Ông Khả phát biểu nội dung này khi tham dự Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản” sáng 21/9, do Trung tâm Đào tạo VITEC- Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc và Cục phát triển CNTT Nhật Bản (IPA) tổ chức.
Theo ông Đào Đình Khả, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, thì cần đổi mới cách thức triển khai; chia các mức độ thành thạo kỹ năng và kiến thức chuyên nghiệp cần thiết; các nội dung cần tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế, đảm bảo chất lượng sát hạch.
Ngoài ra, theo ông Khả, Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT như: Khi hội nhập TPP, AEC... thì sự chuẩn bị nhân lực tham gia thị trường; sự phát triển và thay đổi rất nhanh của CNTT; ngoài ra, tính hiệu quả của công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT là một thách thức rất lớn.
Đánh giá về sự lớn mạnh mà CNTT đang tạo ra, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KHCN nói: "chúng ta thấy rằng Facebook là công ty có giá trị thị trường gần 250 tỷ USD, sở hữu mạng truyền thông lớn nhất thế giới nhưng không tạo ra nội dung trực tiếp nào, hay công ty Alibaba cũng tương tự. Như vậy là công ty bán lẻ lớn nhất thế giới nhưng không có kho hàng nào. Uber cũng vậy, trị giá 50 tỷ USD nhưng không có chiếc taxi nào. và mới đây nhất đầu năm 2016, lần đầu tiên máy tính đánh bại con người trong môn cờ vây.
Những điều trên nói lên rằng tất cả đều được phát triển trên nền tảng CNTT, một dấu hiệu cho thấy thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp được cho rằng sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp CNTT với các định hướng chủ đạo về IoT, công nghệ xe tự lái... chắc chắn nó sẽ thay đổi thương mại và phương thức sản xuất trên thế giới".
"Với các lợi thế sẵn có Việt Nam đang đứng trước cơ hội bước vào cuộc cách mạng công nghiệp này và kỳ vọng sẽ có được bước phát triển nhảy vọt về kinh tế. Vì vậy, nắm bắt được xu thế này, Chính phủ đã xây dựng những chính sách thúc đẩy phát triển CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT trình độ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hội thảo lần này là một trong những chương trình hợp tác giữa Bộ KHCN và Bộ kinh tế thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, về việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thiết lập hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản tại VN"- Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Huy Hoàng, Phó viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội, để đào tạo được nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản là rất khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất với sinh viên là tiếp thu tiếng Nhật. Không như học tiếng Anh chỉ mất khoảng 6 tháng là có thể giao tiếp tốt, nhiều sinh viên học 2 năm tiếng Nhật vẫn... không biết gì.
"Ở Việt Nam, để đào tạo nên một kỹ sư CNTT trong 5 năm chỉ mất khoảng 100 triệu đồng tiền học phí, học xong được sang thị trường Nhật làm việc lương một tháng khoảng 50- 60 triệu đồng, thì việc đào tạo là rất rõ rồi", đó là những điều chúng tôi thường chia sẻ để tạo động lực cho sinh viên - ông Phạm Huy Hoàng cho biết.
Theo ông Ogawa, Giám đốc chương trình ITPEC của Nhật Bản cho biết, hàng năm, tại Nhật Bản có khoảng 650.000 thí sinh tham gia các kỳ sát hạch theo chuẩn kỹ năng CNTT, tại Việt Nam, số lượng thí sinh tham gia chưa cao.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, VITEC và IPA sẽ tập trung tìm kiếm xây dựng và mở rộng mạng lưới các đối tác hỗ trợ đào tạo, tập trung vào các chứng chỉ Hộ chiếu CNTT (IP) cho nhóm đối tượng kỹ sư cần sử dụng CNTT hiệu quả và Kỹ sư CNTT cơ bản (FE) cho nhóm đối tượng là kỹ sư CNTT. ITPEC cũng đang cân nhắc việc triển khai kỳ sát hạch chứng chỉ Quản trị An Toàn Thông tin tại các nước tham gia ITPEC sau khi kỳ sát hạch đầu tiên được tổ chức thành công tại Nhật Bản tháng 4/2016 với hơn 22.000 thí sinh tham gia.