Ông Tần Cương, người được bổ nhiệm vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ trong tháng 7 vừa qua, nói rằng Mỹ đã “đánh giá sai” khi tin rằng họ cần phải đối phó với Trung Quốc từ “vị trí quyền lực” và giành chiến thắng một cuộc “Chiến tranh Lạnh”mới trước Trung Quốc. “Trung Quốc không phải Liên Xô. Sự sụp đổ của Liên Xô là do họ tự gây nên”, ông nói.
Bình luận được ông Tần đưa ra trong cuộc họp trực tuyến tổ chức hôm thứ Ba vừa qua, có sự tham dự của nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Susan Thorton – người từng giữ vị trí quyền Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Donald Trump.
“Chính sách cực đoan nhằm vào Trung Quốc mà chính quyền trước của Mỹ áp dụng đã gây nên tổn thất nghiêm trọng đối với mối quan hệ của chúng ta, và tình hình đó vẫn chưa thay đổi. Nó thậm chí còn đang tiếp diễn” – ông Tần nói trong sự kiện được Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung tổ chức.
“Chúng tôi sẵn sàng tăng cường liên lạc với Mỹ, giữa các cơ quan phụ trách ngoại giao, kinh tế, tài chính, hành pháp và quân đội của hai bên, và tái xây dựng các cơ chế đối thoại. Điều này sẽ giúp hai bên hiểu rõ về xu hướng chính sách của nhau, kiểm soát và xử lý những sự khác biệt theo cách xây dựng”.
Trung Quốc: Mỹ cần học “bài học” sau 20 năm can thiệp quân sự ở Afghanistan
Ông Tần nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô là do nhiều yếu tố cấu thành, bao gồm nạn tham nhũng và sự tham gia của họ vào một cuộc chạy đua vũ trang dẫn tới sự bất mãn của người dân.
Ngược lại, Trung Quốc đã học được từ lịch sử để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất chấp những đợt hạn hán tồi tệ, khan hiếm lương thực suốt nhiều năm, và sự rút nguồn lực viện trợ của Liên Xô.
“Nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả. Ngày nay, khi Mỹ lựa chọn sử dụng sức mạnh nhà nước để hạ bệ Huawei, thứ mà họ có thể thấy – theo cách nói của nhiều người Trung Quốc – không phải là sự sụp đổ của Huawei mà là sự trỗi dậy của nhiều công ty giống Huawei” – ông nói.
Ông Tần Cương đã nhắc lại luận điểm của Bắc Kinh khi cho rằng Mỹ đã áp dụng tâm lý “Chiến tranh Lạnh” để đối phó với Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Châu Á không cần phải “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc!
Kể từ khi tới Washington tiếp nhận vị trí mới, ông Tần đã đưa ra luận điệu thân thiện hơn trong những tuyên bố công khai của mình và tại nhiều sự kiện, sau nhiều tháng hai nước bị khóa trong tình trạng căng thẳng và cáo buộc lẫn nhau. Ngoài cuộc họp đầu tiên của ông với giới chức Mỹ, cũng có nhiều tín hiệu cho thấy hai nước đang tăng cường liên lạc chính thức.
Trước đó, đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Mỹ, John Kerry, đã tới Trung Quốc vào chiều ngày 31/8 để đối thoại về vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông tới Trung Quốc, đại diện cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoài ra còn phải kể đến 2 cú điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về vấn đề Afghanistan, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng vẫn tiếp diễn ở nhiều lĩnh vực, như nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Cuộc điều tra kéo dài 3 tháng mà cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện nhằm truy vết nguồn gốc COVID-19 đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Bắc Kinh, bên cho rằng cuộc điều tra này “có động cơ chính trị”.
Chính phủ Mỹ trong tuần trước tuyên bố rằng cuộc điều tra của họ đã không thể đưa ra được một đánh giá mang tính kết luận, tuy nhiên Tổng thống Biden tuyên bố sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc về vấn đề này.