Đây là lý do tại sao Google Wifi vượt trội router truyền thống

Thiết kế đơn giản nhưng sức mạnh bên trong của Google Wifi là cực kì vượt trội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thiết kế đơn giản nhưng sức mạnh bên trong của Google Wifi là cực kì vượt trội.

Vào cái thời đại Internet phủ sóng khắp nơi này, có lẽ bên cạnh TV, tủ lạnh thì ta còn một thứ không thể thiếu nữa, đó là bộ phát sóng Wi-Fi. Chắc chắn rằng, một người đã từng lắp thứ mạng không dây vô cùng thuận tiện trong nhà của mình này thì anh ta sẽ gặp phải trường hợp sóng Wi-Fi không thể với tới mọi ngóc ngách trong nhà.

Google hiểu được điều đó, và họ đưa tới cho bạn một bộ phát sóng mang tên Google Wi-Fi. Đó là thứ sản phẩm tiên tiến mà bạn vẫn mong muốn, vượt xa mọi sản phẩm thông thường hiện đang tồn tại trên thị trường.

Vậy Google Wifi là thứ ma thuật gì? Và tại sao họ lại có thể phát biểu mạnh bạo như vậy?

Đầu tiên, đó là những giới hạn của Wi-Fi truyền thống

Để nhận tín hiệu từ nhà cung cấp rồi truyền tới từng thiết bị của người sử dụng, Wi-Fi phải đi qua một số bước bắt buộc:

- Tín hiệu từ nhà cung cấp truyền tới nhà – Modem nhận tín hiệu của dịch vụ Internet – Router chuyển hóa những tín hiệu đó thành sóng Wi-Fi – Và có thể bạn cần một phần bổ sung nữa, đó là những bộ khuếch đại sóng.

Thứ đáng chú ý tới và cũng là thứ mà Google Wifi có thể thay thế, đó chính là hiệu năng không cao của những router truyền thống cũng như những bộ khuếch đại sóng bán đại trà.

Router truyền thống có phạm vi hoạt động rất ngắn, càng xa thì thiết bị của chúng ta sẽ nhận sóng càng yếu. Để khắc phục, ta dùng thêm những bộ khuếch đại sóng nhưng chúng lại làm giảm băng thông của mạng, thiết bị kết nối đến những hệ thống như vậy thường cũng không nhận được một tốc độ mạng như ý.

Google Wifi đã đánh trúng vào điểm yếu đó khi họ có thể phủ toàn bộ ngôi nhà của bạn với một loại sóng Wi-Fi đủ mạnh cho mọi thiết bị, tất cả đều sẽ chung một loại mạng, một tốc độ và điều mà Google hướng tới, tất cả thiết bị sẽ cùng luôn một nhà sản xuất.

Thừa kế từ người tiền nhiệm

Năm ngoái, Google đã cho ra mắt OnHub với giá thành 200 USD, nó là một router mạng có thể kết nối với smartphone Android thông qua một ứng dụng riêng. Ứng dụng này sẽ cho phép bạn quản lý các thiết bị đang kết nối Wi-Fi với chiếc router, cũng như kiểm tra tốc độ kết nối của mạng internet.

Dựa trên những ưu điểm vượt trội của OnHub, thậm trí cả thiết kế trụ tròn được Google quảng bá là giúp sóng Wi-Fi mạnh hơn khi sử dụng trong gia đình, Google Wifi ra đời.

OnHub được Google ra mắt vào năm ngoái.

Bản thân từng router đã được tối đa hóa hết mức

Google Wifi gồm những router mạng không dây nhỏ được rải rác ở những vị trí cân đối trong nhà, đảm bảo cho bạn sẽ có một mạng Wi-Fi luôn thường trực với sóng khỏe ở bất cứ điểm nào trong căn nhà, căn hộ của mình.

Họ cũng thiết kế để Google Wifi một cách đặc biệt, giúp nó có thể hỗ trợ nhiều thiết bị cùng một lúc và có khả năng gánh vác được những loại hình dịch vụ giải trí mới nổi gần đây, đó là stream video và stream game.

Bộ phát Google Wifi được bán với hai gói riêng biệt: một bộ phát và ba bộ phát, bạn có thể sắm một bộ tùy theo thiết kế căn nhà của mình. Theo lời khuyên từ nhà sản xuất, một căn nhà hoặc một phòng có diện tích khoảng 50 tới 150 mét vuông thì sẽ cần một điểm phát, 150 tới 300 mét vuông thì cần hai điểm phát và một căn nhà rộng khoảng 300 mét vuông trở lên thì sẽ cần tới cả ba điểm phát.

