Ngay sau đêm rằm Trung thu, mạng xã hội và báo chí có hàng loạt bài viết lo ngại sự bùng nổ F0 ở Hà Nội. Nhiều người cho biết sẽ “tẩy chay” những người đi chơi đêm rằm bên ngoài, hoặc tiếp tục “cố thủ” trong nhà vì sợ lây nhiễm. Nỗi lo này hoàn toàn có lý bởi trên thực tế, số người tiêm vắc xin mũi 1 đủ ngày chưa nhiều. Tỷ lệ chưa tiêm còn chiếm khoảng 7%. Trẻ em dưới 18 tuổi thì hoàn toàn chưa được tiêm! Đặc biệt là hầu như mỗi ngày vẫn tiếp tục phát hiện các F0 trong cộng đồng mà nhiều ca không rõ nguồn lây. Thế nhưng, nhiều người đi chơi đã không giữ khoảng cách và cả không đeo khẩu trang, vi phạm khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – lo ngại trước tình trạng đi ngược lại chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà Hà Nội đang thực hiện. "Trong biển người hôm qua, chỉ cần có một trường hợp F0, là dễ để dịch bùng lên lại và khi đó thì rất khó truy vết. Chúng ta nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết" – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Nhiều người trách lãnh đạo Hà Nội đã cho kết thúc giãn cách đúng ngày Rằm là thiếu suy xét. Nhưng quy định giãn cách xã hội 14 ngày thì đến ngày thứ 14 là phải kết thúc, chứ không thể thêm một ngày nữa nếu không đủ lý do chính đáng (mà khi Hà Nội đã có tỷ lệ tiêm vắc xin khá cao, dịch đang được kiểm soát tốt mà lại giãn cách thêm một ngày chắc chắn sẽ bị dân phản đối.)
Điều đáng nói trước hết ở đây, theo ông Nguyễn Quốc Anh (cán bộ hưu trí ở CT4-VIMECO, phường Trung Hoà, Hà Nội), không phải là thời điểm ra Chỉ thị 22 mà là nội dung Chỉ thị đã không quy định những điều kiện để được ra đường, gặp gỡ ở nhà riêng, trong cửa hàng, quán xá, v.v.
Theo ông Anh "chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước, như Singapore chẳng hạn: Khi bắt đầu mở giãn cách, họ có quy định lộ trình, thời gian đầu chỉ ai tiêm đủ 2 mũi có chứng nhận xanh mới được ra đường; trong gia đình chỉ được tiếp tối đa 2-5 khách; trong quán chỉ được ngồi chung 2-4 người, phải giữ khoảng cách; được phép tập thể thao (chạy, đi bộ) ngoài trời nhưng phải đeo khẩu trang và không giao tiếp lẫn nhau v.v. Đó là họ đã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 80% dân số cả nước, trong đó phần lớn người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 2.
"Singapore những khi mở giãn cách thì chọn thời điểm áp dụng vào lúc 0h ngày thứ Hai, chứ không mở thứ Sáu hoặc cuối tuần để hạn chế dân đổ xô ra đường tại thời điểm mở; quốc gia này còn quyết định hoãn tổ chức quốc khánh để dân không ra đường chơi. Mấy hôm nay, khi dịch bùng phát trở lại, Singapore vẫn không thay đổi các quy định đó mà chỉ xem xét cân nhắc lại lộ trình, thời điểm mở cửa. Đó là vì họ đã lấy khoa học dịch tễ dẫn dắt nhất quán việc chỉ đạo chống dịch Covid-19! Trong khi Chỉ thị 22 của Hà Nội không có quy định về biện pháp kiểm soát dịch tễ khi mở giãn cách, cho thấy sự thiếu hiểu biết về khoa học dịch tễ! Chống dịch Covid-19 mà không dùng khoa học dịch tễ dẫn đường là một sai lầm nghiêm trọng!”
Hàng nghìn người đi chơi Trung thu khiến nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội kẹt cứng (ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Cũng đáng trách khi lực lượng chức năng địa phương tuy hùng hậu nhưng lại để cho rất đông người ra đường, vi phạm cả khuyến cáo 5K của Bộ Y tế lẫn Chỉ thị 22 của TP Hà Nội, mà không xử lý! Trong 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 mà Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố, thì “người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.”
Còn một khía cạnh không thể không nhắc đến trong cuộc “biểu dương lực lượng” trên đường phố Hà Nội tối hôm Rằm, đó là sự chủ quan, thiếu ý thức của nhiều người! Giữa lúc dịch bệnh đang nóng đến mức phải giãn cách, nhất là trong lúc hàng ngày vẫn còn phát hiện F0 trong cộng đồng, mà đã vội đưa nhau ra đường, tụ tập đông người như thể không còn cơ hội nào khác, vi phạm cả khuyến cáo 5K lẫn Chỉ thị 22 của TP Hà Nội, nhất là nhiều người ra đường để đi chơi chứ hoàn toàn không vì miếng cơm manh áo. Nhiều người đem theo cả con cái đến giữa đám đông, đánh cược số phận của các con mình cho mấy phút vui chơi bồng bột.
Họ hẳn biết, các cháu có thể lây bệnh và chính họ mặc dù đã tiêm vắc xin cũng vẫn có thể vô tình mang mầm bệnh về nhà, lây cho bố mẹ già đang không đủ điều kiện sức khoẻ để tiêm chủng. Họ có thể thờ ơ với chính số phận mình, nhưng không được phép coi thường sức khoẻ và tính mạng của cộng đồng, khi mà hậu quả đau lòng hơn vạn người chết vì COVID-19 ở TP.HCM chỉ trong vài tháng là một bài học đau xót còn đang nhức nhối nhãn tiền.