Số liệu này công bố tại hội thảo quốc tế “Tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam, mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và nông dân” do Công ty Tài chính Quốc tế - IFC (thành viên của Ngân hàng Thế giới - WB) tổ chức tại TPHCM.
Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất Thế giới trong vài năm qua. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ với kim ngạch thương mại đạt 29,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, DNNVV của Việt Nam vẫn chưa thực sự hội nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu để tối đa hóa tiềm năng và thu nhập. Hiện mới chỉ có 21% DNNVV của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.
Các chuyên gia cho rằng, DNNVV của Việt Nam chưa thể vươn ra thế giới là do thiếu sự hỗ trợ về các dịch vụ tài chính phù hợp: khó khăn trong tiếp cận vốn để mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh lại đang là “nút thắt” khiến nhiều DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV, chưa kết nối được vào mạng sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là mục tiêu sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.
Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam nên tổ chức và số hóa quy trình chuỗi cung ứng hiện đại liên kết giữa các bên mua, nhà cung cấp và các định chế tài chính để giúp nhà sản xuất và nhà xuất khẩu trong nước có thể tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, mang lại điều kiện thuận lợi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển doanh nghiệp, mở rộng thị trường mới và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài ra, Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng đang xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có nhiều cơ chế chính sách mới tạo thuận lợi cho khối doanh nghiệp này. Cụ thể sẽ tập trung về hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp phát triển bền vững