Sử dụng công nghệ Wi-Fi MESH, mỗi điểm phát từ router Google Wifi sẽ tạo ra một đường kết nối mạnh mẽ tới thiết bị của bạn và mỗi điểm đó có thể xác định được đường truyền tốt nhất cho đường đi tín hiệu tới thiết bị của bạn.

MESH là một mạng lưới liên kết không dây giữa các nút Access Point với nhau tạo thành một hệ thống hợp nhất. Đây là một giải pháp mạng phù hợp cho việc phủ Wi-Fi ở những vùng rộng không cần đi dây và đặc biệt hữu dụng ở nhiều nơi có môi trường có những yếu tố thay đổi thường xuyên. Công nghệ này tối ưu cho các ứng dụng và vị trí khó xây dựng hệ thống mạng bằng cáp.

Nếu như bạn muốn tự mình đưa ra những lựa chọn cho mạng lưới Wi-Fi nhà mình, bạn có thể thực hiện việc đó thông qua một ứng dụng đi kèm trên chiếc điện thoại Android và iOS của mình (xin lỗi Windows Phone).

Phần mềm hỗ trợ Network Assist

Việc có muốn dính dáng vào mớ rắc rối mang tên "cài đặt mạng" hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn bởi Google Wifi có thể tự lo liệu được cho bản thân thông qua công nghệ Network Assist.

Về cơ bản, nó sẽ làm mọi việc để tối đa hóa sức mạnh của router và bạn chỉ việc sử dụng mà thôi. Nó sẽ đảm bảo mạng Wi-Fi nhà bạn chạy trên một kênh phát sóng rõ ràng nhất, nó sẽ tối ưu hóa Wi-Fi của thiết bị dù bạn ở bất cứ vị trí nào trong nhà.

Thậm chí, Network Assist sẽ còn đưa ra cho bạn những lời khuyên về việc nên đặt Google Wifi ở vị trí nào cho hợp lý hay những lời khuyên về cách tinh chỉnh băng thông mạng

Có thể bạn đang lo lắng về việc nhà rộng và có tận ba điểm phát sóng của Google Wifi, làm sao để điện thoại có thể kết nối với mạng mạnh nhất và không bị gián đoạn khi đi quá vùng phủ sóng của một router? Network Assist cũng lo cho bạn việc này luôn rồi, khi mà nó tự động kết nối thiết bị với điểm phát gần nhất và nhanh nhất. Bạn có thể đi lại vô tư mà không phải lo lắng gì.

Quản lý và bảo mật

Chưa hết, Google Wifi còn một tính năng mà bậc cha mẹ nào cũng mong muốn (và cũng có thể gọi là ác mộng của mọi bậc con trẻ): bạn có thể tạm dừng kết nối Wi-Fi của bất kì thiết bị nào hiện đang kết nối mạng. Bên cạnh đó, bạn còn có thể xem lượng băng thông mà những thiết bị cụ thể đang sử dụng là bao nhiêu, từ đó điều chỉnh độ ưu tiên của các thiết bị trong nhà cho hợp lý.

Ngoài chức năng tự động cập nhật, xác nhận khởi động mỗi khi kích hoạt thiết bị, bạn cũng không cần phải lo về vấn đề bảo mật, bởi lẽ Google Wifi hỗ trợ mật mã hóa không giây kèm theo lời hứa bảo mật thông tin cá nhân người dùng từ chính nhà sản xuất.

Thông số kĩ thuật của Google Wifi gồm có

Kết nối

- Wi-Fi băng tần kép AC1200.

- Mạng Wi-Fi MESH có thể mở rộng được.

- Hai dải song song 2,4GHz và 5GHz song song hỗ trợ 802.11a/b/g/n/ac.

- Công nghệ truyền tải mạng trực tiếp tới thiết bị mang tên "beamforming".

- Kết nối bluetooth luôn thường trực.

- Hai cổng mạng có thể chỉnh sửa thành mạng WAN hoặc mạng LAN.

Bảo mật

- Mã hóa WPA2-PSK.

- Tự động cập nhật bảo mật.

- Vi mạch an ninh mạng Infineon SLB 9615.

Phần cứng

- Bộ xử lý quad-core 710MHz.

- 512MB Ram DDR3L.

- Ổ quản lý và dữ liệu nhanh eMMc 4GB.

- Adaptor 15W điện.

Kết

Trên đây là những thông tin mang tính chất "giải ngố" cho ai chưa thực sự hiểu về độ tuyệt hảo của Google Wifi, và tại sao Google có thể tự tin với sản phẩm của mình đến vậy.

Google hiện đang bán Google Wifi với hai phiên bản: phiên bản single pack với 1 bộ phát với giá 129 USD (2,9 triệu đồng), và phiên bản 3-pack với 3 bộ phát với giá 299 USD (6,8 triệu đồng).

Theo Thời đại