Vị chuyên gia này nói rằng, những câu chuyện về việc “chế áp GPS” chỉ cho thấy sự không hiểu biết về các nguyên lý dẫn mà Tomahawk sử dụng. Hệ thống điều khiển của tên lửa hành trình Tomahawk còn bao gồm một hệ thống quán tính tinh vi hoạt động liên kết với một thiết bị vô tuyến đo cao và hệ thống điện tử hiệu chỉnh sai số dẫn bám theo bề mặt địa hình (các điểm mốc lưu trong bộ nhớ).
GPS chỉ được sử dụng ở giai đoạn bay cuối để tăng mạnh độ chính xác tấn công. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi tiêu diệt các mục tiêu điểm, nhưng hoàn toàn không có vai trò gì khi tấn công các mục tiêu diện và trải dài (sân bay, bãi đỗ binh khí kỹ thuật, các trận địa). Ngăn chặn cuộc tấn công của Tomahawk vào các mục tiêu như vậy bằng cách chế áp GPS là vô nghĩa.
Vị chuyên gia bình luận những thông tin lan tràn trên báo chí và Internet về việc 36 trong số 59 tên lửa Tomahawk của Mỹ đã không bay đến được sân bay Al Shayrat do Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử Rychag-AV. Ông nhấn mạnh: “Rychag-AV chủ yếu đối phó với các hệ thống tên lửa phòng không. Bởi vậy, chỉ có kẻ nghiệp dư hoàn toàn mới có thể nói rằng, nó đã “chế áp” các tên lửa Tomahawk”.
Theo nguồn tin, hiện không hề có các phương tiện chế áp tin cậy thiết bị điều khiển trên khoang tên lửa hành trình Tomahawk. Hiện nay nó chỉ đang được phát triển và dựa trên nguyên lý “đốt cháy thiết bị vô tuyến điện tử”.
“Hiện tại, phương pháp đối phó hiệu quả nhất với Tomahawk là các hệ thống phòng không như Pantsir. Các lần thử nghiệm và diễn tập cho thấy, các hệ thống Pantsir tiêu diệt các mục tiêu đó rất hiệu quả”, vị chuyên gia kết luận.
Rạng ngày 7/4/2017, các tàu khu trục USS Porter và USS Ross của Hải quân Mỹ từ vị trí gần đảo Crete của Hy Lạp đã tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào sân bay Al Shayrat, ở tỉnh Homs, Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ lệnh tấn công để đáp trả cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Khan Shaykhun, tỉnh Idlib mà Mỹ quy tội cho quân chính phủ Syria.
Theo VND