Kháng án bất thành
Theo Tân Hoa xã, ngày 27/8/2024, Tòa án Nhân dân Cấp cao Khu tự trị Nội Mông đã công bố bản án phúc thẩm đối với người kháng cáo Lý Kiến Bình (Li Jianping) về tội tham nhũng, nhận hối lộ, chiếm dụng công quỹ và thông đồng dung túng tổ chức có tính chất xã hội đen. Tòa án tuyên bố bác bỏ kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình của phiên tòa sơ thẩm và trình Tòa án nhân dân tối cao phê chuẩn thực thi theo quy định của pháp luật.
Theo các tư liệu công khai, Lý Kiến Bình sinh tháng 5/1960 tại Bá Châu, tỉnh Hà Bắc. Ông từng là giáo viên tại Trường Điện tử Nội Mông, Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Công nghiệp Điện tử Nội Mông, Phó giám đốc Nhà máy bia Nội Mông. Sau đó giữ các chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng, Giám đốc Cục Quản lý Tài nguyên và tiết kiệm nước thành phố, Cục phó rồi Cục trưởng Cục Thủy lợi thành phố Hohhot. Tháng 3/2011, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Ban Công tác Đảng Khu Phát triển Kinh tế Hohhot (thủ phủ Khu tự trị Nội Mông).
Tháng 9/2018, Lý Kiến Bình chính thức bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành ủy Hohhot tuyên bố điều tra, đến tháng 8/2019 thì bị “song khai” (bắt giam cách ly điều tra). Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc từng tiết lộ vụ án Lý Kiến Bình có liên quan đến hơn 3 tỉ NDT và được gọi là “vụ án lớn nhất trong lịch sử chống tham nhũng ở Nội Mông”.
Vào ngày 27/9/2022, Tòa án Nhân dân trung cấp minh Hưng An (“minh” là một trong ba đơn vị hành chính cấp trên huyện, chỉ có ở Khu tự trị Nội Mông) đã xét xử và tuyên án Lý Kiến Bình tử hình vì phạm các tội tội tham ô, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và dung túng các tổ chức xã hội đen.
Thông đồng với tổ chức xã hội đen, biển thủ tài sản
Trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân trung cấp minh Hưng An, Khu tự trị Nội Mông sau khi xét xử cho rằng từ năm 2016 đến năm 2018, bị cáo Lý Kiến Bình đã lợi dụng chức vụ Bí thư Ban Công tác đảng Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Hohhot Nội Mông, cấu kết với người khác để biển thủ hơn 1,437 tỉ NDT tiền vốn của nhà nước, trong đó có hơn 289 triệu NDT thực tế vẫn chưa lấy được.
Từ năm 2009 đến năm 2014, Lý Kiến Bình đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn khai thác Phát triển nước Xuân Hoa Hohhot và Bí thư Ban Công tác Đảng Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Hohhot để hỗ trợ những người khác trong việc ký hợp đồng dự án và nhận hối lộ tổng cộng hơn 577 triệu NDT tài sản. Từ năm 2006 đến 2016, bản thân Lý Kiến Bình hoặc cùng với những người khác biển thủ hơn 1,055 tỉ NDT tiền công quỹ từ các công ty nhà nước, trong đó hơn 404 triệu NDT chưa được hoàn trả trước khi vụ án xảy ra.
Ngoài ra, Lý Kiến Bình còn có mối quan hệ lâu dài, thân thiết và câu kết thông đồng với Triệu Văn Viễn (Zhao Wenyuan, đã bị kết án), kẻ tổ chức và lãnh đạo một tổ chức có tính chất xã hội đen. Lý Kiến Bình không thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật và đồng lõa, dung túng tổ chức xã hội đen cho Triệu Văn Viễn cầm đầu trong các dự án cưỡng chế phá dỡ, thu hồi đất và sắp xếp công việc, giúp chúng thực hiện các hoạt động phi pháp và phạm tội.
Chức nhỏ, tham nhũng lớn
Tháng 2/2021, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước cho đăng bài báo “Xóa bỏ những trở ngại trong phát triển các khu phát triển kinh tế, người đứng đầu vừa là quan chức vừa là doanh nhân, việc thực thi quyền lực thiếu sự giám sát”, trong đó tiết lộ nhiều chi tiết về vụ án Lý Kiến Bình.
