Mỹ: Nỗ lực tiêm chủng vaccine COVID-19 đang bỏ lại những người yếu thế nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù đã có 51,9% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 2/6, nhưng vẫn còn một nhóm người dân yếu thế đang bị bỏ lại phía sau.
Tỷ lệ người được tiêm chủng ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất nước Mỹ thấp hơn ở các khu vực ít bị tổn thương (Ảnh: Reuters)
Tỷ lệ người được tiêm chủng ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất nước Mỹ thấp hơn ở các khu vực ít bị tổn thương (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, toàn xã hội sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu mỗi người dân đều được tiêm chủng. Tuy nhiên, bong bóng bảo vệ đó không được chia sẻ công bằng trên toàn nước Mỹ. Mặc dù đã có 51,9% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 2/6, nhưng vẫn còn một nhóm người dân yếu thế đang bị bỏ lại phía sau.

Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 28/5 cho thấy, chỉ có 42% người dân sống tại các Hạt được coi là dễ bị tổn thương nhất do COVID-19 được tiêm chủng, trong khi con số này ở các Hạt ít bị tổn thương nhất lại cao hơn – 60,1%. Các nhà nghiên cứu đưa ra đánh giá này dựa trên chỉ số dễ bị tổn thương xã hội (SVI) của CDC để xếp hạng các Hạt của Hoa Kỳ theo tình trạng kinh tế xã hội, thành phần hộ gia đình, thành phần chủng tộc và sắc tộc, khả năng tiếp cận phương tiện giao thông...

Khoảng cách tiêm chủng dựa trên SVI thể hiện rõ rệt nhất ở các khu vực ngoại ô và nông thôn, các nhà nghiên cứu cho hay, và nó càng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Tỷ lệ tiêm chủng ở các Hạt – thuộc tất cả các mức độ dễ bị tổn thương – là tương tự nhau trong tháng 12 năm ngoái, thời điểm mà chiến dịch tiêm chủng diện rộng của Mỹ bắt đầu. Nhưng đến ngày 1/5 năm nay, khoảng cách tiêm chủng khá rõ ràng: tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 49% ở các quận dễ bị tổn thương nhất, trong khi các quận ít bị tổn thương hơn là gần 60%.

Vaughn Barry, một trong những tác giả của báo cáo trên, cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy sự chênh lệch ngày càng tăng, ngay cả khi vaccine đang ngày càng đáp ứng đủ tiêu chuẩn và khả năng tiếp cận. “Điều đó một lần nữa cho thấy một việc quan trọng là tất cả người dân cần được tiêm vaccine ngay khi chúng sẵn có, để có thể tiếp tục thực hiện các bước hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch COVID-19”; ông nhấn mạnh.

Tỷ lệ người dân ở các vùng nông thôn dễ bị tổn thương được tiêm chủng tương đối thấp là điều đặc biệt đáng lo ngại, vì nhóm người này có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn hơn và phải chịu ảnh hưởng không đáng có bởi căn bệnh này. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đến đầu tháng 12/2020, cứ 100 người bị nhiễm bệnh thì có 1,86 người dân nông thôn tử vong, so với 1,26 người ở thành thị.

Tâm lý do dự tiêm vaccine gần như là một trong những nguyên nhân lớn làm gia tăng khoảng cách tiêm chủng. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 5 của KFF, 24% người Mỹ nông thôn nói rằng, họ chắc chắn sẽ không tiêm vaccine, trong khi con số này ở ngoại thành là 15% và ở thành thị là chỉ 7%.

Một số ý kiến cho rằng, sự chênh lệch này có thể liên quan đến vấn đề chính trị. Theo khảo sát của KFF, người Mỹ ở nông thôn có xu hướng thiên về Đảng Cộng hòa hơn, và 27% số người tự nhận là thành viên đảng Cộng hòa nói rằng họ không muốn tiêm chủng, trong khi đó chỉ có 11% người độc lập và 3% người theo Đảng Dân chủ nói họ sẽ không tiêm chủng.

Tiếp cận vaccine cũng có vai trò trong khoảng cách tiêm chủng. Một phân tích mà các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Iowa công bố hồi tháng 2 cho thấy, 111 Hạt ở vùng nông thôn Mỹ thiếu cửa hiệu thuốc đủ điều kiện cung cấp vaccine COVID-19 và hơn 307 Hạt khác chỉ có 1 cơ sở như vậy. Một báo cáo gần đây của CDC cũng chỉ ra rằng, kể từ ngày 10/4, tỷ lệ người dân ở các vùng nông thôn và thành thị phải đến một Hạt khác để tiêm chủng cao hơn so với những người ở ngoại ô.

Tuy nhiên, ông Vaughn lưu ý rằng, kế hoạch tiêm chủng cho một nửa số người trưởng thành ở Mỹ trong vòng 5 tháng rưỡi đã là “một bước tiến lớn”. Ông cho biết, giờ đây, các quan chức y tế công phải giải quyết khoảng cách tiêm chủng bằng cách hợp tác với các nhà lãnh đạo và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương, mở các phòng tiêm chủng di động, cũng như điều chỉnh thông điệp tới các cộng đồng địa phương.