữa, nói riêng, đang tận dụng nhu cầu đối với các sản phẩm dành cho người cao tuổi. Theo một khảo sát của tổ chức nghiên cứu người tiêu dùng Mintel, khoảng 70% người được hỏi cho biết họ đã và sẽ tiếp tục mua sữa bột dành cho người lớn.
Công ty sữa Yili cung cấp một loạt các sản phẩm sữa bột dành cho người cao tuổi, bao gồm một loại giúp ổn định mức đường huyết. Một sản phẩm khác của Yili khẳng định có tác dụng giúp người dùng ngủ ngon hơn.
Các công ty sữa trong và ngoài nước cũng giới thiệu các sản phẩm dành cho người cao tuổi bên cạnh các sản phẩm sữa bột cho trẻ em. Xu hướng này đã gia tăng trong những năm gần đây khi tỷ lệ sinh giảm.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,39 trên 1.000 người trong năm 2023, năm thứ hai liên tiếp dân số giảm. Trong khi đó, số người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ chiếm hơn 30% dân số vào năm 2035, theo Ủy ban Y tế Quốc gia.
Tã trẻ em từng là nguồn thu chính của Công ty Chăm sóc Sức khỏe Hangzhou Coco, nhưng giờ sản phẩm này chiếm chưa đến 38% tổng doanh thu trong báo cáo tài chính nửa đầu năm của công ty. Giờ đây, phân khúc tã dành cho người lớn của nhà sản xuất này mang lại hơn một nửa tổng doanh thu, tăng từ khoảng 26% vào năm 2020.
Haoyue Personal Care, một nhà sản xuất tã lớn khác của Trung Quốc, cho biết doanh thu từ tã trẻ em đã giảm gần 10%, trong khi doanh thu từ các sản phẩm dành cho người lớn vẫn ổn định trong nửa đầu năm 2024.
Hangzhou Coco Healthcare ghi nhận lợi nhuận tăng 6,07% trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi lợi nhuận của Haoyue giảm 2,86%.
Các công ty tập trung vào mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ không phải là những doanh nghiệp duy nhất khai thác "nền kinh tế bạc". Ping An Health, công ty tại Hong Kong, cho biết doanh thu nửa đầu năm từ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đã tăng 205%, sau khi công ty mẹ chuyển hướng tập trung vào chăm sóc người cao tuổi và các lĩnh vực khác của hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe vào năm ngoái.
Ngày nay, số lượng người cao tuổi chọn không dựa vào con cái ngày càng nhiều, “do mong muốn có một lối sống độc lập, thoải mái và ít căng thẳng hơn so với nhiều người đi trước”, bà Fan cho biết.
Ping An Health cung cấp dịch vụ trợ giúp trực tuyến theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người cao tuổi cũng như chất lượng môi trường tại nhà. Các bác sĩ luôn sẵn sàng chẩn đoán và điều trị từ xa, giúp chăm sóc y tế trở nên dễ tiếp cận hơn cho những người cao tuổi sống một mình.
Đơn vị kinh doanh chăm sóc sức khỏe của công ty đã ghi nhận lợi nhuận lần đầu tiên, đạt 56,6 triệu NDT trong 6 tháng đầu năm nay.
Quy mô của nền kinh tế bạc của Trung Quốc hiện đạt 7 nghìn tỉ NDT, tương đương 6% GDP của quốc gia, theo Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30 nghìn tỉ NDT vào năm 2035.
Rúng động Trung Quốc vụ cựu Chủ tịch PetroChina bị bắt giữ vì nghi nhận hối lộ số tiền cực lớn
Trung Quốc ứng dụng UAV trong nông nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động
Trị bệnh nam khoa cho phụ nữ: Bê bối rúng động ngành y Trung Quốc
Theo SCMP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu