Em Đ. tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu trong tình trạng bàn tay trái bị dập nát, tổn thương vùng mặt, ngực, đùi phải. Vì thương tích ở bàn tay trái của Đ. quá nặng nên các bác sĩ không thể điều trị bảo tồn mà phải cắt cụt.
Người thân của Đ. cho biết, em bị thương nặng như vậy là do vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin ở cục sạc dự phòng và điện thoại của Đ. đã phát nổ.
TS. Vũ Văn Khoa - Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho em Đ. – chia sẻ, hiện sức khỏe của Đ. đã ổn định nhưng em rất lo lắng, bàng hoàng vì mất đi một bàn tay.
Trước đó, tháng 2/2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận một nam thiếu niên 13 tuổi (Nghệ An) bị chấn thương nặng do điện thoại iPhone bị nổ khi vừa sử dụng vừa sạc điện. Cậu bé bị cắt cụt 1/3 cẳng tay trái, chịu nhiều mũi khâu với tổn thương ở 2 bên mắt.
Các bệnh viện trên toàn quốc cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tới cấp cứu vì điện thoại nổ khi đang sạc.
Tháng 9/2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị điều trị cho bệnh nhân N.H.Y (SN 1994, Quảng Trị), bị bỏng nặng 30%.
Cũng trong tháng 9/2019, một chiếc điện thoại Trung Quốc phát nổ khiến thanh niên người Quảng Ngãi tử vong. Tháng 6/2019, anh Trần Văn Hậu (38 tuổi, Bắc Giang) bị gãy xương, tổn thương phần mềm bàn tay phải, phải tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để cấp cứu, do điện thoại iPhone bị nổ khi đang sạc.
Trước tình trạng chấn thương do nổ điện thoại hoặc sử dụng điện thoại trong lúc đang sạc pin diễn ra thường xuyên, TS. Vũ Văn Khoa cảnh báo, mọi người không nên vừa sạc nguồn vừa dùng điện thoại, đồng thời nên sử dụng các sản phẩm công nghệ chính hãng và được kiểm duyệt an toàn. Bởi nếu điện thoại nổ, gây chấn thương dập nát chi thể, sẽ không thể điều trị bảo tồn, mà phải cắt cụt, khiến bệnh nhân chịu thương tổn vĩnh viễn.