TP.HCM: 366 điểm đến hấp dẫn, an toàn, kết nối du lịch miền sông nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM ngoài thế mạnh với  366 điểm đến hấp dẫn, an toàn, còn rất thuận lợi khi kết nối du lịch miền sông nước.
Du lịch về vùng xanh Bến Tre, đảm bảo an toàn sau mùa dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: SDL
Du lịch về vùng xanh Bến Tre, đảm bảo an toàn sau mùa dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: SDL

Nhiều tài nguyên du lịch, điểm đến hấp dẫn

Sở Du lịch TP.HCM vừa công bố Bộ Tài nguyên du lịch sau thời gian qua rà soát, thống kê và đánh giá. Từ hệ thống tài nguyên du lịch này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch - cho hay, Sở đã cập nhật các điểm đến du lịch trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth.

Theo bà Ánh Hoa, việc thống kê, phân loại tài nguyên du lịch của Thành phố mang ý nghĩa quan trọng trong công tác đánh giá tiềm năng du lịch đặc trưng, hình thành các sản phẩm hấp dẫn, kết nối phát triển các tuyến điểm, dịch vụ du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và tạo sự phong phú, đa dạng cho các chương trình du lịch hình thành các điểm tham quan phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Đồng thời tạo thêm nguồn dữ liệu về tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để các doanh nghiệp lữ hành khai thác và kết nối và xây dựng các chương trình du lịch phục vụ khách du lịch đến TP.HCM và thuận lợi trong kết nối với các tỉnh, thành khác để tạo nên những chương trình du lịch liên tuyến, tạo ra những sản phẩm đa dạng và phong phú cho khách du lịch lựa chọn. Ngoài ra, khách du lịch và những người đam mê du lịch có thể tự xây dựng cho mình những lịch trình du lịch tại thành phố mang màu sắc trải nghiệm riêng biệt.

Về nguồn dữ liệu tài nguyên và các điểm đến du lịch đã được cập nhật trên công cụ tìm kiếm Google và được công bố rộng rãi trên hệ thống các trang thông tin chính thức của Sở Du lịch: Cổng thông tin điện tử Sở Du lịch; Webisite quảng bá du lịch Thành phố; Fanpage Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; Zalo Official Account Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM (áo đỏ, bên trái ảnh) và bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (áo xanh, bên phải ảnh)
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM (áo đỏ, bên trái ảnh) và bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (áo xanh, bên phải ảnh)

TP.HCM hiện nay có 366 điểm đến có sức hấp dẫn, được đánh giá có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính: tài nguyên du lịch tự nhiên; tài nguyên du lịch văn hóa vật thể; tài nguyên du lịch văn hóa phí vật thể; tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn.

Trong số đó có 13 điểm đến được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, tập trung ở các tài nguyên chính như: sông Sài Gòn, rừng ngập mặn và biển đảo; 225 điểm đến hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của Sài Gòn xưa và nay được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, đó là các di tích văn hóa – lịch sử, nhà trưng bày văn hóa, bảo tàng, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ, làng nghề…; 08 hoạt động gắn với du lịch được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống, những chương trình nghệ thuật; 120 điểm đến được hình thành từ các phố chuyên doanh, phố cổ, phố cộng đồng có phục vụ du lịch, các công trình nhân tạo có tính hấp dẫn với khách du lịch.

Trở lại với cuộc sống bình thường mới, TP.HCM định hướng 7 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực trong thời gian tới sẽ là các nhóm sản phẩm về văn hóa - lịch sử, ẩm thực, mua sắm, giải trí và hoạt động về đêm, khám phá thiên nhiên, MICE kết hợp giao thương và về Y tế - Sức khỏe.

“Theo đó, định hình 5 tuyến du lịch chính gồm có đầu tiên là tuyến City tour; thứ hai là tuyến trung tâm Thành phố - hướng Đông Nam Thành phố (Thành phố Thủ Đức), thứ ba là tuyến Trung tâm Thành phố - hướng Nam Thành phố (Bình Chánh), thứ tư là tuyến Trung tâm Thành phố - hướng Tây Bắc Thành phố (Hóc Môn, Củ Chi) và thứ năm là tuyến Trung tâm Thành phố - hướng Đông Nam Thành phố (Nhà Bè, Cần Giờ). Ngoài ra, các doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu cũng đang thiết kế dự kiến 42 chương trình du lịch (tour) được xây dựng gắn với 03 chủ đề: “Sài Gòn xưa và nay”, “Cảm xúc Sài Gòn”, “Nhịp sống Sài Gòn” – Bà Ánh Hoa cho biết chi tiết.

Dựa trên những định hướng chiến lược sản phẩm, trong những năm tới đây, Thành phố có thể tập trung các giải pháp nhanh chóng cải thiện sản phẩm điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 tạo tiền đề cho các doanh nghiệp hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Du lịch Bến Tre đang là xu hướng có thể kết nối vì tỉnh này rất gần TP.HCM và đặc biệt nổi bật là vùng dừa phương Nam. Ảnh: SDL
Du lịch Bến Tre đang là xu hướng có thể kết nối vì tỉnh này rất gần TP.HCM và đặc biệt nổi bật là vùng dừa phương Nam. Ảnh: SDL

Kết nối TP.HCM với miền Tây sông nước

Tiếp tục thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch, ngành du lịch TP.HCM đang đẩy mạnh triển khai các nội dung trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cũng chủ động, linh hoạt sản phẩm tuyến tour liên kết phù hợp với diễn biến mới của thị trường du lịch hiện nay.

Vừa qua, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã có chuyến khảo sát và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bến Tre và Long An. Qua đó, Đoàn công tác đã khảo sát đa dạng điểm đến của tỉnh Bến Tre như làng nghề, khu du lịch sinh thái, dịch vụ lưu trú…; tại Long An là Khu bảo tồn và nghiên cứu dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu du lịch sinh thái làng nổi Tâp Lập...

Theo bà Phan Thị Thắng, TP.HCM và các tỉnh cần tăng cường mở rộng xây dựng, chào bán những sản phẩm liên tuyến, liên vùng, nhất là những vùng xanh.

Du lịch văn hoá - lịch sử, về vùng xanh Bến Tre, kết nối sông nước, thiên nhiên và con người. Ảnh: SDL

Du lịch văn hoá - lịch sử, về vùng xanh Bến Tre, kết nối sông nước, thiên nhiên và con người. Ảnh: SDL

Các địa phương phải khuyến khích doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tham gia mở tuyến tour kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ - TP.HCM- Bến Tre, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch và giải trí của du khách sau thời gian dài giãn cách.

Bến Tre là một địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nhất là du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề gắn với các sản phẩm đặc trưng từ cây dừa. Cách TP.HCM không xa, du khách chỉ mất khoảng từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ để đến với xứ dừa cũng là xứ sở quê hương Đồng Khởi. Với những lợi thế của mình, trước dịch bệnh COVID-19 bùng phát (năm 2019), Bến Tre là địa phương đón khách quốc tế nhiều thứ 2 và chiếm đến 40% lượng khách quốc tế và 11% khách du lịch nội địa của cụm Đông của Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Phan Thị Thắng cũng cho rằng các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động phối hợp chuẩn bị sản phẩm cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 sắp đến trên cơ sở đảm bảo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh.