Đảo nhân tạo Trung Quốc và cuộc chiến tàu ngầm ở Biển Đông

Trung Quốc quyết xây ba đường băng trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm lấp đầy khoảng trống trong chiến lược phòng thủ chống ngầm, làm phức tạp thêm các chiến dịch tiềm tàng của hải quân Mỹ và đồng minh.
Máy bay săn ngầm tối tân P-8 Poseidon của Mỹ luôn thường trực ở Biển Đông
Máy bay săn ngầm tối tân P-8 Poseidon của Mỹ luôn thường trực ở Biển Đông

Đó là nhận định của các chuyên gia quân sự phương Tây. Trong khi phần lớn sự chú ý đổ dồn vào sự đà vươn quyền lực của Bắc Kinh nhờ các đảo nhân tạo ồ ạt xây dựng trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc có thể sử dụng chúng để săn lùng các tàu ngầm của đối phương trong vùng biển chiến lược.

Có thêm 3 đường băng nằm cách xa đại lục ở khoảng cách 1.400km sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng tầm hoạt động của đội máy bay tuần tra trinh sát Y-9 và trực thăng Ka-28 được trang bị thiết bị săn ngầm. Hồi tháng 5/2015, Lầu Năm Góc đã công bố báo cáo đánh giá Trung Quốc thiếu khả năng chống ngầm nghiêm trọng ở khu vực gần bờ và ngoài khơi xa.

Reuteurs ngày 17/9 dẫn lời ông Zhang Baohui, chuyên gia phân tích an ninh ở Đại học Lingnan, Hong Kong nhận định, Trung Quốc xây đảo nhân tạo còn có mục đích tăng cường khả năng chống ngầm, giúp Bắc Kinh bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn mang tên lửa đạn đạo đang đóng tại căn cứ trên đảo Hải Nam.

“Chúng tạo khả năng sống sót cao hơn cho các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc và nếu cần sẽ thực thi nhiệm vụ trong thời chiến. Các tàu ngầm này sẽ an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi khi Trung Quốc không thể đủ khả năng bảo vệ phù hợp”, ông Zhang nói. Ông thêm rằng tàu ngầm hạt nhân ngày càng trở thành phương tiện răn đe quan trọng của Trung Quốc.

Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc đã đưa 4 tàu ngầm lớp Tấn vào hoạt động và đang đóng thêm chiếc thứ 5. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết có vể Trung Quốc đã tiến hành những cuộc tuần tra chống ngầm đầu tiên trong năm 2015. Vấn đề mấu chốt của chiến lược ngăn chặn từ xa thúc đẩy khả năng Trung Quốc áp đặt một vùng nhận diện phòng không mới trên toàn bộ Biển Đông, các chuyên gia an ninh nhận định.

Các sĩ quan hải quân phương Tây và châu Á giàu kinh nghiệm cho rằng, diễn biến tình hình hiện nay dường như là sự trở lại trò chơi mèo vờn chuột thời Chiến tranh Lạnh với các chiến dịch hoạt động ngầm dưới lòng biển. Các hạm đội tàu ngầm đối thủ cố gắng theo dõi, phát hiện nhau. Một chuyên gia phân tích Trung Quốc cho biết, quân đội nước này đang cố gắng cải thiện hệ thống sonar và các thiết bị thiết bị phát hiện tàu ngầm trên máy bay tuần tra Y=9 và trực thăng Ka-28. Trug Quốc cũng dự kiến lắp đặt các hệ thống theo dõi quanh các đảo nhân tạo mới xây dựng.

Đảo nhân tạo của Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn và căng thẳng trong khu vực
Đảo nhân tạo của Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn và căng thẳng trong khu vực

Các đảo nhân tạo Trung Quốc ồ ạt xây dựng ở Biển Đông trên 7 bãi đá sẽ nằm trong nghị trình hội đàm khi Tổng thống Obama gặp ông Tập. Washington đã liên tục chỉ trích việc bồi lấp, xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra tự tin về khả năng quân sự của mình, liên tục lặp đi lặp lại cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và đang ráo riết quân sự hóa các đảo nhân tạo đã xây dựng.

Theo các chuyên gia, Mỹ đang cố gắng xác định và theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc giống như với các tàu ngầm Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh băng qua Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Các tàu ngầm tối tân hoạt động cực kỳ êm của Nhật Bản đang hoạt động ngày càng tích cực và hạm đội tàu ngầm mới nối của Việt Nam gồm các tàu Kilo tiên tiến do Nga sản xuất chắc chắn là cơn đau đầu đối với Trung Quốc, Reuteurs dẫn lời chuyên gia nhận định.

Theo QPAN