Kỳ tích tự học
Sinh ra tại vùng quê xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Nguyễn Bích Lan mang trong mình hàng chục căn bệnh hiểm nghèo. Khởi phát là bệnh loạn dưỡng cơ, một căn bệnh nan y hiện chưa có thuốc chữa, khiến cô đi lại, cử động rất khó khăn. Sau đó là hàng loạt bệnh về tim, phổi, thận… khiến cô gái nhỏ ngay cả thở cũng vô cùng mệt nhọc. Những căn bệnh tàn phá nặng nề sức khỏe của cô, bác sĩ đoán rằng Lan chỉ có thể sống được không quá 18 tuổi. Vì thế, sau khi hoàn thành chương trình lớp 8, Bích Lan buộc phải nghỉ học. Kể từ đó quá trình giáo dục của cô hoàn toàn là tự học.
Cuốn tự truyện “Không gục ngã” kể về kỳ tích tự học của cô gái mang trên mình hàng chục căn bệnh nan y, ở vào thời cách đây 30 năm về trước, khi phương tiện học tập vô cùng thiếu thốn, khác hẳn thời nay.
Nhưng thật khó có thể tưởng tượng được khả năng tự học đã dẫn cô tới kết quả là 35 đầu sách dịch từ tiếng Anh, trong đó rất nhiều cuốn nổi đình đám, được bạn đọc yêu thích như Triệu phú khu ổ chuột của tác giả Vikas Swarup, Cuộc sống không giới hạn của Nick Vujicic – chàng trai không tay không chân đã từng đến Việt Nam hai lần, Phật ở tầng áp mái của Julia Otsuka… Nguyễn Bích Lan cũng là dịch giả của các tác phẩm của các tác giả đoạt giải Nobel văn chương như Cọ hoang của William Faulkner, Một đêm duy nhất của Targore, "Lời nguyện cầu từ Chernobyl" của Svetlana Alexievich (tác giả người Belarus đoạt giải Nobel Văn học năm 2015)”.
Rât đông độc giả đã tới cuộc giao lưu để có được chữ ký của dịch giả Nguyễn Bích Lan lên cuốn sách mới
|
Tự hào về tri thức thật
“Tôi thấy các bậc cha mẹ Việt hàng ngày đưa đón chăm bẵm con đến là khổ sở, nhưng chúng lại chẳng chịu học – Bích Lan nói – Thậm chí, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua điểm cho con, từ điểm 0 mà lên tới tận thủ khoa. Thật đau lòng! Tôi không hiểu những con người đó sao lại vô liêm sỉ đến vậy. Cũng có ý kiến cho rằng đó là lỗi của các cha mẹ chứ các bạn sinh viên còn trẻ con, chưa biết gì. Tôi thì lại cho rằng chừng nào xã hội còn coi các bạn trẻ với sức bật như vậy là trẻ con thì đất nước mãi mãi không lớn được. Hơn ai hết, chính các bạn trẻ này biết rõ về sức học của mình. Nghĩ lại, tôi có thể tự hào mà nói rằng, tôi có thể kiêu hãnh với việc kết thúc học trình lớp 8, bởi vì tôi đã học thật” – dịch giả Nguyễn Bích Lan xúc động nói.
Dịch giả chuyển ngữ “Được học” nói thêm: “Việc học thật sẽ cho người học một sự khiêm tốn vừa đủ, vì luôn biết rằng kiến thức là mênh mông. Học thật sẽ mang lại niềm vui, vì kiến thức là của chính mình, và vì kiến thức quá rộng lớn, nên ngày mai lại vui vẻ học tiếp. Học thật thì cho dù thu được chút ít nhưng chắc chắn kiến thức đó là của mình”.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan là 1 trong 8 phụ nữ được vinh danh trong phần trưng bày về phụ nữ đương đại tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Trước câu hỏi đặt ra về việc đạo đức xã hội xuống cấp, Bích Lan cho rằng mỗi người hãy tự “cứu” bản thân mình trước, rồi sau đó, quan tâm đến gia đình, người thân, và cuối cùng là cộng đồng.
Mong có được chữ ký quý giá của Bích Lan để lưu lại những bài học cuộc sống hữu ích cho mình và gia đình
|