Đám mây lai là gì và tại sao nó lại quan trọng?

Khi các tổ chức muốn tạo ra sự cân bằng trong việc lưu trữ tất cả các dịch vụ IT tại nội bộ và trên dịch vụ đám mây công cộng, một nền tảng lưu trữ mới đã được ra đời để đáp ứng nhu cầu của họ. Nền tảng đó có tên gọi là đám mây lai (hybrid cloud).
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo ZDNet, trong nhiều năm qua, điện toán đám mây đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà hoạch định chính sách IT và các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, nhiều công ty có mối lo ngại về bảo mật đã do dự trong việc chuyển dữ liệu và khối lượng công việc lên các dịch vụ đám mây phổ biến.

Khi công nghệ nền tảng của đám mây đã có sẵn để có thể sẵn sàng triển khai rộng rãi bên trong nhiều tổ chức, một hình thức mới của điện toán đám mây đã bắt đầu được xuất hiện để cải thiện tính linh hoạt, bảo mật và tăng khả năng đáp ứng các nhu cầu xử lý thông tin đa dạng. Đó chính là điện toán đám mây lai (hybrid cloud).

Đám mây lai là gì?

Hiện nay, đang có rất nhiều nhầm lẫn xung quanh khái niệm thật sự của đám mây lai. "Thuật ngữ đám mây lai dường như đã được tạo ra bởi các nhà cung cấp dịch vụ chứ không phải khách hàng",  nhà phân tích Dave Bartoletti của hãng nghiên cứu Forrester Research cho biết. Bên cạnh đó, Carl Brook, một nhà phân tích tới từ hãng nghiên cứu 451 Research cũng đồng ý với quan điểm thuật ngữ đám mây lai rất dễ gây nhầm lẫn và có nhiều quảng cáo quá mức về nó.

"Những điều khách hàng muốn làm đơn giản chỉ là được dùng nhiều đám mây khác nhau", ông Bartoletti cho biết. Từ những cuộc nói chuyện với khách hàng, hãng Forrester Research đã đưa ra một định nghĩa về đám mây lai như sau: "Một hoặc nhiều đám mây công cộng (public cloud) được kết nối với một vài thứ trong trung tâm dữ liệu của bạn. Đó có thể là một đám mây nội bộ (private cloud) hoặc một cơ sở trung tâm dữ liệu truyền thống".

Theo định nghĩa này, đám mây lai là sự kết hợp giữa các nền tảng điện toán đám mây, bao gồm một hay nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng (ví dự như Amazon hay Google) với một nền tảng đám mây nội bộ được thiết kế riêng cho một tổ chức hoặc một cơ sở hạ tầng IT của tư nhân. Đám mây công cộng và đám mây nội bộ hoạt động độc lập với nhau và giao tiếp thông qua kết nối được mã hóa để truyền tải dữ liệu và ứng dụng.

Độ chính xác của định nghĩa này rất quan trọng. Theo đó, các đám mây công cộng và đám mây nội bộ trong một đám mây lai là những bộ phận khác biệt và độc lập với nhau. Điều này cho phép các tổ chức có thể lưu trữ những dữ liệu cần được bảo vệ lên đám mây nội bộ nhưng vẫn đồng thời tận dụng được tài nguyên điện toán trên các đám mây công cộng. Điều này giúp cho dữ liệu của công ty sẽ bị rò rỉ ở mức tối thiểu vì các thông tin nhạy cảm sẽ không bao giờ được lưu trữ trên đám mây công cộng.

Mô hình đám mây lai theo định nghĩa của Forrester Research.

Tuy nhiên, hãng nghiên cứu 451 Research lại có định nghĩa hơi khác một chút. Theo họ, định nghĩa của đám mây lai là: "Hai hoặc nhiều môi trường điện toán đám mây khác nhau được sử dụng kết hợp để giải quyết một khối lượng công việc hoặc một ứng dụng thông qua một cơ sở quản lý duy nhất".

"Chìa khóa ở đây chính là cơ sở quản lý duy nhất", ông Brook cho biết. Nếu một tổ chức lưu trữ dữ liệu trên một đám mây và thực hiện công việc tính toán trên một đám mây khác nhưng người quản lý phải kết nối hai đám mây với nhau theo một cách thủ công, đó không phải là đám mây lai.

Ông Brook cũng cho biết thêm là một đám mây lai đúng nghĩa thật sự rất hiếm để bắt gặp trong thực tế vì chỉ có 1/10 số doanh nghiệp là đang sử dụng nó. Nhiều doanh nghiệp hiện đang chỉ theo đuổi chiến lược đa đám mây đơn giản hoặc quản lý nhiều môi trường điện toán khác nhau.

Lợi ích của đám mây lai

Đám mây lai là gì và tại sao nó lại quan trọng? ảnh 2

Với mô hình đám mây lai, các nhà hoạch định chính sách IT có nhiều khả năng hơn trong việc kiểm soát các thành phần trong đám mây so với việc sử dụng một nền tảng đám mây công cộng có sẵn. "Bạn sẽ có mọi thứ bạn muốn", ông Brook nói, "Điều này sẽ tăng tính hiệu quả và tính linh hoạt để đáp ứng để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau".

Lợi ích dễ thấy nhất của đám mây lai là giúp doanh nghiệp chỉ phải thanh toán cho thời gian điện toán tăng thêm vào những lúc thật sự cần thiết. Theo đó, đối với những doanh nghiệp có các thời điểm nhất định trong năm cần một khối lượng tính toán lớn (ví dụ như mùa thuế), họ có thể chuyển sang tận dụng đám mây công cộng trong hệ thống đám mây lai. Nhờ vậy, họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với việc đầu tư lớn vào một hệ thống cơ sở hạ tầng nội bộ nhưng chỉ được dùng vài lần trong năm.

"Đám mây lai cho phép bạn chọn đám mây phù hợp với khối lượng công việc cần làm", ông Bartoletti cho biết, "Nó không hề giới hạn bạn".

Bên cạnh đó, xây dựng một đám mây lai được liên kết trực tiếp với đám mây nội bộ sẽ giúp giảm đáng kể thời gian truy cập dữ liệu và độ trễ so với việc sử dụng đám mây công cộng.

Một lợi ích khác của mô hình đám mây lai đó là tạo ra một cơ sở hạ tầng điện toán tại chỗ để hỗ trợ giải quyết khối lượng công việc. Ngoài ra, đám mây lai còn tạo ra một phương án dự phòng cho doanh nghiệp để chuyển sang sử dụng đám mây công cộng nếu khối lượng công việc vượt quá khả năng giải quyết của đám mây nội bộ.

Cuối cùng, xây dựng đám mây lai cũng cho phép tạo ra sự linh hoạt trong thiết kế server. Điều này cho phép các công ty có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm giải pháp lưu trữ nhanh chóng, ổn định nhưng có chi phí thấp.

Những nguyên nhân khiến đám mây lai chưa được áp dụng rộng rãi

Mặc dù có nhiều lợi thế hơn nhưng mô hình đám mây lai vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề bảo mật như mô hình đám mây công cộng. Việc cho phép thông tin được truyền qua mạng có thể khiến nó bị can thiệp hoặc khai thác bởi một bên thứ 3 như hacker. Đối với nhiều tổ chức, đó là một rủi ro không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, cũng giống như đám mây công cộng, đám mây lai cũng không phù hợp với những công việc đòi hỏi khả năng truyền tải thông tin cực kì nhanh chóng và độ trễ thấp. Ví dụ, ông Tatsuya Kimura, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã từng đặt câu hỏi liệu có thể truyền tải dữ liệu dự báo thời tiết lên đám mây được hay không.

Hiện nay, siêu máy tính của hãng Hitachi đang được JMA sử dụng có khả năng tính toán tới 847 nghìn tỷ phép tính mỗi giây. Sở dĩ nó có khả năng tính toán khủng khiếp như vậy là để giúp các nhà khí tượng đưa ra được các dự báo một cách nhanh nhất, đặc biệt là dự báo về động đất và sóng thần. Vì thời gian là yếu tố cực kì quan trọng, việc cố gắng truyền tải dữ liệu dự báo thời tiết lên đám mây là không khả thi, kể cả khi đó là đám mây lai.

Vấn đề tiếp theo đó là tiền. Các tổ chức có ngân sách IT hạn hẹp sẽ phải rất khó khăn để thực hiện giải pháp đám mây lai vì chi phí phải trả cho việc xây dựng đám mây nội bộ là rất lớn. Ngoài ra, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, việc sử dụng dịch vụ đám mây công cộng đã là quá đủ.

Một vấn đề khác đó là sự phức tạp khi điều hành đám mây lai. "Khách hàng sẽ hoàn toàn phải sống, thở và chìm đắm trong thế giới tự động đó", ông Brook cho biết. Bạn cũng cần phải có sự hiểu biết và kĩ năng sử dụng nhiều môi trường điện toán đám mây khác nhau để có thể vận hành tốt đám mây lai.

Theo nhà nghiên cứu Batoletti, nếu các quản trị viên trong công ty không có sự thống nhất trong việc sử dụng chung nền tảng điện đoán đám mây, công ty sẽ khó khăn trong việc triển khai đám mây lai. Ví dụ, nếu trong một công ty có một bộ phận sử dụng dịch vụ đám mây công cộng của Amazon, một bộ phận khác dùng dịch vụ của Azure và một bộ phận khác nữa lại dùng dịch vụ của Google, một sự phức tạp không đáng có sẽ xảy ra nếu muốn kết hợp các nền tảng với nhau dưới dạng đám mây lai.

Những ai sẽ sử dụng đám mây lai?

Những ngành công nghiệp đang dịch chuyển dần về hướng của đám mây lai là những ngành đã có xu hướng thiên về sử dụng điện toán đám mây, ví dụ như truyền thông và tài chính.

Đám mây lai đang được sử dụng thường xuyên trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là khi khoảng cách giữa các nhà đầu tư và sàn giao dịch ngày càng xa hơn. Bằng việc đẩy các lệnh đặt mua vào đám mây nội bộ và chạy phân tích về các giao dịch trong đám mây công cộng, điều này sẽ giúp giảm không gian vật lý dành cho việc tính toán của các sàn giao dịch.

Ngoài ra, đám mây lai cũng đảm bảo an ninh dữ liệu rất tốt. Thuật toán thương mại là bí mật kinh doanh của nhiều công ty đầu tư. Đối với họ, việc đưa toàn bộ những dữ liệu nhạy cảm cho nhà cung cấp dịch vụ đám mây là một điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, đám mây nội bộ trong đám mây lai sẽ là cứu cánh cho những công ty không tin tưởng vào dịch vụ đám mây công cộng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một đám mây nội bộ để xử lý các khối lượng công việc tiêu chuẩn và những công việc yêu cầu tính toán với khối lượng lớn sẽ được đưa lên đám mây công cộng có thể là một sự đầu tư hợp lý trong dài hạn. Nói cách khác, việc triển khai đám mây lai sẽ tốn chi phí trong ngắn hạn nhưng nếu xét trong dài hạn, đó lại là một sự tiết kiệm chi phí.

Công nghệ đám mây lai cũng được sử dụng rộng rãi trong ngành chăm sóc sức khỏe vì việc chuyển dữ liệu liên tục giữa các cung cấp dịch vụ y tế và các công ty bảo hiểm là một công việc khó khăn. Hơn nữa, chính phủ Mỹ còn yêu cầu các công ty phải tuân thủ theo HIPAA (Đạo luật bảo hiểm y tế linh hoạt và khả năng chi trả y tế) nhằm cấm để lộ thông tin chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân.

Vì những lý do đặc thù, các công ty y tế và bảo hiểm thường sử dụng đám mây lai với nhiều thành phần nội bộ, thường được gọi là các kho dữ liệu ngoại vi được mã hóa. Điều này nhằm chống lại nguy cơ mất mát dữ liệu do hacker, hỏng hóc phần cứng hoặc thiên tai.

Bán lẻ cũng là một ngành cần sử dụng công nghệ đám mây lai. Việc truyền tải thông tin bán hàng và phân tích dữ liệu kinh doanh là một công việc yêu cầu nhiều tài nguyên điện toán, cả trong đám mây công cộng lẫn đám mây nội bộ.

Kết luận

dam-may-lai

Khảo sát trong năm 2014 về xu hướng tiến lên các mô hình điện toán đám mây của doanh nghiệp.

Đám mây lai có thể là một giải pháp hiệu quả cho những doanh nghiệp có mối quan tâm lớn đối với bảo mật. Mặc dù vậy, việc vẫn có kết nối tới đám mây công cộng khiến cho nguy cơ bảo mật của công nghệ đám mây lai không phải là không có.

Trong khi chi phí phải trả để xây dựng đám mây nội bộ trong đám mây lai là cao, việc lựa chọn được các linh kiện phần cứng và thiết kế riêng có thể giúp doanh nghiệp tạo ra một hệ thống điện toán phù hợp với các tài nguyên hiện có. Xây dựng một đám mây nội bộ để xử lý những khối lượng công việc tiêu chuẩn và tính toán những công việc đòi hỏi tài nguyên điện toán lớn trên đám mây công cộng sẽ là một ý tưởng tốt cho ngân sách của doanh nghiệp trong dài hạn.

Cuối cùng, đám mây lai giúp các doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ đám mây công cộng nhưng không phải tải toàn bộ dữ liệu lên đó. Điều này cung cấp sự linh hoạt trong việc thực hiện các tác vụ điện toán và đồng thời giữ cho những dữ liệu quan trọng trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Theo VnReview
http://vnreview.vn/tin-tuc-thi-truong/-/view_content/content/2244943/dam-may-lai-la-gi-va-tai-sao-no-lai-quan-trong