Thông tin được đưa ra tại cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 của Thường trực Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - vừa diễn ra hôm nay (7/8).
Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguy cơ lây nhiễm trở nên phức tạp khi có những người bị nhiễm nhưng không được phát hiện kịp thời, mà lại đi dự các đám cưới, đám tang. Bên cạnh đó, các hộ gia đình của Việt Nam có đặc trưng là nhiều thế hệ cùng chung sống, nên nguy cơ lây nhiễm cho người già và trẻ em là rất cao. Theo đó, người già mắc COVID-19 hiện khoảng 30,6%, còn trẻ em là trên 2%. Có những gia đình có tới 8 người mắc COVID-19.
Dự báo, tại Đà Nẵng, những ngày tới sẽ có khoảng 30 người mắc COVID-19 mỗi ngày. Sau 15/8 thì số trường hợp mắc có thể giảm.
Dựa trên nghiên cứu thực tế và áp dụng nhiều mô hình tính toán khác nhau, đại diện Bộ Y tế đưa ra 3 kịch bản về số lượng số ca lây nhiễm COVID-19 trên cả nước.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất, ở mức thấp, dự kiến đến 15/8 sẽ có khoảng 1.500 ca mắc COVID-19. Kịch bản thứ hai ở mức trung bình, dự kiến đến 15/8 có 2.500 ca mắc. Kịch bản thứ ba ở mức cao, dự kiến đến 15/8 có 3.500 ca mắc.
Đề nghị xử nghiêm đối tượng tái chế khẩu trang y tế
Tại cuộc họp, báo cáo về kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện công tác chuẩn bị ở các địa phương đã sẵn sàng.
Các điểm cầu tham gia họp trực tuyến với thường trực Chính phủ.
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến hết ngày 6/8, có 8,5 triệu cài đặt ứng dụng Bluezone, trung bình mỗi ngày có thêm 2,5 triệu cài đặt mới. Các tỉnh có tỉ lệ cài đặt cao là Đà Nẵng, Quảng Nam, TPHCM, Hà Nội và Quảng Ninh. Có 21 trường hợp F1, F2 được phát hiện qua Bluezone. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các tỉnh, thành phố có dịch nên chỉ đạo làm mạnh, đẩy nhanh cài đặt Bluezone để làm sao đạt được 30-45% dân số cài đặt. |
Tính đến 6h sáng nay, Bộ đã nhận được báo cáo của 3 địa phương là Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lạng Sơn cho biết có 93 học sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi đợt sau. Bộ đã có công văn đề nghị các trường đại học điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh.
Về vấn đề khẩu trang, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện nay có 100 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, có thể sản xuất 100 triệu khẩu trang mỗi tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu 557 triệu khẩu trang y tế, riêng tháng 6 xuất khẩu 236 triệu khẩu trang.
Nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất khẩu trang y tế được bảo đảm. Hiện nay, cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải không thiếu, bảo đảm cho công tác chống dịch, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường, công an các địa phương đã bắt được nhiều vụ khẩu trang, găng tay y tế giả, đã qua sử dụng được tái chế. Bộ Công Thương đề nghị cần xử lý nghiêm, khởi tố một số vụ để làm gương.
Dẫn hình ảnh bác sĩ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc chống "giặc" COVID-19, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế và các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP.
|
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sự đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của của hệ thống chính trị với biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn, nhất là trong ít nhất hai tuần tới, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm.
“Chúng ta kiên trì giãn cách xã hội ở ổ dịch một cách nghiêm túc, kịp thời” - Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của mình, có những giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện.
Thủ tướng cũng lưu ý quán triệt tinh thần tập trung cao độ, phản ứng nhanh và hiệu quả, tinh thần huy động tổng lực, phối kết hợp tốt, nhuần nhuyễn các lực lượng chống dịch, một tinh thần là quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất.
Lưu ý các cơ sở y tế phải có biện pháp, không được chủ quan để bùng phát dịch từ các bệnh viện, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện tốt khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ngặt tất cả những nơi được coi là ổ dịch.
"Xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn chặn dịch lây lan (...). Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực cho việc này. Nếu test nhanh mà không chính xác thì phải xét nghiệm PCR, đi liền đó là chống lãng phí, làm theo nhóm,..." - Thủ tướng nói.