Bài báo cho rằng vụ án Lý Kiến Bình là “vụ án lớn nhất trong lịch sử đấu tranh chống tham nhũng của Nội Mông cho đến nay”.
Trong những năm đó, bắt đầu từ việc lợi dụng chức vụ của mình để giúp đỡ người khác thực hiện các dự án để nhận tiền và vật chất, Lý Kiến Bình đã cố gắng tận dụng hết quyền lực trong tay mình. Số tiền nhận tăng dần từ hàng chục nghìn lên hàng trăm nghìn rồi đến hàng triệu, hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu NDT, sự thèm khát của Lý Kiến Bình ngày càng lớn.
Ngay cả khi Bạch Hải Tuyền (Bai Haiquan), nguyên Phó Bí thư Ban Công tác đảng Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ đồng thời là nguyên Phó Giám đốc điều hành Ban Quản lý, là người làm việc cùng, bị điều tra vào năm 2014, Lý Kiến Bình cũng không hề tỏ ra thức tỉnh, vẫn không kiềm chế hay dừng tay, thậm chí còn tăng cường vơ vét hơn.
Bài báo cũng nêu rõ, để làm nhiễu loạn sự giám sát, Lý Kiến Bình đã đăng ký thành lập công ty dưới danh nghĩa của các nhân viên phục vụ khách sạn là Vương X, Ngao X, và nhân viên xã hội Từ X. Người đại diện theo pháp luật là Vương X, nhưng ông chủ thực sự chính là Lý Kiến Bình. Khi lựa chọn Chủ tịch, Tổng giám đốc và Giám sát trưởng, Lý Kiến Bình đã chia ghế cho ba cá nhân này: Vương X làm Chủ tịch Công ty, Ngao X làm Tổng giám đốc, Từ X làm Giám sát trưởng.
Bản cáo trạng về tội hối lộ của Viện Kiểm sát tiết lộ, riêng Dương Tiến Đông, người đại diện theo pháp luật của một công ty phát triển bất động sản, đã hối lộ Lý Kiến Bình số tiền lên tới 577,8 triệu NDT (80,892 triệu USD). Phương pháp nhận tiền của Lý Kiến Bình cũng rất khác người: ông ta không nhận tiền mặt hay ở trong nước mà là chuyển ra nước ngoài. Lý sử dụng số tiền được rửa này để hối lộ các quan trên cũng bằng cách chuyển khoản hay chi cho vợ, con họ…
Tuần báo China News Weekly đầu tháng 8/2021 đăng một bài viết cho biết số tiền liên quan đến vụ án Lý Kiến Bình cao hơn nhiều so với tổng số tiền liên quan đến vụ án của Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), cựu chủ tịch China CITIC Financial Asset Management (còn gọi Hoa Dung hay Huarong) là công ty quản lý tài sản tài chính trực thuộc Quốc Vụ viện (tham nhũng hơn 1,7 tỉ NDT) và cựu bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh ( Zhao Zhengyong, tham nhũng 717 triệu NDT).
Bởi vậy, tính đến thời điểm này Lý Kiến Bình đã trở thành “Trung Quốc đệ nhất quan tham” bị đưa ra xét xử,
Theo phân tích của các nguồn tin liên quan, Lý Kiến Bình chỉ là cán bộ cấp sở, chức vụ không cao. Tuy nhiên, số tiền liên quan đến vụ án của ông ta đứng đầu trong số các quan chức tham nhũng được công bố ở Trung Quốc cho đến nay, lên tới 3 tỉ NDT, vượt xa các quan chức tham nhũng khác.
Rúng động Trung Quốc vụ cựu Chủ tịch PetroChina bị bắt giữ vì nghi nhận hối lộ số tiền cực lớn
Chiến dịch "Săn cáo" của Trung Quốc: Không có "thiên đường" dành cho quan tham bỏ trốn
Chiến dịch "Săn cáo" của Trung Quốc: Giăng lưới trời ở nước ngoài, xây "đê phòng hộ" ở trong nước
Theo Thecover, Chinapress
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu