Dù các dịch vụ giao hàng thực phẩm cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn và tiện lợi hơn, hoạt động này cũng sử dụng một lượng lớn bao bì ni-lông, tạo thêm gánh nặng cho hệ thống xử lý chất thải của Thái Lan.
Trước khi đại dịch bùng phát, Thái Lan tiêu thụ khoảng 5.500 tấn chất thải nhựa mỗi ngày, theo Chủ tịch của Viện Môi trường Thái Lan (TEI), tiến sĩ Wijarn Simachaya. Hiện nay, con số này đã tăng lên 6.300 tấn.
"Tác động của dịch vụ giao thức ăn với vấn đề này là rất đáng kể, đặc biệt là ở Bangkok, nơi dịch vụ này phát triển vượt bậc", ông nói với Channel News Asia.
Lượng tiêu thụ nhựa tăng vọt, ngay cả khi tổng lượng chất thải được tạo ra ở thủ đô Thái Lan đã giảm. Mỗi ngày, Bangkok thường tiêu thụ khoảng 10.500 tấn chất thải, nhưng con số này đã giảm 12% kể từ tháng 3, chủ yếu do Covid-19 khiến lượng khách du lịch giảm.
Theo Cục kiểm soát ô nhiễm, nhựa chiếm tới 12% tổng lượng chất thải của Thái Lan hàng năm, tương đương khoảng 2 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ 25% trong số đó được tái chế trong khi phần còn lại chủ yếu là nhựa sử dụng một lần và thường được đưa đến các bãi thải hoặc ra sông hồ.
"Một đơn giao hàng thực phẩm phải sử dụng trung bình bốn sản phẩm nhựa. Một số loại thực phẩm như phở, mì đi kèm với nhiều gia vị khác nhau trong túi nhựa. Nhiều loại nhựa có thể được tái chế nhưng vấn đề hiện nay là nhựa không phải lúc nào cũng được đưa vào hệ thống xử lý chất thải", tiến sĩ Wijarn nói.
Thái Lan đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hàng triệu tấn nhựa gây ra. Trên thực tế, đây là nước thải ra đại dương lượng rác thải nhựa nhiều thứ 5 trên thế giới.
Theo báo cáo năm 2015 của Ocean Conservancy, nhóm bảo vệ môi trường có trụ sở tại Washington DC, Mỹ, hơn một nửa lượng chất thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ 5 nền kinh tế đang phát triển nhanh, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
Theo Zing