TP.HCM đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 3-12 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Liên quan đến việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 3-12 tuổi, TP.HCM đang đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn.
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết ngành y tế TP.HCM đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm. Ảnh: TTBC
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết ngành y tế TP.HCM đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm. Ảnh: TTBC

Trẻ từ 3-12 tuổi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế

Đối với đề xuất tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 3-12 tuổi, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết, Sở Y tế đang lập kế hoạch chi tiết với các phường, xã để đề xuất với Bộ Y tế trong thời gian tới.

Thực tế là, cho đến ngày hôm nay, trẻ từ 13-17 tuổi trên các quận huyện tại TP.HCM và TP Thủ Đức đã được tiêm vắc xin COVID-19, hầu hết các trẻ đều có phản ứng sau tiêm nhẹ nhàng, ăn ngủ bình thường, đảm bảo lịch tham gia học trực tuyến, một số em có sốt nhẹ. Riêng nhóm trẻ 12 tuổi (học sinh lớp 6) trên toàn địa bàn hiện chưa có lịch tiêm chủng COVID-19, do TP.HCM đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Liên quan đến đề xuất tiêm vắc xin mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, nhóm nguy cơ cao trong tháng 11, 12/2021, bà Mai thông tin: TP.HCM đã đề xuất vấn đề này với Bộ Y tế và sẽ theo hướng dẫn của Bộ.

Cũng về công tác tiêm chủng, Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm, TP đang thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất. Do đó, những trẻ không nằm trong độ tuổi này sẽ không được tiêm. HCDC đề nghị các địa phương, trường học thực hiện nghiêm quy định này trong quá trình tổ chức tiêm cho trẻ. Sau mỗi đợt tiêm, TP sẽ rà soát lại để tiêm bổ sung cho các trường hợp F1 đang cách ly, F0 vừa khỏi bệnh và trẻ vừa đủ 18 tuổi.

TP.HCM thúc đẩy thần tốc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ. Ảnh: HCDC
TP.HCM thúc đẩy thần tốc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ. Ảnh: HCDC

“Trước đây, đối với người lớn, đối tượng hoãn tiêm là F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất ngày 29/10 của Bộ Y tế, tiêu chí F0 khỏi bệnh được loại khỏi danh sách hoãn tiêm. Do đó, các F0 khỏi bệnh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi vẫn được tiêm vắc xin sau khi kết thúc quá trình cách ly”, ông Nguyễn Hồng Tâm lưu ý.

Đối với những trường hợp trẻ bị hoãn tiêm, chưa được tiêm trong đợt này sẽ được lập danh sách tại phường để hỗ trợ. Các em này vẫn phải đi học và được hướng dẫn những biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại trường học.

Ngành y tế nói gì về tình trạng F0 đi lại tự do?

Mặc dù hiện tại tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, số ca nhiễm mới và số ca tử vong đều giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần đảm bảo biện pháp 5K, thực hiện tốt hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP, không được lơ là, chủ quan.

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngày 01/11/2021, UBND TPHCM đã thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, tính đến ngày 01/11, TP.HCM đạt cấp độ 2 trong kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19. Ở cấp quận, huyện, TP Thủ Đức: có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1; 9/22 địa phương đạt cấp độ 2 (quận 3, quận 11, quận 12, quận Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn). Có 5 quận giảm cấp độ dịch so với tuần trước gồm: quận 5, 6, Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú. Ở cấp phường, xã, thị trấn: có 207/312 địa phương đạt cấp 1; 101/312 địa phương đạt cấp 2; 04/312 địa phương đạt cấp 3 (phường 4 - quận Phú Nhuận, xã Hiệp Phước - huyện Nhà Bè, xã Vĩnh Lộc B - huyện Bình Chánh và thị trấn Hóc Môn). Có 53 phường, xã giảm cấp độ dịch và 32 phường xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm đề nghị các địa phương, trường học thực hiện nghiêm quy định này trong quá trình tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ. Ảnh: TTBC

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm đề nghị các địa phương, trường học thực hiện nghiêm quy định này trong quá trình tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ. Ảnh: TTBC

Trước phản ánh nhiều F0 đang cách ly tại nhà nhưng vẫn được tự do đi lại tại huyện Hóc Môn, Phó Giám đốc HCDC cho biết, ngày 28/10, Sở Y tế ban hành công văn 7963 về hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý F0 tại cộng đồng. Theo đó, các trường hợp F0 không được kiểm soát, cách ly nghiêm ngặt là vi phạm quy định. Nắm được tình hình trên, ngay trong trưa 31/10, ngành y tế TP đã xuống kiểm tra, làm việc với UBND huyện Hóc Môn về vấn đề này.

“Qua thực tiễn 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần 4, ngành y tế TP.HCM đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm và sẽ áp dụng khi có sự cố xảy ra trong thời gian thời. Hiện nay, Sở Y tế đang cùng các Sở, ngành xây dựng đề án phát triển y tế cơ sở trên địa bàn. Trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở, dự phòng từ tuyến TP đến tuyến phường, xã. Đặc biệt, cần có chế độ về chính sách để thu hút thêm nhân lực giỏi về làm việc tại đây”, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ.

Trả lời câu hỏi vì sao số ca nhập viên tại TP.HCM vẫn còn cao trong khi mức độ bao phủ vắc xin đã tăng đáng kể, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai phân tích 3 nguyên nhân chính.

Theo bà Mai, khi các cơ sở thu dung tại địa bàn quận huyện thu gọn lại, những bệnh nhân đang điều trị tại những nơi này sẽ được đưa vào các bệnh viện. Bà Mai cho rằng, khi các công ty, xí nghiệp, nhà máy bắt đầu hoạt động, việc test nhanh định kì được triển khai. Từ đó, phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính nằm trong lực lượng lao động từ các tỉnh thành đổ về. Tuy nhiên, do các xí nghiệp, nhà máy không đủ điều kiện cách ly, phần lớn người lao động sẽ được đưa vào bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Nguyên nhân thứ 3, theo phân tích của Chánh văn phòng Sở Y tế, đối với trường hợp lao động nghèo nhiễm COVID-19, sống tại khu nhà trọ, khu lưu trú không đủ điều kiện cách ly tại nhà, những đối tượng này cũng được đưa vào bệnh viện để điều trị chăm sóc tốt hơn.