Đạo diễn Việt Linh: “Soi gương bằng người” để sống tử tế

VietTimes – “Dù là chuyện tử tế, người tử tế còn rất hiếm hoi, nhưng vẫn phải bình tĩnh, có cái nhìn rộng mở và mỗi cá nhân hãy học cách sống tử tế” – Đạo diễn Việt Linh nhắn nhủ.
Nhà văn Dạ Ngân đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh
Nhà văn Dạ Ngân đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh

Diễn ở sân đời

Giao lưu trên đường sách TP.HCM sáng nay 8/6, khi được hỏi quan niệm về những bộ trang phục “khó đỡ” thách thức giới truyền thông và công chúng của người đẹp Ngọc Trinh trong thời gian gần đây, đạo diễn Việt Linh trả lời: “Ngọc Trinh mặc như vậy theo tôi là bình thường. Nếu như cô ấy thêm 15% độ kín cho các bộ trang phục này thì không có gì để bàn”.

Tuy nhiên, đạo diễn Việt Linh cũng nói thêm rằng: “Ngọc Trinh là ai, cô ấy làm gì, nói thật, tôi chẳng cần phải quan tâm” để lưu ý giới trẻ về những chuẩn mực đang bị phá vỡ, trong đó có những phong cách phục trang như Ngọc Trinh.

“Có những người diễn ngay cả trong đời thường. Họ cứ tưởng công chúng buộc phải xem. Nhưng thực tế ngày nay, công chúng không còn ngồi im đó để xem mãi. Công chúng ngày nay có quyền tương tác, phát biểu quan điểm. Kể cả khi anh/chị quay lưng lại với công chúng, họ vẫn cảm nhận được bên trong anh/chị là gì. Hơn nữa, nếu ngay cả điều mình làm mà mình còn không tin vào nó, thì tại sao công chúng phải tin?” – Đạo diễn Việt Linh nói.

Diễn viên Hạnh Thúy (giữa) lên chúc mừng đạo diễn Việt Linh
Diễn viên Hạnh Thúy (giữa) lên chúc mừng đạo diễn Việt Linh

Đây cũng chính là vấn đề mà đạo diễn Việt Linh đặt ra trong bài viết “Diễn ở sân đời”, bàn về: “Diễn kịch tập thể. Có ai tổng kết một ngày, qua hình ảnh truyền thông, chúng ta phải khóc/cười bao nhiêu hoạt  kịch?”

Tác giả của “Giấy không gói được than cháy dở” lại vừa ra mắt “Soi gương bằng người”, hợp tuyển hơn 80 bài tạp văn nóng bỏng chất chính luận, do NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM ấn hành. Cuộc giao lưu “Soi gương bằng người” sáng 8/6 thu hút khá đông các bạn đọc trẻ tham dự.

Có mặt tại cuộc giao lưu, nhà văn Dạ Ngân cảm động kể với khán giả. thính giả, độc giả về người “chiến binh” đầy chất “thép” đã rời thành phố vào chiến khu từ năm 15 tuổi, để rồi sau đó trưởng thành lên với nền điện ảnh kháng chiến từ khi còn rất sớm.

“Gần đây, đạo diễn Việt Linh không thể tham gia làm phim, làm đạo diễn nữa, nên chị chuyển sang viết sách, chuyển thể kịch bản sân khấu; bởi chị phải vượt qua cơn bệnh đột quỵ, liệt nửa người bên trái. Tôi cực kỳ xúc động chứng kiến những thời gian Việt Linh phải treo cái tay phải còn lành lặn lên, để làm mọi việc bằng tay trái” – Nhà văn Dạ Ngân kể.

Hai người bạn cùng tuổi hồi ức về quãng thời gian phải chiến đấu với cơn đột quỵ
Hai người bạn cùng tuổi hồi ức về quãng thời gian phải chiến đấu với cơn đột quỵ 

“Thời gian đó, tôi đánh vỡ bát chén suốt. Đánh vỡ nhiều giờ cũng luyện được cái tay trái lành lại rồi” – Đạo diễn Việt Linh vui vẻ nói.

Bình thường tử tế

“Bất cứ ai trong chúng ta cũng có những tài năng và cũng đều là người bình thường. Chỉ một số rất ít người sinh ra với sứ mệnh vĩ nhân, thay đổi thế giới, còn lại đa số đều là người bình thường. Kỳ tích không thể tự nhiên xuất hiện, nó cần rất nhiều nỗ lực, rất nhiều mồ hôi, nước mắt, đam mê và cả tài năng nữa. Nhưng hãy là một người bình thường tử tế! Con cái sẽ nhìn vào cha mẹ để học làm người tử tế!” – Đạo diễn Việt Linh chia sẻ.  

“Tôi thích cái cách chị nhận ra những người bình thường tử tế giữa mênh mông biển người” – Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ - “Nhưng hiện thực là chúng ta quá thiếu những người và những điều bình thường tử tế, cho nên nó trở nên quý hiếm, những cây bút như chị Việt Linh phải gạn lọc mới thấy và ghi lại!”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ về nghề viết với đạo diễn Việt Linh
Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ về nghề viết với đạo diễn Việt Linh

Mặc dù luôn xoay chuyển tư duy, quan sát, ngẫm nghĩ, nhưng với tâm thế điềm tĩnh, “người chiến binh” trên cả “mặt trận” điện ảnh và viết lách thường tự nhận “Tinh thần công dân của tôi rất mạnh. Cho dù làm phim, viết kịch bản hay làm bất cứ việc gì, tôi vẫn chú tâm trân trọng, bênh vực những người thấp bé, thiệt thòi trong cuộc sống”, giờ đây có lời khuyên gửi tới độc giả: “Hãy sống chậm lại, cảm nhận mọi thứ bằng nhiều góc nhìn khác nhau, yêu thương nhiều hơn!” – Đạo diễn Việt Linh nói.

“Dừng lại để nhìn, để lắng nghe, để cảm nhận những gì lay động xung quanh. Nhưng để có thể điềm tĩnh như thế, có thể nhìn mọi điều diễn ra xung quanh bằng con mắt bao dung, độ lượng; nghĩ thong thả và sâu sắc thì phải có không ít những năm sáng sống hết mình, thậm chí có lúc đày đọa mình trong khổ ải của lao động, của tư duy, thậm chí cũng phải đau đớn nhìn những mất mát" – nhà văn Đỗ Bích Thúy tâm sự về “Soi gương bằng người” của đạo diễn Việt Linh.

Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Việt Linh:

Nơi bình yên him hót (1986)

Phiên tòa cần chánh án (1987)

Gánh xiếc rong (1988)

Dấu ấn của quỷ (1993)

Mê Thảo - Thời vang bóng (2002)

Giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP quốc gia 1990

Giải Grand Prix LHP Fribourg (Thụy Sĩ) 1992

Giải Nhất LHP Phụ nữ Madrid (1992)

Giải Đặc biệt dàn dựng LHP Châu Á - Thái Bình Dương (1993)

Giải Bông hồng vàng LHP Bergamo - Ý (2003)

Bà Đinh Thị Phương Thảo - giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh
Bà Đinh Thị Phương Thảo - giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh
Nhạc sĩ
Nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ" - Nguyễn Văn Chung bất ngờ vì có tên trong cuốn sách của đạo diễn Việt Linh
Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh
Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh