UBND TP Đà Nẵng vừa thông qua Lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020. Theo đó, trong năm 2017, Đà Nẵng sẽ triển khai cung cấp thêm khoảng 40 dịch vụ công mới; triển khai khoảng 215 dịch vụ trực tuyến trong giai đoạn 2018-2020 thuộc các lĩnh vực Đăng ký kinh doanh và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Du lịch, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội và thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng UBND thành phố và UBND các quận, huyện đồng thời triển khai thí điểm cổng thanh toán trực tuyến để phục vụ tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí qua mạng kết hợp ngay khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong năm 2017.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tích hợp trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn để kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ và Bộ ngành Trung ương khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả triển khai, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại trong giai đoạn 2017-2020, UBND TP Đà Nẵng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ hài lòng hàng năm về dịch vụ công đã được triển khai, tổng kết những khó khăn vướng mắc, bất cập đang tồn tại có giải pháp triển khai phù hợp; Giám sát thường xuyên hoạt động của dịch vụ công trực tuyến, kịp thời hiệu chỉnh và cập nhật nếu thủ tục có thay đổi.
Ngoài ra, lộ trình còn thực hiện việc tinh giản hồ sơ đầu vào của các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tin học hóa và nộp hồ sơ qua môi trường mạng của tổ chức, công dân; Ban hành danh mục các loại giấy tờ được chấp nhận nộp dưới dạng điện tử để áp dụng thống nhất tại các cơ quan ban ngành, địa phương; Phối hợp với tổ chức liên quan để thực hiện giải pháp chuyển phát kết quả hoặc làm hộ mốt số khâu trong nộp hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức công dân.
Hướng đến đưa hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến thành tiêu chí đánh giá công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của cơ quan, đơn vị, và xét thi đua, khen thưởng.
Đặc biệt đề xuất các Bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn chi tiết đối với việc lưu trữ hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy trong quá trình xử lý thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân và có cơ chế công chứng điện tử (nhận bản giấy và công chứng thành bản điện tử hoặc nhận bản điện tử và công chứng thành bản giấy để chuyển đổi tính pháp lý giữa bản giấy và bản điện tử).
Được biết, theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Dịch vụ công trực tuyến được xác định là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Dịch vụ có 4 cấp độ, trong đó cấp độ 3 cho phép người sử dụng có thể thực hiện trực tiếp các mẫu văn gửi đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Và Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.